"Tay kéo" đặc biệt

Thứ Sáu, 03/08/2018, 15:07
Nghề may gắn bó với người đàn ông này từ khi còn bé. Trải qua bao thăng trầm ở xứ người, đến khi có cơ hội gặp gỡ nhiều người trong mọi giới, trao cho họ vẻ đẹp ở tấm áo, manh quần, ông cho rằng, đó là đặc ân và là cách để làm đẹp cho đời…


Chọn nghề làm đẹp cho người

Tiệm may Haive của ông Võ Văn Ve nằm khiêm tốn trong con hẻm nhỏ đường Lý Chính Thắng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Hơn 40 năm qua, nó vẫn nhỏ bé và ấm áp, chỉ có một ông chủ và một đệ tử chân truyền.

Haive không quảng cáo cũng không tha thiết mời gọi khách hàng phải tới may đồ và nếu có tới, ông cũng không nhận làm công mà sẽ nhìn vào khổ người, khuôn mặt, sau đó đo đạc các chỉ số rồi đưa quần áo may sẵn cho mặc.

Khách hàng tới tiệm may, ông Ve trực tiếp đo cắt.

Nếu ưng thì may còn không thì mang vải về cho… đỡ phí thời gian. Bảng giá may đồ của ông được cất trong cánh tủ khép kín, tuyệt đối không có sự kỳ kèo ở đây. Đó là sự khác biệt làm nên thương hiệu Haive.

Quê cha đất mẹ của ông Ve ở Sài Gòn. Gia đình có ông dượng làm nghề nấu ăn bên Campuchia nên rủ cha mẹ ông sang làm nghề chăn nuôi lợn và bò sữa. Võ Văn Ve được sinh ra trên đất Campuchia năm 1939.

Tuổi thơ của Ve là những ngày xách ghế ra quán nước bên đường quốc lộ, cho người ta thuê ngồi rồi thu tiền. Được thời gian thấy các bậc đàn anh cứ hếch mặt sai bảo, chửi bới khiến Ve tự ái, bực tức trong lòng nên bỏ công việc.

Ve đi lang thang, gặp một tiệm may lớn ở gần nhà bèn nhìn vào đó thật lâu rồi chợt nghĩ: “Đây có lẽ là nghề đáng làm”. Về nhà, Ve xin ba má cho theo người anh họ đi học may. Ngay từ những ngày đầu làm quen với máy may, kéo thước, Ve đã phát huy sở trường bẩm sinh. Cậu say mê học tập, rồi thực hành khéo léo. Lần đầu thử tay nghề, ông chủ tiệm may đích thân đưa cho Ve vải may quần màu trắng.

Trong nghề may, thợ non tay kỵ nhất là màu trắng vì nếu không giỏi nghề, thời gian may chịu căng thẳng sẽ đổ mồ hôi làm dơ đồ. Từng đường may, mũi kim đều đạt đến độ chuẩn xác gần như là tuyệt đối, ngay cả thợ lành nghề cũng không thể chê.

Vậy là Ve được nhận vào làm, với mức lương 300 đồng/tháng. Bạn may thấy vậy ghen ghét, móc máy Ve sao làm lương thấp vậy? Tuổi trẻ non nớt và bồng bột, Ve ôm “cục tức” trong lòng, quyết nghỉ cho ông chủ biết mặt.

Thất nghiệp, Ve vất vưởng khắp nơi rồi cũng xin được một tay làm ở tiệm may khác. Ngặt nỗi chỗ này lương thấp hơn mà làm việc thì nhiều gấp đôi. Không có đủ tiền ăn, người Ve như cái xác ve sầu. Trở về nhà, cô chú xúm vào hỏi Ve: “Lấy vợ rồi sao mà tiều tụy vậy”? Ve thật thà nói do lao lực mà lại thiếu ăn.

Bức thư viết tay của một vị khách ở bên Mỹ gửi cho ông.

Vậy là Ve lại bỏ việc, chờ tiệm may của người quen mở vào làm. Năm 27 tuổi, Ve lấy vợ, chính thức ra riêng lập nghiệp và trở thành ông chủ nhỏ. Tiếng tăm có chút, ông Ve nhận được nhiều ưu ái của giới nhà giàu và cả các thành viên trong Vương triều Hoàng gia Campuchia.

