Ám ảnh phía sau đồi

Thứ Tư, 14/01/2015, 12:00
Suốt một thời gian dài nhiều khu vực trong xã Hoàng Tung (huyện Hòa An, Cao Bằng), đặc biệt là mỏ sắt Bó Lếch được xem như điểm nóng điển hình của tình trạng khai thác quặng trái phép. Những vỉa quặng sắt được phát lộ tựa như một thứ phép màu kỳ diệu giúp cuộc sống người dân xứ núi được cải thiện. Thế nhưng, cũng chính nó ẩn tàng một thứ "lời nguyền" sắc lẹm. Khi trót vướng phải lời nguyền ấy, hàng trăm con người chất phác bỗng dưng đổi tính. Họ vì tiền, vì chút lợi lộc nhỏ sẵn sàng trở thành những "quặng tặc" liều lĩnh, bất chấp lệnh cấm, sẵn sàng quật tung tất thảy vườn tược, hoa màu, thậm chí từ bỏ cả sinh mạng trong các hầm, rãnh để mót nhặt những vỉa quặng lẻ…
Hu khai qung là tan nát rung vườn

Từ thị xã Cao Bằng, chúng tôi tìm đến đồi quặng Bó Lếch, Bó Bủn của xã Hoàng Tung. Cho đến thời điểm hiện tại, gần như toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản ở khu vực này đã dừng hoạt động. Nghe nói, các hoạt động buôn bán quặng ngầm ở Bó Lếch hiện đã được chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Thế nhưng, di chứng của "cơn bão" bới đất tìm quặng một thủa cũng kịp để lại hàng trăm hầm hố vằn vện, rải rác khắp các sườn đồi. Suốt dọc đường, bên những thùng xe cũ hoen gỉ nằm im lìm, vẫn tồn tại không ít những căn nhà vách đất, xung quanh chất đầy đá. Anh bạn "thổ địa" khẳng định chắc nịch với tôi rằng cái thứ "đá" vón cục lóng lánh màu gỉ sắt chất đống trước hiên nhà ấy chính là quặng. Chúng tưởng chừng được vứt ngả ngốn như không hề được quan tâm nhưng kỳ thực là đang tập kết chờ xe thu mua.

Hiện tượng người dân bản địa đào xới để tìm, mót quặng trên khu vực này nở rộ mạnh mẽ nhất là khoảng thời gian năm 2012. Thời điểm ấy, khu vực Bó Lếch là một "đại công trường" theo đúng nghĩa đen với hàng trăm điểm mỏ lớn nhỏ. Ngoài các điểm khai thác quặng sắt được chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên Cao Bằng cấp phép thì những mỏ lậu cũng hoạt động nhộn nhịp không kém. Các "đầu nậu" thu mua quặng tìm đến đây, họ thu gom quặng lẻ của dân với giá từ 400 - 2.200 đồng/kg.

Quặng tìm dễ, việc quản lý lỏng lẻo nên nhiều gia đình mưu sinh bằng cách tận thu quặng trên chính mảnh đất họ đang sống. Số khác thì chia nhau lang thang tại các công trường đang thi công, khai thác trên địa bàn để mót, nhặt những vỉa quặng lẻ. Giá bán cao nên mỗi ngày đào bới, nhặt mót quặng cũng mang lại thu nhập "khủng" cho không ít dân bản địa với ngưỡng 150.000 - 300.000 đồng/người.

Con đường dẫn Bó Lếch bị các xe trọng tải lớn chở quặng cày nát.

Cứ thế, nhà nào biết nhà nấy, mỗi gia đình lại trở thành một công trường khai thác riêng lẻ. Bà Triệu Thị Dung, trưởng thôn Bó Lếch bật mí về cách thức tuồn quặng ra bên ngoài: "Sau khi thỏa thuận giá cả thu mua với các gia đình có quặng, đầu nậu lấy danh nghĩa thuê lại đất để cho máy móc vào đào bới. Nếu phát hiện ổ hoặc vỉa quặng, chủ nhà sẽ chịu trách nhiệm khai thác, thu gom vào các bao tải, hoặc đổ đống vào một chỗ, chờ xe tải của đầu nậu. Tôi nghe đâu họ mua quặng để bán sang Trung Quốc".

