Không hoang mang, lo sợ hay thờ ơ quá mức
Dịch cúm có thể không làm bạn ốm ngay với những triệu chứng rõ ràng nhưng chắc chắn “dịch” tin giả sẽ để lại sự hoang mang, lo lắng nếu bạn không tỉnh táo tiếp nhận. Việc hoang mang lo sợ dẫn đến căng thẳng, dễ rơi vào những cách giải quyết sai lầm.
Tuy nhiên bạn thờ ơ và lạc quan, cho rằng virút rất khó để xâm nhập vào Việt Nam cũng dẫn đến những nguy cơ khi tới chỗ đông người không mang khẩu trang hay ăn uống không hợp vệ sinh trong những ngày tết.
 |
Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn cấp để đối phó với dịch cúm corona. |
Câu chuyện một người phụ nữ Trung Quốc biết mình bị cúm nhưng vẫn dùng thuốc hạ sốt để qua máy kiểm tra thân nhiệt tại sân bay là một minh chứng về sự thờ ơ, vô trách nhiệm trước tin tức và triệu chứng của bản thân dẫn tới nguy cơ lây lan cho nhiều người hơn giữa tâm bão virus Corona.
Ngoài ra, các thông tin mang tính "drama" được đưa ra trên Twitter như việc thành phố Vũ Hán đã phát hiện trên 10 ngàn ca bệnh nhiễm chủng virus với gần ngàn người tử vong, người chết nằm la liệt trên đường phố, bệnh viện quá tải, y bác sĩ hoảng loạn đều không chính xác, nhằm mục đích đánh vào nỗi sợ hãi của người dân khi đã quá quen với các câu chuyện đại dịch không thuốc chữa trong thế giới điện ảnh.
Rõ ràng những tin giả thường gây hoang mang cao vì đánh trúng vào tâm lý sợ hãi của mọi người nên thường được chia sẻ với tốc độ rất nhanh. Tin giả cũng thường đưa cho người đọc những lời khuyên tưởng chừng như hết sức đơn giản trước các vấn đề nghiêm trọng vì hiểu rằng, độc giả đang thực sự có nhu cầu giải quyết vấn đề bằng mọi cách.
Chính vì vậy, khi tiếp xúc với một thông tin viral trên mạng xã hội, hãy tỉnh táo để không bị đánh lừa. Câu chuyện về virus Corona cũng không phải ngoại lệ khi có nhiều fake news hội tụ đầy đủ những yếu tố đó.
Đã có nhiều nguồn tin khẳng định thịt dơi là nguyên nhân dẫn đến truyền bệnh lên người tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin trên chưa được kiểm chứng và khẳng định bởi các cơ quan chức năng.
Nguồn tin từ các cơ quan truyền thông có nghi ngờ nguyên nhân tới từ các khu chợ ngoài trời buôn bán động vật (cũng là nơi khởi nguồn cho các dịch bệnh như Sars vào năm 2002) nhưng trên trang SCMP với danh sách các loài động vật có nguy cơ truyền virus Corona không có liệt kê loài dơi. Những hình ảnh các bát thịt dơi cũng được chia sẻ ầm ầm, dù không biết thực hư tới đâu.
 |
Một tài khoản đăng thông tin về dịch cúm Corona gây hoang mang dư luận những ngày qua. |
Virus và vi khuẩn là hoàn toàn khác nhau khi phần lớn các vi khuẩn không cần vật chủ còn virút cần vật chủ để sống - như tế bào người, thực vật hay động vật. Các thông tin đưa ra về việc sử dụng kháng sinh để chống lại virus Corona là không xác thực.
Cho nên, khi bị bệnh bởi virút thì không nên sử dụng kháng sinh mà không có chỉ thị từ chuyên viên y tế vì nếu không có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Đây cũng là một nguồn tin không kiểm chứng được nhiều người chia sẻ trước dịch bệnh cúm do virus Corona gây ra.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO, độ tuổi tử vong trung bình vì chủng virút này là 73 và các bệnh nhân tử vong đều mang trong mình các căn bệnh cơ hội khác. Người bệnh tử vong trẻ nhất cũng đã 48 tuổi và bà nhập viện điều trị vì một căn bệnh khác trước khi tử vong 4 tuần. Có ghi nhận các bệnh nhân nhỏ tuổi mắc virus Corona (10 tuổi) nhưng hiện tại đã xuất viện.
Xử lý nghiêm những người đưa tin giả gây hoang mang
Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Trung Quốc, lây lan qua 18 nước và vùng lãnh thổ, một số đối tượng đã phát tán lên không gian mạng các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến dịch bệnh và diễn biến tại Việt Nam gây hoang mang trong dư luận và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.
Đã có nhiều trường hợp bị kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn xử lý. Mới đây lực lượng chức năng đã gọi hỏi, răn đe 2 trường hợp ở Khánh Hòa, 1 trường hợp ở Bà Rịa - Vũng Tàu đăng tải thông tin thất thiệt lên facebook cá nhân. Trong đó đến ngày 29-1 đã có 7 địa phương xử lý 8 trường hợp đăng tin sai sự thật.