Năm 1970, xã hội Campuchia biến động, cha vợ ông Ve bảo bây giờ sẽ có hai lựa chọn. Một là vợ chồng ông sang Pháp sẽ có người bảo lãnh, hai là quay về Việt Nam sống. Ông Ve đã chọn Việt Nam, bởi ông không muốn xa rời nguồn cội và núm đất thiêng liêng của tổ tiên mình.

Một tháng lương… một lượng vàng

Trở về cố hương với hai bàn tay trắng, vợ chồng ông Võ Văn Ve phải bắt đầu lại từ đầu. Vài năm không sử dụng đến kéo thước, máy may, ông cảm thấy mình mất tự tin. Không biết làm gì, ông Ve rong chơi ở chợ chó, chợ chim cho khuây khỏa.

Cảm thấy cuộc sống quá bế tắc khi tiền không có, tay thì ở không, ông Ve lại lững thững đi gõ cửa các tiệm may. Ông thử việc ở tiệm may Chua đang rất nổi tiếng thời bấy giờ, khách hàng toàn là văn nghệ sĩ, doanh nhân, chính trị gia giàu sang và quý phái.

Ông chủ tiệm may đang cần một tay cắt đồ nên đề nghị trả ngay 15 ngàn/tháng (vàng thời điểm đó 20 ngàn/lượng). Được trở lại với nghề, ông Ve như con cá về với nước. Ông dồn hết đam mê và nhiệt huyết vào đường may. Tháng đầu tiên, ông Chua trả vượt lương thành 20 ngàn. Tháng sau, khách hàng ưng cái bụng quá, ông được trả lên 25 ngàn đồng.

79 tuổi nhưng ông vẫn minh mẫn, dẻo dai và khỏe khoắn.

Mỗi tháng lãnh một lượng vàng, thật là con số đáng mơ ước của các thợ may. Chỉ sau một năm hồi hương, ông Ve dành dụm tiền mua căn nhà nhỏ đường Lý Chính Thắng mở tiệm lấy tên Haive.

Haive đến với nghề may bằng những động lực đơn giản, để rồi qua năm tháng ông mê muội, đắm say với nghề. Khách của ông là những người nhiều tiền, với gu thời trang sành điệu, vì vậy mà rất khó tính, khó chiều.

Có lần, một ông chủ nhà hàng bên Pháp về đã cầm chiếc áo đến hỏi Haive: “Tôi mang cái áo mẫu này đến nhà may rất nổi tiếng của bạn tôi nhưng bên đó không may được như vậy”. Haive trả lời: “Áo này phải cắt theo kiểu của Pháp, còn nhà may kia cắt theo kiểu của Ý nên khó đẹp”. Ông này sau đó may thử một bộ ở tiệm Haive. Về nhà mặc đẹp, ông quyết định may một lúc 62 bộ với đủ màu sắc, kiểu dáng.

Ở Sài Gòn không thiếu thợ may giỏi, nhưng họ giỏi ở mức độ nào đó và theo cách riêng của họ. Cho nên tiệm may Haive thỉnh thoảng lại đón một vị khách sành điệu thời trang và cực kỳ khó tính. Họ tìm đến ông mục đích chính là “so tay” xem ông giỏi cỡ nào.

Chỉ cần nhìn vào ánh mắt, ông biết ngay nhưng ông vẫn thực hiện đúng và đủ từng yêu cầu của khách. Ông nói rằng, sẽ “chiều” tới bến và “chơi” tới cùng. Nếu tức giận hoặc sợ hãi chỉ càng làm mình yếu đuối hơn mà thôi.

Nổi tiếng, lịch thiệp nhưng ông chủ tiệm may luôn khiến người đối diện có cảm giác vui vẻ, thoải mái. Ông chỉ lên tấm ảnh đen trắng chụp từ ngày cưới cách đây hơn 60 năm, tự hào nói rằng: “Đời tôi chỉ có một nghề và một vợ. Tôi yêu nghề bao nhiêu thì yêu vợ bấy nhiêu”. 

