Tinh thần nhân văn ở một đơn vị điều tra án ma túy

Thứ Sáu, 25/01/2019, 14:28
Trong đấu tranh với tội phạm ma túy, điều quan trọng là phải cảm hóa, giáo dục được đối tượng. Bởi đối mặt với mức án cao, tâm lý tội phạm ma túy thường tỏ ra lì lợm, không khai báo, thậm chí có trường hợp xác định "đằng nào cũng chết" nên bất hợp tác.


Vì vậy, đối với cán bộ điều tra, điều quan trọng là làm sao gỡ bỏ những vướng mắc trong lòng đối tượng, chỉ rõ cho đối tượng những chứng cứ buộc tội để nhận thức được việc làm của mình, đồng thời phân tích chính sách khoan hồng của pháp luật. Một khi đối tượng đã tâm phục khẩu phục, tin tưởng ở cán bộ điều tra sẽ hợp tác, khai báo thành khẩn.

Tinh thần nhân văn ấy luôn được quán triệt đối với mỗi CBCS Đội Hướng dẫn điều tra án ma túy (Đội 5) Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CSĐTTPVMT) Công an TP Hà Nội.

Thượng tá Nguyễn Trần Giang, Phó trưởng Phòng CSĐTTPVMT Công an TP Hà Nội.

Lật tẩy mọi thủ đoạn tinh vi của tội phạm

Những ngày cuối năm, công việc của CBCS Đội 5 Phòng CSĐTTPVMT càng bận rộn, gấp  gáp hơn. Vừa chỉ đạo nhóm cán bộ điều tra chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ để bay gấp vào TP Hồ Chí Minh tiếp nhận một đối tượng truy nã, Thiếu tá Nguyễn Nhật Quang - Đội phó tranh thủ tiếp chuyện chúng tôi. "Công việc của Đội liên quan đến vấn đề giam giữ bị can nên càng gần Tết, anh em phải chạy đua với thời gian khi các cơ quan cũng rục rịch chuẩn bị nghỉ Tết" - Đại úy Nguyễn Nhật Quang chia sẻ.

Khác với không khí sôi động ở các đội án trinh sát, khi bước chân vào Đội 5, không gian có vẻ trầm hơn. Luôn thường trực trên bàn làm việc của CBCS là các tập hồ sơ cao chất ngất.

Có thể là hồ sơ của một vụ án mới tiếp nhận từ các đơn vị quận, huyện chuyển đến để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền, hồ sơ một vụ án đang trong quá trình điều tra, hoặc hồ sơ của một vụ án đã kết thúc từ  lâu. Nhưng đối với công việc của các điều tra viên, đôi khi hồ sơ "khép" của một vụ án này lại là hồ sơ "mở" của một chuyên án mới. Bởi tội phạm ma túy giống như những chiếc vòi bạch tuộc, chặt vòi này mọc vòi khác; một đối tượng buôn bán ma túy có thể làm ăn, móc nối với nhiều đường dây, ổ nhóm khác nhau.

Cặm cụi, miệt mài với những tập hồ sơ cao ngập mặt để tìm ra những tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của từng đối tượng ma túy, "chặt" từng mắt xích trong những "liên minh bạch tuộc"… là một phần công việc hàng ngày của các điều tra viên Đội 5. 

Điển hình như vụ án Nguyễn Tiến Dũng (tức Dũng "mượt") cầm đầu đường dây mua bán hơn 6kg ma túy "đá", 2.800 viên thuốc lắc và 31.000 viên hồng phiến, từ 2 đối tượng bị bắt quả tang về hành vi mua bán trái phép ma túy ban đầu, Đội 5 đã phối hợp Công an quận Long Biên bóc gỡ đường dây ma túy khủng này, khởi tố và đề nghị truy tố 17 bị can.

Vụ án đã  được Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử, trong đó tuyên phạt 7 án tử hình. Đặc biệt, quá trình điều tra mở rộng, Đội 5 đã làm rõ Dũng "mượt" là chủ mưu trong vụ giết người thuê tại Bình Dương với số tiền được thuê là 1 tỷ đồng.

Những năm gần đây, trước thực trạng một số đối tượng người Việt Nam lao động ở nước ngoài học được công thức sản xuất ma túy tổng hợp đã về Việt Nam móc nối với các đối tượng khác để tổ chức sản xuất ma túy, Đội 5 Phòng CSĐTTPVMT đã tập trung điều tra, làm rõ nhiều đường dây tội phạm này.

