Những người “đưa anh về nhận mặt quê hương”

Thứ Bảy, 21/07/2018, 16:00
Đau đáu với đồng chí, đồng đội đã hy sinh nhưng chưa được đưa về quê hương an táng, vẫn còn nằm rải rác ở núi rừng, trong các nghĩa trang nên nhiều năm qua, tại tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện nhiều tấm gương cựu chiến binh (CCB) nặng lòng với công việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ đưa trở về quê hương. Như một ý thơ, họ chính là những người “đưa anh về nhận mặt quê hương” sau mấy mươi năm xa cách…


Vợ "đổi" tên chồng

Trong không khí những ngày tháng 7 này, khi cả nước hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), chúng tôi tìm đến nhà của CCB Nguyễn Hữu Hạng (59 tuổi, trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) khi ông đang tất bật với công việc sửa chữa đồ điện tử gia dụng.

Ông Hạng đón tiếp chúng tôi bằng nụ cười trìu mến, mở đầu câu chuyện: “Tôi cố gắng sửa xong một số máy móc điện tử cho khách rồi 2 ngày nữa lại lên đường đi các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên để tham gia cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ đưa về với quê hương Quảng Nam”.

Đợt cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ đưa về Quảng Nam an táng của ông Hạng và đồng đội.

Vừa rót chén nước mời khách, ông Hạng kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời “binh nghiệp” của mình: Năm 1979, khi vừa tròn 22 tuổi, ông Hạng tham gia bộ đội, chiến đấu tại “chiến trường K” theo diện quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia thuộc Trung đoàn 96, Sư đoàn 309, Quân khu VII.

Trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế cao cả tại nước bạn, ông tham gia chiến đấu chủ yếu tại tỉnh Battambang. “Dù đồng đội tôi khi ấy đến từ mọi miền đất nước, song rất yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Cái khó nhất trong quá trình chiến đấu tại Campuchia là việc bất đồng ngôn ngữ với người dân địa phương và địa bàn hoạt động chủ yếu ở núi rừng”, CCB Nguyễn Hữu Hạng bồi hồi nhớ lại.

Suốt 6 năm trời ròng rã làm nhiệm vụ tại chiến trường K, ông Hạng không về nhà dù chỉ 1 lần. Trong khi đó, điều kiện thông tin liên lạc lúc bấy giờ còn rất thiếu thốn nên nhiều người thân ở quê nhà cứ nghĩ ông đã hy sinh bên nước bạn Campuchia.

Thực tế quãng thời gian này, ông Hạng và đồng đội thường xuyên đối mặt với kẻ thù, chống chọi với những cơn sốt rét rừng, đối diện với muôn vàn khó khăn. Biết bao trận đánh lớn đã diễn ra, nhiều đồng đội của ông Hạng đã anh dũng hy sinh, còn ông may mắn chỉ bị thương nhẹ.

Năm 1985, ông được lệnh ở trên đưa về Việt Nam sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người lính. Kể từ đó, ông giã từ “binh nghiệp”, về lại quê hương, nỗ lực làm nghề sửa chữa đồ điện tử gia dụng để phát triển kinh tế rồi dựng xây cuộc sống mới với người vợ cùng quê.

Hơn 30 năm đã đi qua kể từ ngày trở về, cuộc sống gia đình người CCB Nguyễn Hữu Hạng cũng được xem là ổn định. 3 người con của vợ chồng ông đã khôn lớn, có người đã ăn học thành tài và lập gia đình. Dù cuộc sống ổn định bên vợ con, song không phút giây nào ông Hạng thôi không nghĩ về những đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh anh dũng.

Ông Nguyễn Hữu Hạng (bìa trái) trao đổi với lãnh đạo Hội CCB thị trấn Ái Nghĩa về kế hoạch quy tập hài cốt liệt sĩ.