Đáng chú ý, 2 trường hợp thông tin sai sự thật về việc có người bị nhiễm virus Corona chủng mới tại địa phương mình, 1 trường hợp đăng tải thông tin xuyên tạc bịa đặt liên quan đến việc xử lý thông tin sai sự thật về dịch.
Cụ thể, vào ngày 26-1 tại Hải Phòng, một trang Facebook cá nhân đăng thông tin: "Hải Phòng đã có 1 ca nghi ngờ mắc Corona gây viêm phổi Vũ Hán đang được cách ly tại khoa Lây, Bệnh viện Việt Tiệp...". Đến 22h cùng ngày, tin này được gỡ bỏ. Ngay sau đó, Công an thành phố Hải Phòng phối hợp Sở Y tế Hải Phòng vào cuộc xác minh. Kết quả cho thấy tại Bệnh viện Việt Tiệp hiện không có trường hợp nào nghi nhiễm virus Corona. Hiện, Công an thành phố Hải Phòng đang tiếp tục xác minh các vấn đề liên quan đến tin đăng trên Facebook cá nhân này để có hướng xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
 |
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội.
|
Đến tối 27-1 tại Quảng Ninh, tài khoản Facebook Nhii Anhh có chia sẻ thông tin việc 2 khách du lịch Trung Quốc bị mắc virus Corona tại một khách sạn nằm ở phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để cách ly. Tài khoản trên đưa ra cảnh báo "Dân Trung Quốc ở Bãi Cháy nhiều lắm mọi người đừng đi chơi gì ở Bãi Cháy nhé". Ngay lập tức, thông tin trên đã thu hút gần 400 lượt chia sẻ và gần 100 bình luận. Thông tin trên làm người dân nơi đây cảm thấy hoang mang.
Sáng 28-1, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, Nguyễn Trọng Diện cho biết, thông tin đang chia sẻ, phát tán trên mạng xã hội là tin đồn thất thiệt, không có thật. Người dân cần chọn lọc thông tin, tránh tiếp tay chia sẻ bài viết để tiếp tay cho lợi ích của kẻ xấu. Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã kiểm tra và khẳng định trong suốt những ngày qua không cấp cứu trường hợp người Trung Quốc nào bị nhiễm virus Corona như tin đồn trên. Công an tỉnh Quảng Ninh đang vào cuộc xác minh để xác định những người liên quan và mời lên làm việc.
Tiếp tục đến ngày 28-1 tại Bình Thuận, tài khoản Facebook Dung Nguyễn đã đăng thông tin 6 người Trung Quốc nhiễm bệnh đang cấp cứu tại Bệnh viện An Phước khiến người dân hoang mang lo sợ.
Ngay sau đó, đại diện Bệnh viện Đa khoa An Phước (TP Phan Thiết, Bình Thuận) lên tiếng cho biết, đã có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh Bình Thuận làm rõ thông tin 6 người Trung Quốc nhiễm virus Corona đang cấp cứu tại Bệnh viện An Phước. Tuy nhiên, tất cả đều là thông tin bịa đặt.
Đến nay Việt Nam đã ghi nhận 63 trường hợp có triệu chứng sốt, có tiền sử đi về từ vùng có dịch, bao gồm 25 trường hợp đã được loại trừ nhiễm virus Corona, 38 trường hợp tiếp tục theo dõi cách ly (bao gồm cả 2 trường hợp người Trung Quốc bước đầu dương tính với virus Corona đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh trong tình trạng ổn định, đến nay, một trường hợp đã được chữa khỏi).
Nói về vấn đề này, Đại tá Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cho hay, các đối tượng này thường lấy thông tin ở những kênh không chính thống và muốn tự đưa thông tin lên để thu hút nhiều người theo dõi nhằm mục đích cá nhân.
Những người sử dụng mạng xã hội mà muốn tiếp cận thông tin về dịch Corona thì nên tiếp cận vào câc trang thông tin chính thống như trang của Bộ Y tế để chúng ta có được thông tin đầy đủ, chính xác và nhanh nhất.
Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, các cơ quan chức năng đã nhận định đây là cơ hội cho những kẻ xấu thu lời bất chính, lợi dụng kích động, chống phá. Ngay trong cuộc họp khẩn chiều 26-1 (mùng 2 Tết) của Bộ Y tế về ứng phó dịch viêm phổi cấp do virus Corona, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các bộ ngành phối hợp chặt chẽ để ứng phó virút Corona, trong đó, Bộ Công an sẽ xử nghiêm người tung tin đồn thất thiệt.
Lãnh đạo Bộ Công an sau đó cũng đã có điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng các phương án, kế hoạch để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này. Ngày 29-1, Bộ Công an tiếp tục có Điện gửi Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra.
Nội dung công điện nêu rõ, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã đăng tải, tán phát lên không gian mạng các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam, gây hoang mang trong dư luận người dân; tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự.
Để bảo đảm tình hình an ninh, trật tự và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có nhiệm vụ “Tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh; chủ động kế hoạch, phương án phòng chống, tham gia dập tắt dịch bệnh và bảo đảm an ninh, trật tự trong tình huống có dịch bệnh bùng phát tại nước ta”.
|
Phong Anh