John Bolton - “chiến binh” bại trận

Thứ Sáu, 13/09/2019, 15:14
Ngày 10-9, Tổng thống Donald Trump thông báo về việc Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã từ chức vào sáng cũng ngày.


Trước đó, trong một tweet vào trưa 9-9, ông Trump nói rằng ông đã nói với vị cố vấn thân cận của mình rằng "sự phục vụ của John Bolton ở Nhà Trắng đã không còn cần thiết, đồng thời lưu ý rằng, ông "không đồng ý với nhiều" đề nghị của ông Bolton.

Như vậy, chỉ sau 17 tháng giữ chức vụ này, Cố vấn an ninh quốc gia thứ 3 của Tổng thống Trump đã phải ra đi như hai người tiền nhiệm: Tướng H.R. McMaster và Tướng Michael Flynn.

Nhà ngoại giao kém thân thiện

John Robert Bolton sinh ngày 20-11-1948, tại Baltimore, Maryland, mẹ ông là bà Virginia Clara, một bà nội trợ và Edward Jackson "Jack" Bolton, một lính cứu hỏa. Ngay từ khi là sinh viên luật tại trường Đại học Yale (cùng lớp với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Hillary Clinton), Bolton đã thể hiện là người có tư tưởng cực đoan.

Sự ra đi của ông John Bolton sẽ giúp các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên có thể linh hoạt hơn.

Sau khi tốt nghiệp Bolton phục vụ trong chính quyền của 3 cựu tổng thống đảng Cộng hòa: ông Ronald Reagan, ông George H. W. Bush (Bush cha) và ông George W. Bush (Bush con).

Dưới thời Tổng thống George W. Bush, ông Bolton làm đến chức Thứ trưởng về kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao. Tháng 8-2005, Tổng thống Bush đã chỉ định ông Bolton làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Thời điểm đó, hơn 100 cựu đặc phái viên của Mỹ ký một bức thư thúc giục các thượng nghị sĩ bãi bỏ sự bổ nhiệm này. Lý do là "con diều hâu chiến" này từng thẳng thừng tuyên bố "chẳng có gì gọi là Liên Hợp Quốc" và Mỹ là "sức mạnh duy nhất" của thế giới.

Ông nổi tiếng với câu đùa: "Tòa nhà làm việc của Ban Thư ký Liên Hợp Quốc có 38 tầng, nếu mất đi 10 tầng thì cũng chẳng có gì khác biệt". Khi ông Bolton mãn nhiệm vào tháng 1-2007, nhiều nhà ngoại giao tại Liên Hợp Quốc nhận xét phong cách của ông là thô lỗ và kém thân thiện.

"Chiến binh" thất sủng

Bolton được cho là được lòng giới bảo thủ khi ông được mệnh danh là “diều hâu”. Ông đã từng ủng hộ và kêu gọi Mỹ giữ lập trường cứng rắn với Iran và Triều Tiên. Ông cũng đã kêu gọi Tổng thống Trump trong một bài viết trên New York Post rằng Washington nên ngừng tái ký Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và rút khỏi thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran.

Theo tờ The Guardian (Anh), cách tiếp cận ngoại giao cơ bản của ông Bolton đã được tổng kết trong một cuốn sách do ông viết mang tên “Surrender is not an option” (Đầu hàng không phải là một lựa chọn). Đó là quan điểm cứng rắn của ông trong trường hợp Iran. Ông phản đối nỗ lực của Tổng thống Barack Obama khi đó muốn xử lý chương trình hạt nhân của Iran thông qua đàm phán.

Năm 2015, ông Bolton viết trên New York Times rằng chỉ bằng cách đánh bom, Mỹ và Israel mới loại bỏ được các cơ sở làm giàu urani của Iran và ngăn chặn được thảm họa.

