Ăn xổi - bệnh nan y của nền kinh tế Việt Nam nhìn từ công nghiệp phụ trợ

Thứ Năm, 08/01/2015, 17:00
Cũng cần phải xác định ngay là căn bệnh nan y về sự ăn xổi không chỉ trong nền kinh tế nước ta mà dường như nó đã di căn sang nhiều ngành khác.

Xin đơn cử ngành Thể thao. Trước khi đi Thế vận hội châu Á lần thứ 17 tại In-cheon Hàn Quốc, ngành Thể thao nước ta đặt mục tiêu khiêm tốn sẽ đạt từ 2 đến 3 huy chương vàng. Kết cục Việt Nam chỉ đạt duy nhất một huy chương vàng (HCV), xếp thứ 21 trên tổng số 45 quốc gia tham dự. Không kể các cường quốc thể thao châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... mà ngay so với các nước trong khu vực thì ta cũng đứng sau Thái Lan 6 HCV, Malaysia và Singapore cùng 5 HCV, Indonesia 4 HCV và Myanmar 2 HCV.

Nguyên nhân của sự thất bại, thụt lùi này vì ngành Thể thao Việt Nam cũng đang mắc bệnh nan y ngày càng trầm trọng ở nước ta, đó là bệnh ăn xổi. Người hâm mộ thể thao Việt Nam đau lòng khi nữ vận động viên xuất sắc của điền kinh nước ta Vũ Thị Hường từng được phong là nữ hoàng chạy, giờ ngót nghét 30 chục tuổi vẫn cày ải trên mọi cự ly của đường chạy và ở Asiad 17 cô không giành được thành tích nào. Vận động viên cầu lông xuất chúng Nguyễn Tiến Minh từng được xếp top 10 thế giới cũng xấp xỉ tam thập, lứa tuổi dốc bên kia của vận động viên thể thao, vẫn phải thay mặt cầu lông Việt Nam thi đấu vì không có người thay thế để rồi liên tục đón nhận thất bại và tụt hậu dưới hạng 20 của thế giới.

Chúng ta cũng thật sự đau lòng khi vận động viên chuẩn bị đi thi thế vận hội phải tập luyện trong những khu nhà dột nát, và có những bộ môn như bắn cung phải tập chay không dụng cụ. Vận động viên tài năng của các nước được phát hiện từ nền thể thao nhà trường và được nuôi dưỡng hàng chục năm trước khi đi thi đấu, còn ở ta thể thao nhà trường chỉ là con số không tròn trĩnh, và người ta chỉ vội vã tuyển chọn, bồi dưỡng khi kì thi nào đó sắp đến một cách chiếu lệ.

Trở lại nền kinh tế nước ta, trong NQ TW 7 khoá VII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định sẽ phấn đấu để đến năm 2020 Việt Nam sẽ thành một quốc gia công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Với mục tiêu đó tức là đến năm 2020 Việt Nam có nền công nghiệp là kết quả của quá trình nâng cao giá trị tuyệt đối của sản lượng công nghiệp gắn với sự phát triển của văn hoá, biến xã hội Việt Nam thành xã hội công nghiệp. Công nghiệp nước ta bước vào sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng loạt, cân đối đầu vào với thị trường tiêu thụ làm phát triển thương mại nội địa cũng như quốc tế. Năng suất lao động được nâng cao nhanh chóng, kinh tế tăng trưởng nhanh, chu kì kinh tế rõ rệt hơn. Đến năm 2020, với đặc thù của một nước công nghiệp thì tỉ trọng của nông nghiệp nước ta chỉ còn chiếm từ 16 đến 17%, công nghiệp chiếm từ 40 đến 41% và dịch vụ chiếm từ 42 đến 43% GDP. Đặc biệt sức lao động có sự chuyển đổi về chất từ lao động thủ công là chính chuyển sang sử dụng sức lao động với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến…

Ảnh minh họa.

Nhưng nếu tính từ 2014 này đến thời hạn lịch sử 2020 biến nền kinh tế nước ta "từ gà sang công" đó không còn là viễn cảnh xa vời vì quá trình thay đổi đó chỉ vỏn vẹn trong 6 năm trời.

Chuyển biến cấp độ của một nền kinh tế từ thấp đến cao, từ thủ công, manh mún sang quy mô, công nghiệp hoá không thể là thời gian một sớm một chiều. Việc nhìn ra những căn bệnh đang kìm hãm nền kinh tế đó để có phương pháp khắc phục không phải là dễ.

Như trên đã nói, nền kinh tế công nghiệp là nền kinh tế sản xuất quy mô và hàng loạt nhưng để có được yếu tố đó thì việc đầu tiên nền kinh tế đó phải có ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) vững mạnh. Ngành sản xuất phụ trợ đảm nhận sản xuất linh, phụ kiện và thực hiện quá trình hỗ trợ việc sản xuất các linh phụ kiện đó như cán, ép, dập khuôn mẫu. Đáng tiếc thay trong các NQ của Đảng cũng như phương hướng của các ngành kinh tế nước ta đã từng đề ra những sách lược “ưu tiên cái nọ, cái kia như ưu tiên ngành công nghiệp nặng…” nhưng chưa bao giờ đả động đến việc ưu tiên CNPT mặc dù đã nhiều lần ra NQ hoặc các chính sách để đẩy tỷ lệ nội địa hoá của một số sản phẩm như xe máy, ôtô, và có một dạo là chế tạo tàu biển. Tỷ lệ này xét về thực chất chỉ là kết quả của CNPT. Thế cho nên CNPT của Việt Nam cho đến bây giờ vẫn chỉ dừng ở sự yếu kém.