Vậy là vài năm trở lại đây, ông tham gia cùng với một số CCB khác của Trung đoàn 96, Sư đoàn 309 lặn lội vào các nghĩa trang liệt sĩ ở nhiều tỉnh, thành miền Nam, Tây Nam Bộ để tìm hiểu thông tin về các đồng chí, đồng đội của mình, đặc biệt là những đồng đội người gốc Quảng Nam - Đà Nẵng để tổ chức cất bốc, quy tập các liệt sĩ về quê.

Mỗi khi tìm được mộ đồng đội tại nghĩa trang, vì trong quá trình cất bốc, quy tập có thông tin sai sót về danh tính của liệt sĩ, ông Hạng và đồng đội của mình lại tỉ mỉ đi xác minh, làm các thủ tục cần thiết để đề nghị các cơ quan chức năng đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ, rồi sau đó đưa các liệt sĩ về quê an táng theo nguyện vọng của gia đình.

Trong năm 2017, ông và đồng đội đã tìm, đưa về Quảng Nam an táng được hàng trăm hài cốt liệt sĩ. Trong đó có đợt ông và đồng đội đưa được 67 hài cốt liệt sĩ quê các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Núi Thành và TP Hội An về an táng tại nghĩa trang địa phương.

Và trong những ngày này, ông lại tất tả ngược xuôi, chuẩn bị mọi thủ tục cần thiết để cùng thân nhân các liệt sĩ chuẩn bị tiến hành đi cất bốc, quy tập 10 liệt sĩ quê huyện Đại Lộc về an táng tại nghĩa trang địa phương để kịp trước ngày kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay.

“Đợt này, chúng tôi sẽ tổ chức đi Nghĩa trang liệt sĩ thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) và đi nghĩa trang ở tỉnh Bình Dương để làm các thủ tục cần thiết đưa các anh về với đất mẹ Đại Lộc.

Dù đã nỗ lực, song chúng tôi biết, còn đó rất nhiều những liệt sĩ là đồng đội, đồng chí của chúng tôi vẫn chưa được trở về với đất mẹ, nằm rải rác đâu đó trong các nghĩa trang. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đi tìm, cất bốc, quy tập để đưa các anh về với quê hương. Mọi chi phí đều do những CCB của Trung đoàn 96 kêu gọi, đóng góp”, ông Hạng bùi ngùi, tâm sự.

Vì ông Hạng rất hăng hái với công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ nên nhiều khi chỉ cần có cuộc điện thoại của đồng đội thông báo về việc đã tìm ra mộ liệt sĩ ở nơi nào đó, ông Hạng lại sẵn sàng lên đường.

“Chính vì thế, mà vợ tôi có lần nói vui rằng, tôi không còn tên là Nguyễn Hữu Hạng nữa, mà nên đổi thành “Nguyễn Hữu Hăng” thôi. Thực tình, bà vợ tôi nói thế chẳng qua là lo lắng cho sức khỏe của tôi, chứ công việc tôi làm bà ấy rất ủng hộ. Không ủng hộ thì làm sao vợ tôi ở nhà quán xuyến tất thảy mọi việc, chăm sóc con và lo cho các cháu để tôi đi tìm mộ liệt sĩ được”, ông Hạng chia sẻ.

Băng rừng, vượt suối

Trên mảnh đất Quảng Nam trung dũng, kiên cường, hàng vạn người con ưu tú đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng quê hương. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong tâm khảm của mỗi người thì nỗi đau thương và oanh liệt một thời đâu dễ lãng quên!

Nhiều liệt sĩ chưa được tìm thấy, vẫn nằm rải rác đâu đó trong các cánh rừng sâu. Nhiều liệt sĩ may mắn hơn đã được cất bốc đưa vào nghĩa trang nơi đất khách quê người nhưng chưa được trở về quê hương.