Ngày 22-3-2018, khi Tổng thống Trump chọn ông Bolton vào vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia, nhiều người đã cho rằng việc Tổng thống lựa chọn ông Bolton là tin tốt đối với các đồng minh của Mỹ và là tin xấu đối với các quốc gia đối địch.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons bày tỏ quan ngại cách tiếp cận của ông Bolton trong các vấn đề Triều Tiên và Iran là “quá hung hăng và tiềm ẩn nguy hiểm".

Quả thực trong suốt 17 tháng ở vị trí này, ông Bolton đã chứng minh những nhận định đó là có cơ sở. Vào giai đoạn đỉnh cao ảnh hưởng của Bolton ở Washington, ông giành được sự tín nhiệm của Tổng thống Trump bằng bản năng hung hăng trong những vấn đề an ninh.

Ông cũng vượt mặt nhiều thành viên nội các vốn ít kinh nghiệm hơn trong những vấn đề mang tính liên bộ. Tuy nhiên, kiểu quản trị bàn tay sắt và thế giới quan hiếu chiến của Bolton khiến quan hệ giữa ông và nhiều đồng nghiệp rạn nứt.

Càng ngày ông Trump càng thấy rằng Bolton không còn phù hợp với chiến lược ngoại giao của mình trong việc xử lý các điểm nóng. Một cựu quan chức cấp cao nói với CBS rằng phương pháp của ông Bolton khiến nhiều người trong Nhà Trắng tức giận, bao gồm cả Tổng thống. Theo quan chức này, ông Bolton đã không tham dự các cuộc họp và làm theo các ý riêng của ông. Một quan chức Nhà Trắng nói với CBS News, "Bolton có những ưu tiên của ông ấy. Ông ấy đã không hỏi Tổng thống “Ưu tiên của ông là gì?"

Ông Bolton bị các quan chức Mỹ đổ lỗi cho sự sụp đổ của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên hồi tháng 2-2019 tại Việt Nam bằng cách đưa ra một danh sách các yêu cầu không thỏa hiệp mà Triều Tiên bác bỏ.

Tình cảnh bị cô lập của John Bolton được thể hiện rõ hơn tại cuộc họp cấp cao ngày 16- 8. Các quan chức hàng đầu của Mỹ được triệu tập đến khu nghỉ dưỡng và sân golf của ông Trump tại New Jersey để đánh giá thỏa thuận hòa bình sẽ gửi cho chính quyền Afghanistan và phe Taliban. Các quan chức đến dự họp có Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford, Phó tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Gina Haspel và trưởng đoàn đàm phán Khalilzad.

Chỉ có Bolton là không nằm trong danh sách khách mời ban đầu. Đội ngũ của ông Trump lo ngại cố vấn an ninh quốc gia sẽ phản đối thỏa thuận hòa bình, sau đó cho đội ngũ của mình rò rỉ thỏa thuận tạo dư luận bất lợi.

Cuối cùng thì Bolton cũng xin được một ghế trong cuộc họp sau khi phàn nàn với Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney. Khi đến New Jersey, vị cố vấn "diều hâu" lại tranh cãi với Tổng thống Trump về những lựa chọn chính sách cho Afghanistan. Ông cho rằng Mỹ không thể tin tưởng Taliban giữ đúng lời hứa.

Bất đồng giữa Bolton và Tổng thống Trump không dừng lại ở vấn đề Afghanistan. Tổng thống Mỹ đã bày tỏ ý định gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ông cũng muốn chấm dứt những tham vọng thay đổi chế độ ở Tehran và tìm cách thuyết phục những nước khác bảo trợ uy tín cho nền kinh tế đang gặp khủng hoảng của Iran.

Trong khi đó, ông Bolton suốt nhiều năm qua luôn theo đuổi mục tiêu thay đổi chế độ ở Iran. Ông cũng ủng hộ áp đặt thêm lệnh trừng phạt bất chấp gia tăng rủi ro nổ ra xung đột quân sự giữa hai nước.