Các nhà kinh tế thế giới đã đưa ra hình ảnh khá điển hình. CNPT thúc đẩy các ngành công nghiệp lắp ráp như xe máy, ôtô, điện tử, tàu biển được ví như chân của quả núi, còn bản thân các ngành công nghiệp được ví là thân và đỉnh của trái núi đó. CNPT - Chân núi yếu thế làm sao có thể làm nên cho thân, đỉnh – các ngành công nghiệp lắp ráp ở nước phát triển vững chắc và toàn điện được. Trong báo cáo của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản trên Diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF) diễn ra vào tháng 6/2006 đã đánh giá “CNPT Việt Nam chậm phát triển. Tỷ lệ nội địa hoá của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chỉ là 22,6% trong khi Malaysia và Thái Lan là 45%”.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận xét, trong 80 doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) thì có đến 32 doanh nghiệp việc cung ứng nguyên, vật liệu và hoạt động kinh tế phụ trợ Việt Nam rất kém. Muốn giảm chi phí sản xuất (đỡ phải nhập phụ kiện nước ngoài), nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nhưng thật khó tìm được nhà cung cấp thích hợp, tự mày mò bằng nhiều nguồn, nhiều thành phần nhưng tiếp cận hàng trăm đơn vị may lắm chỉ tìm ra được một”. Từ việc mày mò tìm ra doanh nghiệp sản xuất phụ trợ các doanh nghiệp FDI mới nhận ra thực trạng buồn của CNPT Việt Nam là chất lượng sản phẩm kém, giá thành lại cao vì công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ kĩ cho nên chỉ đủ tiêu thụ cho các doanh nghiệp nhà nước.

Khoảng cách về chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm phụ trợ do các doanh nghiệp Việt Nam là quá lớn so với sản phẩm CNPT thế giới. Nói một cách nôm na, một chiếc bu lông, ốc vít Việt Nam sản xuất vừa đắt về giá thành nhưng chẳng những độ bền về nguyên liệu yếu (hay bị cháy đen) mà độ lắp lẫn (tiêu chuẩn cơ bản của CNPT) lại quá thấp. Chẳng những yếu về chất lượng mà còn quá ít ỏi vì hầu như không được quan tâm về số lượng các đơn vị thuộc ngành CNPT.

Ngoài Nhà máy quy chế Từ Sơn, một trong những doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm của CNPT được xây dựng từ năm 1963 đến nay hơn nửa thế kỉ, kể cả hơn 20 năm gần đây tính từ khi đất nước ta áp dụng chính sách đổi mới, nhu cầu sản phẩm CNPT tăng vọt mà hình như chưa có một cơ sở tương tự nào ra đời.

Ảnh minh họa.

Tôi nhớ khi ngành đóng tàu nước ta có ít nhiều thành tựu về lắp ráp được một số con tàu thì đã được ngoa ngôn thành cường quốc đóng tàu thế giới. Giai đoạn đó để tạo điều kiện nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm tàu biển Việt Nam, ngành đóng tàu đã có một số cố gắng trong sự phát triển CNPT như thành lập khu CNPT ở Lai Vu (Hải Dương), thành lập một vài cơ sở cán thép tấm… nhưng chẳng bao lâu những cơ sở này cũng bị phá sản cùng đại nạn Vinashin. Một ngành thứ hai có thể là hàn thử biểu cho trình độ của CNPT Việt Nam, đó là ngành sản xuất xe máy, ôtô. Có thể nói, với tỷ lệ nội địa hoá trong các sản phẩm này đạt tới 40% đối với dòng xe tải và xe khách vì hai dòng xe này ưu tiên cho phục vụ sản xuất và tiêu dùng nên trong sản xuất người ta ít quan tâm đến tiểu tiết và tính hiện đại. Nhưng ngay ở hai dòng xe này thì sự ghi nhận thành công trong CNPT cũng chiếm từ 70-75% các doanh nghiệp có vốn FDI, còn các doanh nghiệp thuần nội cũng như các ngành khác thì vẫn dừng chân khi chỉ đạt độ gia công ở giai đoạn cuối của sản phẩm.

Ngành CNPT Việt Nam hàng vài chục năm vẫn loay hoay đi tìm cái ngọn là cố gắng nâng cao tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm mà quên cái gốc là cần nâng cao năng lực của CNPT. Hiện nay nền kinh tế nước ta đang chuyển dần sang hình thức sở hữu. Việc cổ phần hoá các doanh nghiệp là quy trình tất yếu. Trong khi đó CNPT không phải là loại công nghiệp nhanh chóng làm ra lợi nhuận. Muốn có kết quả tốt trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có chiến lược đầu tư bài bản về chuyển giao công nghệ, về trang thiết bị phù hợp. Từ đó có thể hiểu ngành CNPT sẽ thêm một trở ngại lớn cho sự phát triển của mình. Năm 2018 tức là còn 4 năm nữa thôi sẽ đến thời hạn của sự hội nhập hoàn toàn, khi đó thuế nhập khẩu các loại là 0%. Nếu Nhà nước không có chiến lược để thúc đẩy ngành CNPT nước ta phát triển, đáp ứng với sự đi lên của các ngành công nghiệp lắp ráp Việt Nam thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ cực kì khó khăn để duy trì sản xuất. Như vậy sẽ tạo ra những trái núi lớn ngăn cản Việt Nam ta đến năm 2020 thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Hoàng Bách Thành
.
.
.