Từ chức và câu chuyện đáng suy ngẫm

Thứ Sáu, 07/06/2019, 14:57
Những ngày qua, việc ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP HCM nộp đơn xin từ chức Phó Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Sài Gòn chỉ sau vài giờ nhận quyết định điều động khiến dư luận và báo chí đặc biệt quan tâm.


Sở dĩ mọi người quan tâm việc ông Hải từ chức chỉ vài giờ sau khi nhận quyết định luân chuyển bởi hai năm qua, cái tên Đoàn Ngọc Hải đã trở thành "từ khoá" của báo chí khi ông là người quyết liệt trong việc lập lại trật tự kỷ cương đô thị ở quận 1, và đây là lần thứ 2 ông nộp đơn xin từ chức. 

Nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch phụ trách mảng đô thị của UBND quận 1 từ tháng 3-2016, với quyết tâm "lấy lại vỉa hè cho người đi bộ", ông Hải đã trực tiếp dẫn đoàn liên ngành xuống đường xử phạt. Trật tự vỉa hè tại quận 1 có thời gian dài ổn định, nhiều tuyến đường gọn gàng. 

Tuy nhiên, ngày 8-1-2018, ông Hải bất ngờ gửi đơn xin từ chức vì "không thực hiện được lời hứa trước nhân dân". Ông cho rằng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý vì đụng đến lợi ích to lớn hàng nghìn tỷ đồng của các chủ bãi giữ xe, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền... "và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó".

Bốn tháng sau, trong đơn gửi Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo UBND quận 1, ông Hải xin rút đơn từ chức vì "nhận được nhiều động viên, an ủi, kỳ vọng và sự thuyết phục của các cấp lãnh đạo". 

Ông đã suy nghĩ kỹ và mong muốn được tiếp tục cống hiến, sẵn sàng làm việc ở những nơi khó khăn, nguy hiểm... và nhận bất kỳ nhiệm vụ nào được phân công. Nguyện vọng này của ông Hải được chấp nhận, ông tiếp tục công việc Phó chủ tịch UBND quận 1.

Dù còn có những ý kiến trái ngược về cách làm của ông Hải, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng việc làm của ông Hải thời điểm ấy đã tác động tích cực đến việc quản lý đô thị không chỉ ở TP Hồ Chí Minh, bởi sau đó, đã có một số tỉnh, thành trong cả nước ra quân lập lại trật tự đô thị, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ.

Trong đơn từ chức lần thứ 2, ông Hải cho biết, các cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố, ông từng xung phong về làm Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, hoặc cán bộ Ủy ban MTTQ huyện. Tuy nhiên, thành phố dự kiến điều động ông giữ chức Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý, sau đó là Phó ban An toàn thực phẩm, và sau đó chính thức quyết định bổ nhiệm ông giữ chức Phó tổng giám đốc Công ty Xây dựng Sài Gòn.

Ông Hải cho rằng vị trí vừa được điều động là không phù hợp. "Tôi nhận thấy mình không có trình độ chuyên môn về ngành xây dựng, không phù hợp với năng lực, sở trường chuyên môn được đào tạo thì không thể làm tốt được công việc này. Nếu tôi miễn cưỡng nhận nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng; sẽ làm tổn thương đến uy tín của Đảng, tiền bạc, tài sản của nhân dân, nên tôi xin từ chức", ông Hải viết.

Trong khi chờ quy trình giải quyết, ông Hải xin nghỉ việc 2 tháng không hưởng lương.

Ông Hải không phải là cán bộ đầu tiên xin từ chức, bởi cách đây 4 năm, ông Nguyễn Sự, khi đó là Bí thư Thành ủy Hội An cũng bất ngờ xin từ chức mặc dù uy tín rất cao và còn 2 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng việc ông Hải lại khác hẳn chuyện của ông Sự. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, cán bộ, đảng viên phải chấp hành quyết định của tổ chức, còn vấn đề khiếu nại, tâm tư, nguyện vọng như thế nào thì tổ chức sẽ xem xét. "Khả năng anh Hải thấy chưa hợp chuyên môn, chưa làm công việc này ngày nào, nên có thể không hoàn thành nhiệm vụ nếu nhận, và anh để tổ chức chọn người khác sẽ hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn", ông Tân nói.

Trên nhiều diễn đàn, rất nhiều người bày tỏ sự ủng hộ quyết định của ông Hải khi cho rằng đó là quyết định hợp lý, biết mình không đủ năng lực thì không cố làm để rồi lãng phí tiền của.

Theo quy định hiện hành, từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Công chức lãnh đạo, quản lý có thể từ chức trong các trường hợp: Không đủ sức khỏe; không đủ năng lực, uy tín; theo yêu cầu nhiệm vụ và vì lý do khác; sau khi từ chức được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo hoặc nghỉ hưu, thôi việc. Trường hợp công chức lãnh đạo, quản lý xin từ chức nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý thì vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.

Theo quy định này, nếu như đơn xin từ chức không được lãnh đạo thành phố chấp nhận thì ông Hải sẽ "phải" làm Phó Tổng giám đốc doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ câu chuyện này, có nhiều vấn đề đặt ra trong công tác tổ chức cán bộ trong cơ quan nhà nước. 

Và nếu nhìn ra một loạt địa phương khác trong thời gian gần đây như ở Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang, trong khi nhiều cán bộ được xác định đã chạy điểm cho con, dù bị chỉ mặt đặt tên nhưng vẫn biện hộ cho việc làm vi phạm pháp luật này và chưa có ai xin từ chức, thì thấy rằng việc làm của ông Hải đáng để suy ngẫm.

Tân Lương
.
.
.