Có một điểm chung ở những người dân mỏ quặng Bó Lếch mà người viết tiếp xúc, đó là họ đều cho rằng mình chỉ "nhặt" quặng chứ không hề khai thác trộm. Họ lý luận, những đống quặng xếp chồng chất trước cửa nhà chỉ đơn thuần là "sản phẩm" từ việc cải tạo vườn tạp và đào ao thả cá... Khi đào đất họ thấy quặng rồi "chẳng biết để làm gì" nên mới đem bán chứ không hề chú tâm khai thác như những gì báo chí vẫn ra rả nói.

Việc để đồi quặng trở nên tan hoang không hoàn toàn do người dân khai thác trái phép gây ra. Một nguyên nhân khác ít được thẳng thắn nhìn nhận đó là do chính những doanh nghiệp được cấp phép khai khoáng trên địa bàn. Theo lời kể của người dân địa phương, mỏ sắt Bó Lếch này đã từng qua tay không dưới hai doanh nghiệp và sau những lần "sang tay" ấy, mỏ quặng càng xuất hiện thêm những hầm hố. Hay nói theo cách của người dân, tận thu xong nguồn khoáng sản dồi dào, việc hoàn thổ (san, lấp lại những hầm hố đã khai thác - PV) bỗng dưng bị các doanh nghiệp… bỏ quên. Có chăng họ cũng chỉ phủi tay, làm qua loa đến mức ông Đàm Thế Phong, Phó Chủ tịch xã Hoàng Tung bức xúc: "Với doanh nghiệp sau khi khai thác xong mà phần việc hoàn thổ chưa đạt yêu cầu như đơn vị Đức Hiếu, tỉnh và địa phương quán triệt bắt họ phải tiến hành hoàn thổ lại".

Xót xa phận phu quặng

Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng khai thác quặng trái phép tràn lan trên địa bàn xã Hoàng Tung, ngày 17/4/2013, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Hòa An đã ra công văn số 78/CV-UBND: "Ngăn chặn khai thác quặng trái phép trên địa bàn xã Hoàng Tung". Tiếp đó, UBND xã Hoàng Tung cũng thống nhất tinh thần triển khai, ra thêm công văn số 28/QĐ - UBND thành lập đoàn kiểm tra, ngăn chặn, khai thác quặng trái phép trên địa bàn. Thế nhưng, chừng đó sự vào cuộc của chính quyền sở tại vẫn không đủ sức ngăn chặn những hệ lụy phát sinh từ việc đào, mót quặng trái phép.

Ông Đàm Thế Phong Phó Chủ tịch xã Hoàng Tung, đồng thời cũng là trưởng ban ngăn chặn và khai thác khoáng sản trên địa bàn ghi nhận: "Năm 2011, có một doanh nghiệp múc hố thăm dò quặng, nhiều người dân chui vào để mót quặng rồi hầm bị sập chết. Trường hợp ấy doanh nghiệp họ tự làm việc với gia đình nạn nhân nên chính quyền xã không can thiệp. Nghe đâu, người chết vì mót quặng cũng là trẻ con, sống ở Khuổi Áng".

Ông Đàm Thế Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tung.

Chết vì quặng không chỉ riêng Hoàng Tung mới có. Theo nguồn tin riêng của người viết, ở xã Thông Huề (Trùng Khánh), cụ thể là tại mỏ Tả Than - Hiếu Lễ nơi tình trạng người dân đổ xô đi mót quặng nở rộ vào năm 2002 cũng đã có không dưới mười người thiệt mạng. Đặc biệt, riêng năm 2007, liền một lúc 3 học sinh đã chết vì sập mỏ trên chính khu vực này. Hay tại mỏ sắt Nà Lũng, xã Chu Trinh (Tp. Cao Bằng) thuộc khu mỏ do Công ty Khoáng sản luyện kim Cao Bằng quản lý. Ngày 25/5/2011, hàng nghìn m3 đất đá đổ ập xuống, vùi lấp hai trường hợp đi mót quặng là chị Lương Thị Quy (sinh năm 1985) và Nhâm Thị Linh (sinh năm 1977). Những trường hợp vừa kể trên là một trong số ít trường hợp bỏ mạng vì quặng mà dư luận thống kê được. Riêng những trường hợp bị thương tích hoặc cả đời chịu cảnh tàn phế, chôn vùi sức khỏe trong những hầm quặng khá nhiều.