Trong vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Trump nỗ lực thúc đẩy đàm phán thỏa thuận hạt nhân đến mức sẵn sàng ngó lơ các vụ thử tên lửa vừa qua của nước này. Nhưng Cố vấn Bolton lại công khai chỉ trích các vụ thử tên lửa, nhấn mạnh những hoạt động này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Quan điểm cứng rắn này khiến ông Trump loại Bolton ra khỏi nhiều cuộc họp quan trọng giữa Mỹ và Triều Tiên.

Việc John Bolton bị sa thải khỏi đội ngũ cố vấn của Tổng thống Trump có thể mang lại sự linh hoạt cho các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới với Triều Tiên. Ông Leif-Eric Easley, Phó Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha, cho rằng thời điểm này có thể thuận tiện cho hoạt động ngoại giao Mỹ-Triều Tiên.

Theo ông, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể biến sự thay đổi nhân sự này ở Washington thành chiến thắng trong chính trị nội bộ của Triều Tiên và điều này làm gia tăng khả năng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ sớm được tái khởi động.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của vị chuyên gia an ninh John Bolton đã làm dấy lên quan ngại rằng chính sách đối ngoại của ông Trump có thể bị chi phối nhiều hơn bởi những cân nhắc chính trị, đặc biệt là trước thềm cuộc đua tái tranh cử tổng thống 2020.

Norbert Roettgen, Chủ tịch Ủy ban chính sách đối ngoại của Quốc hội Đức, nói với Reuters rằng sự ra đi của ông Bolton là một cơ hội cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Còn Chuyên gia về Triều Tiên, Harry Kazianis, Giám đốc cao cấp tại viện nghiên cứu mang tên Trung tâm Lợi ích Quốc gia, cho rằng việc sa thải ông Bolton là một động thái khôn ngoan của Tổng thống Trump.

Trong khi đó, cố vấn của Tổng thống Iran, ông Hesameddin Ashena, nói rằng ông Bolton bị mất chức cho thấy sự thất bại của chiến lược áp lực tối đa mà Washington nhắm vào Iran. “John Bolton nhiều tháng trước cam đoan rằng Iran sẽ tồn tại được thêm 3 tháng. Chúng ta vẫn đứng vững, còn ông ấy thì ra đi,” người phát ngôn Chính phủ Iran, Ali Rabiei, viết trên Twitter.

Tổng thống Trump và cố vấn Bolton thời còn “mặn nồng”.

Ai sẽ thay thế ông Bolton?

Tổng thống Trump cho biết, ông sẽ đưa ra quyết định vào “tuần tới”, nhưng tới thời điểm này, vẫn chưa có một danh sách “ngắn gọn nhất có thể” về các ứng viên thay thế ông Bolton.

CNN dẫn một số nguồn tin cho biết, Nhà Trắng hiện đang thảo luận về các ứng cử viên thay thế ông Bolton, và ít nhất 10 cái tên đã được nhắc tới ở thời điểm này. Trong đó có Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook, cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ricky Waddell và Đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun.

Các ứng cử viên khác là Cố vấn An ninh Quốc gia cho quyền tham mưu trưởng Mick Mulvaney Rob Blair, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, Đại sứ Mỹ tại Hà Lan Pete Hoestra, tướng 4 sao đã nghỉ hưu Jack Keane, ông Keith Kellogg, cố vấn An ninh Quốc gia cho Phó TT Mike Pence. Ngoài ra, Đại tá quân đội đã nghỉ hưu Doughlas Macgregor và cựu Chánh văn phòng Fred Fleitz của ông Bolton tại Hội đồng An ninh Quốc gia cũng nằm trong danh sách ứng cử viên trên.

Tuy nhiên, với tính cách khó đoán của ông Trump, Tổng thống có thể sẽ chọn một nhân vật nào đó không hề được nhắc tới ở thời điểm này để trở thành Cố vấn an ninh quốc gia thứ 4 của ông trong vòng chưa đầy 3 năm.

Minh Hằng (Tổng hợp)
.
.
.