Đường may "xuyên biên giới"

Lật giở từng tấm ảnh đã ố vàng cùng những bức thư viết tay của khách phương xa gửi, ông Ve nhớ rất rõ tấm thư của một vị đại sứ gửi mình trước thềm giải phóng. Ông chậm rãi đọc cho chúng tôi nghe: “Mấy bộ đồ của anh may, tôi mặc ai cũng nể, kể cả những thợ giỏi cũng phải ngán tài của anh luôn. Tôi có may thử một bộ nhưng không vừa ý lắm, kỳ này tôi mua được một xấp vải rất đẹp, tôi viết thư này hỏi ý anh có chịu nhận may đặc biệt (thật gấp) để tôi mặc cho đám cưới không?.

Tôi sẽ về khoảng 23 hoặc 25/3/1974, đám cưới vào 30/3/1974, tức là anh chỉ có từ 5 đến 6 ngày để lo bộ đồ cho tôi. Tôi sẵn sàng trả thêm công cho thợ để họ chịu khó làm gấp giùm.

Anh mà nhận lời thì tôi rất cảm ơn anh và đó là món quà cưới của vợ chồng anh cho tôi đó…”. Tất nhiên là ông Ve không thể từ chối. Ông thức trắng đêm đo cắt, thuê thêm thợ phụ về làm. Với ông, tiền không quan trọng bằng danh dự.

Lần khác, một khách hàng tận bên Mỹ sau khi mặc đồ của Haive đã xúc động viết thư cho ông: “Tôi rất vui và cảm kích khi nhận được những bộ quần áo may từ chính bàn tay của một người thợ tài hoa mà tôi được biết, và chắc chắn là một trong những người thợ giỏi nhất trên thế giới.

Tôi sẽ mặc những bộ quần áo này tại tòa án và khi tôi gặp gỡ các Thượng nghị sĩ, thống đốc, các thẩm phán. Tôi sẽ mặc những bộ quần áo này khi tôi tranh cãi các vụ kiện pháp lý trước tòa án tối cao, khi tôi đọc các bài diễn văn, khi tôi thuyết giảng tại các trường đại học...

Tôi cũng sẽ mặc những bộ quần áo bạn may khi dự lễ trao bằng tốt nghiệp và nhiều sự kiện quan trọng khác. Nói cách khác, bạn yêu quý của tôi, bạn sẽ cùng tôi trong những việc quan trọng nhất của đời tôi.

Thời son trẻ của tay kéo đặc biệt Haive.

Tôi sẽ mặc những bộ quần áo này một cách hãnh diện, tự tin và biết rằng tôi đang mặc những bộ quần áo được làm bằng tay của người thợ bậc thầy trong ngành may. Điều quan trọng hơn những bộ quần áo là tình bạn được xây dựng lên từ đây...”.

Sau năm 1975, nghề may vào giai đoạn thoái trào, ông Ve gác máy, về đầu quân cho Công ty Việt Tiến, làm ở phòng kỹ thuật. Nhưng chỉ được hơn một năm, nhớ nghề, nhớ những đam mê đo, cắt, nhớ mùi thơm của vải, tiếng lạch cạch của máy, Haive quay trở về mở lại tiệm may.

Do có lượng khách hàng thân quen nên ông vẫn sống được. Giỏi nghề, nặng nợ với nghề nhưng Haive không mở lớp dạy cũng không thu nhận đệ tử. Ông giải thích: “Tôi sợ mở lớp đào tạo ra, người ta học vài ba tháng xong chỉ để lấy cái mác học trò Haive mở tiệm. Như thế thì tôi mất hết chứ đâu có được”. 

Ba người con của ông có biết nghề may nhưng không yêu nên không thể gắn bó được. Hơn 40 năm qua, tiệm may của ông chỉ đón nhận duy nhất một nữ đệ tử, nay cô ấy cũng ngoài 50 tuổi, mải mê với máy may mà quên mất việc chồng con.

Ngọc Thiện
.
.
.