Chị Nguyễn Thị Nhung (xã Đoài Côn), một nạn nhân chịu cảnh cả đời "bán thân bất toại" vì quặng ứa nước mắt kể: "Tôi lên Thông Huề theo người ta đi mót quặng. Chẳng may bị thành taluy của máy xúc rơi trúng sống lưng nên mới thành chịu cảnh nằm liệt giường". Người cha già Nguyễn Xuân Tạo (sinh năm 1946) ngồi kế bên than thở: "Giờ nó liệt chẳng làm được gì, chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không thể khỏi. Hoàn cảnh đến nông nỗi này chung quy cũng chỉ vì quặng. Gánh nặng cơm áo nuôi tôi, nuôi nó và hai đứa con nó giờ đặt cả vào người con rể. Số tiền nợ trong những lần chữa trị cho nó giờ còn trên 20 chục triệu nữa, chẳng biết bao giờ mới trả hết được".

Hố đào quạng ăn sâu vào con đường dẫn lên Bó Lếch.

Trở lại với câu chuyện khai thác quặng ở Hoàng Tung, lý do khiến việc "quặng tặc" một thời hoành hành trên vùng đất này một phần vì cơ chế xử lý. Điều này được ông Phó Chủ tịch giãi bày: "Nếu xe chở quặng lậu ra đường lớn, đường lộ ngoài kia rồi thì chỉ công an huyện, tỉnh mới có thẩm quyền chặn và xử lý. Hay nói thẳng là việc xử phạt cũng… vượt quá thẩm quyền của xã. Bởi dù là khai thác trên địa bàn nhưng xã chỉ có quyền ký giấy phạt với số tiền dưới 2 triệu đồng. Từ khoảng trên mức ấy đến huyện, tỉnh là 30 triệu. Người ta chở quặng lậu đi tiêu thụ bằng một cái xe đạp nhỏ thì xã cũng khó xử phạt". Theo đó, cũng xuất phát từ cơ chế nên việc xử lý những trường hợp vi phạm ở Hoàng Tung cũng khá hạn chế. Chẳng hạn, theo một nội dung biên bản làm việc ngày 23/4/2013 mà vị Phó Chủ tịch cung cấp thì trên "điểm nóng" này, chính quyền cũng chỉ xử phạt một số ít những hộ gia đình khai thác quặng lậu. Cụ thể như, trường hợp hộ Nguyễn Thị Noóng, Bế Ích Thụy, Nguyễn Thị Thấm… bị bắt quả tang khi đang khai thác trái phép quặng trên chính đất vườn của gia đình mình.

Hàng trăm người dân trở thành "quặng tặc" trên vùng đất đồi chứa đầy khoáng sản là việc hiển nhiên từng xảy ra ở khắp các điểm quặng của Hoàng Tung. Và cách xử lý của chính quyền xét cho cùng cũng chỉ là phương pháp xử lý phần ngọn của vấn đề. Căn nguyên đưa đẩy khiến những người dân chất phác trở nên như vậy là do đâu? Bà trưởng thôn Bó Lếch Triệu Thị Dung khẳng định chắc nịch là do: nghèo, ít tư liệu sản xuất. Ông Phong cũng khẳng định tương tự như vậy. Thế nhưng, có một nghịch lý khó hiểu trong câu chuyện này, đó là tỷ lệ hộ nghèo trong vùng lại gần như đã được xóa hết.

Cụ thể, theo thống kê riêng địa bàn xóm Bó Lếch có cả thảy 44 hộ dân, 174 nhân khẩu và tỷ lệ hộ nghèo chỉ có 2 hộ đơn thân. Vậy chuyện người dân đổ xô đào mót quặng trái phép do cái sự túng quẫn bủa vây của nghèo, đói hẳn nhiên không thực sự xác thực.

Đinh Luyện
.
.
.