Vì vậy, tại Quảng Nam và đặc biệt là tại huyện Đại Lộc, mảnh đất nằm bên dòng sông Vu Gia hiền hòa, đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB hết lòng với công việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Ngoài tấm gương của CCB Nguyễn Hữu Hạng, khâm phục thay hình ảnh các CCB như ông Nguyễn Văn Nhì (trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc), ông Phan Văn Sáu (trú xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc) hay ông Phan Thanh Dũng (64 tuổi, trú xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc)… đã không quản ngại gian lao, lội suối băng ngàn để đi tìm đồng đội.

Trong đó, riêng CCB Phan Thanh Dũng là một trong những người dẫn đường cùng nhân dân đi vào hậu cứ và chiến trường xưa để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Thạnh từ những năm 1980.

Đến nay đã hơn 30 năm, với biết bao hành trình xuôi ngược, những khu rừng ở huyện Đại Lộc nơi nào cũng in dấu chân ông. Lúc thì thân nhân các liệt sĩ đến nhờ chỉ địa điểm trước đây chôn cất để họ cất bốc; lại có những lúc ông chỉ một mình đi vào rừng để nhớ lại những địa điểm đồng đội ngã xuống ngày xưa để kiếm tìm.

Khi phát hiện ra hài cốt, ông chạy về báo lên xã, huyện để quy tập về nghĩa trang. Nếu có thông tin còn sót lại thì thông báo cho gia đình liệt sĩ. Nhờ đó, hàng trăm hài cốt liệt sĩ đã được trở về với quê hương, đoàn tụ với ông bà tổ tiên.

Hành trình đưa hài cốt liệt sĩ từ rừng về với quê hương của ông Dũng và thân nhân liệt sĩ.

Đơn cử như năm 2012, ông Dũng tìm được 38 hài cốt liệt sĩ đưa về quê và thông tin cho các gia đình liệt sĩ biết để cùng chính quyền tổ chức an táng tại nghĩa trang. Hay trước đó, tháng 4-2010, huyện Đại Lộc tổ chức đợt quy tập mộ liệt sĩ tại các khu rừng của xã Đại Thạnh và Đại Chánh.

Riêng đơn vị Đại Thạnh, bản thân ông cùng với 10 người khác tham gia 55 ngày công, kết quả tìm kiếm được 34 hài cốt đưa về Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Chánh. Trong số đó, bản thân ông đã trực tiếp tìm được 17 mộ…

Thống kê của UBND xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc cho thấy, tính đến nay, CCB Phan Thanh Dũng đã trực tiếp đi và cùng người thân, cũng như đồng đội trong tổ chức Hội CCB tìm kiếm, quy tập đưa về quê các tỉnh phía Bắc và đưa vào nghĩa trang của xã được 123 hài cốt liệt sĩ.

“15 tuổi tôi đã tham gia làm liên lạc cho bộ đội hành quân, vận chuyển đạn dược, lương thực thực phẩm. Đến năm 18 tuổi, tôi làm công việc chăm sóc, vận chuyển bộ đội bị thương ở khu vực rừng núi huyện Đại Lộc, nơi có nhiều bệnh viện dã chiến đóng như Bệnh viện Y10, K76, B2, Đồi 530, Trung đoàn 38, K79…

Những năm tháng đó, ngoài việc vận chuyển bộ đội bị thương, những người không may ngã xuống cũng được một tay tôi khâm liệm, chôn cất. Vì vậy, tôi rất thông thuộc địa hình rừng núi huyện Đại Lộc và nhớ rõ những địa điểm có đồng đội từng hy sinh, được chôn cất ngay tại rừng.

Tôi thường tự nhủ rằng còn sức khỏe thì còn tiếp tục tìm kiếm; mỗi lần đưa một đồng đội về quê hương lại thôi thúc tôi lên đường. Nhà tôi tuy nghèo nhưng gia đình êm ấm, các con ăn học đến nơi, đến chốn, có công ăn việc làm ổn định.

Tôi nghĩ cuộc sống thế là đủ rồi. Đồng đội đang nằm ở rừng sâu còn rất nhiều nên phải nỗ lực hơn nữa”, CCB Phan Thanh Dũng tâm sự.

Ngọc Thi
.
.
.