Điển hình như vụ án Tạ Thị Hiền cùng đồng phạm sản xuất, mua bán trái phép ma túy, Đội 5 đã điều tra, khởi tố 13 bị can, trong đó khởi tố mở rộng và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 6 bị can là những đối tượng tham gia biết công thức, phương pháp và trực tiếp sản xuất ra ma túy tổng hợp từ các loại tân dược như Tiffy, Decolgen, Patamon. Đã làm rõ đường dây tổ chức sản xuất ma túy trên tại 6 địa điểm tại Hà Nội và Hải Phòng…

Thượng tá Nguyễn Trần Giang, Phó trưởng Phòng CSĐTTPVMT Công an TP Hà Nội trao đổi kinh nghiệm với các điều tra viên trẻ của Đội Hướng dẫn điều tra án ma túy. 

Mới đây nhất, đơn vị vừa kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị truy tố các bị can trong vụ án Chu Việt Long cùng đồng phạm mua bán trái phép chất ma túy. Với thủ đoạn thành lập công ty thuốc thú y để mua gom các loại thuốc chữa bệnh cho thú y có chứa thành phần ma túy, Chu Việt Long và đồng bọn đã tách chiết ma túy ketamin để chuẩn bị âm mưu đưa vào các vũ trường, quán bar tiêu thụ.

Quá trình điều tra, đơn vị đã kịp thời đề xuất, kiến nghị cơ quan quản lý khắc phục ngay những sơ hở bị tội phạm lợi dụng trong mua bán thuốc thú y có chứa thành phần ma túy.

Thu phục tội phạm bằng cả tấm lòng

Thượng tá Nguyễn Trần Giang, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, Phó trưởng Phòng CSĐT TPVMT Công an TP Hà Nội, nguyên Đội trưởng Đội 5 có lẽ là một trong số ít điều tra viên gạo cội của Công an Hà Nội có "thâm niên" trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm ma túy đến nay vẫn bám trụ với công việc gian truân và đầy nguy hiểm này.

Những vụ án ma túy "khủng" mà Công an Hà Nội điều tra, khám phá đều có sự tham gia của người điều tra viên cao cấp dày dạn kinh nghiệm và tâm huyết với nghề, từ đường dây ma túy của Vũ Xuân Trường gây xôn xao dư luận một thời, đến những vụ buôn bán hàng trăm bánh heroin của "bà trùm" Nguyễn Thị Thơm sau này.

Cảm hóa những đối tượng tham gia trong các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy vốn là kinh nghiệm đã được Thượng tá, điều tra viên cao cấp Nguyễn Trần Giang truyền đạt lại cho anh em trong Đội 5. 

Thượng tá Giang tâm sự, các vụ án ma túy mà anh đã thụ lý có liên quan đến người nước ngoài, đa phần là người Lào hoặc Trung Quốc. Trước khi nhận điều tra vụ án, điều tra viên phải tự tìm hiểu phong tục, tập quán của đối tượng, sở thích của họ. Sau những buổi thẩm vấn, điều tra viên ở lại ăn cơm trưa cùng bị can để nắm bắt thêm tư tưởng, diễn biến tâm lý của họ, từ đó tác động, cảm hóa để họ khai báo đúng hành vi phạm tội. Như vụ án Xiêng Phênh trước đây.

Bữa cơm nào của cán bộ điều tra với Xiêng Phênh trong trại giam cũng có măng tươi và trứng, là hai món ăn mà Xiêng Phênh thích nhất. Những bữa ăn đầm ầm, không có khoảng cách như vậy đã cảm hóa Xiêng Phênh, khiến anh ta khai ra đồng bọn trước giờ ra pháp trường.

"Bất đồng ngôn ngữ là một rào cản lớn đối với điều tra viên trong công tác đấu tranh, khai thác đối với các đối tượng phạm tội là người nước ngoài. Nhưng con người ở đâu cũng thế, quan trọng là  biết cách cảm hóa để họ thành khẩn khai báo hành vi phạm tội" - Thượng tá Nguyễn Trần Giang chia sẻ.

Kinh nghiệm và tinh thần nhân văn ấy của người chỉ huy đã được truyền đạt cho lớp cán bộ, điều tra viên trẻ của Đội 5. Điển hình như  vụ án Ana Safitri (SN 1986), quốc tịch Indonesia được thuê vận chuyển gần 1,5kg ma túy "đá" từ nước ngoài vào Việt Nam trên hành trình chuyến bay Doha -Bangkok - Nội Bài.

Sau khi phát hiện va ly hành lý màu đen có hoa văn của Ana mang theo có 7 gói nilon chứa ma túy được ngụy trang khá tinh vi bằng cách dàn mỏng trong các gói nhỏ và dài, dùng keo dính dán dọc theo đáy valy và may vải lót lụa màu vàng phủ lên, cơ quan chức năng sân bay đã chuyển người và tang vật tới Phòng CSĐTTPVMT Công an TP Hà Nội.

Sợ hãi, hoảng loạn, là tâm trạng của Ana Safitri khi bị cơ quan chức năng bắt giữ. Trung tá, Đội phó Trần Thị Thanh Hương được phân công "ở" cùng cô gái này trong suốt thời gian làm việc tại trụ sở Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội. Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng thái độ thân thiện, cởi mở của nữ điều tra viên khiến Ana bớt lo lắng.

Buổi làm việc đầu tiên, cô gái đã ăn hết suất cơm trong bữa ăn tối cùng cán bộ điều tra. Thiếu tá Nguyễn Nhật Quang, Đội phó Đội 5 kể lại: Những buổi làm việc, hỏi cung tiếp theo đối với Ana Safitri, các điều tra viên đều mang theo một món quà nho nhỏ cho cô. Thường là các loại kẹo có xuất xứ từ  Indonesia như kẹo Kopiko coffee, Dynamite…

Nhận quà, Ana rất vui và xúc động. Cô bảo đây chính là loại kẹo cô hay ăn ở đất nước mình. Ana ngạc nhiên không hiểu tại sao cán bộ Công an Việt Nam lại biết sở thích của một người khác xứ như cô. Buổi trưa, Ana được dùng cơm chung với các điều tra viên. Vì Ana theo đạo Hồi, kiêng thịt lợn nên trước bữa ăn, điều tra viên đặt nhà bếp làm một đĩa trứng lớn.

Được cán bộ điều tra đối xử rất chân tình, cởi mở, phân tích hành vi phạm tội của Ana cũng như chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam đối với những người biết ăn năn hối cải, sau những ngày hoảng loạn, khóc lóc, không khai báo, Ana đã hợp tác, không chỉ khai báo thành khẩn, chi tiết hành vi phạm tội mà còn bày tỏ sự ân hận khi đã mang ma túy vào đất nước Việt Nam.

Trước khi trở lại buồng giam, bao giờ Ana cũng cúi đầu chào theo nghi lễ của người Hồi giáo và không quên cảm tạ hành động đối xử của Cảnh sát Việt Nam, của Chính phủ Việt Nam đối với cô. Nhờ thành khẩn khai báo, sau này Ana đã được hưởng mức án 20 năm tù giam.

Không để xảy ra oan sai

Thượng tá Lương Việt Hà, Điều tra viên cao cấp, Đội trưởng Đội 5 thông tin: Với chức năng, nhiệm vụ là điều tra, hướng dẫn án ma túy, tiếp nhận điều tra các vụ án về ma túy theo thẩm quyền do Công an các quận, huyện, phòng nghiệp vụ thuộc Công an TP Hà Nội, Công an các tỉnh, thành phố khác và Bộ Công an chuyển đến, kết thúc điều tra đưa các vụ án ra truy tố trước pháp luật, mặc dù quân số còn thiếu so với khối lượng công việc thực tế nhưng với nỗ lực của tập thể CBCS, Đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, đơn vị đã thụ lý điều tra 132 vụ 236 bị can phạm tội về ma túy, trong đó kết thúc 111 vụ, 213 bị can, chuyển Viện Kiểm sát truy tố 108 vụ 186 bị can, tăng 10 vụ 22 bị can so với năm 2017. Nếu chia theo thời gian trong năm thì trung bình 3 ngày, đơn vị kết thúc điều tra 1 vụ án, một con số kỷ lục so với con số vỏn vẹn 20 CBCS của Đội.

Đặc biệt, với một khối lượng công việc khổng lồ như vậy nhưng toàn bộ các vụ án mà Đội đã thụ lý, truy tố từ trước đến nay  đều đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai.

Con số 15 năm liên tục (từ năm 2004 đến 2018) giữ vững danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, đơn vị được Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Ba năm 2014 cùng hàng trăm lượt CBCS được tặng Bằng khen, Giấy khen các cấp trong những năm qua chính là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của tập thể Đội 5.

Hương Vũ
.
.
.