Vì sao châu Âu chấp nhận cho Huawei xây dựng mạng 5G?

Thứ Bảy, 08/02/2020, 14:50
Ngày 28-1, sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Vương quốc Anh, Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố cho phép Tập đoàn Huawei của Trung Quốc cung cấp thiết bị cho các mạng 5G của Anh, nhưng chỉ trong việc xây dựng các mạng truy cập vô tuyến, đồng thời cấm công ty này cung cấp hàng cho các phần "nhạy cảm", được gọi là mạng lõi. 


Trước đó Huawei đã trúng thầu hợp đồng cung cấp thiết bị 5G tại Đức và đang xúc tiến tại nhiều nước châu Âu khác.

Chấp nhận Huawei để đảm bảo cạnh tranh

Lý do chính khiến Anh cho phép Huawei tham gia thị trường là mong muốn đảm bảo cạnh tranh. Công ty Trung Quốc có thể trở thành doanh nghiệp thứ ba có đại diện tại nước này, sau Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan. Thủ tướng Johnson tuyên bố sẽ không cản trở sự phát triển của tiến bộ ở Anh. Đồng thời, các cơ quan bí mật của Anh không thấy mối đe dọa hợp tác với Huawei.

Huawei khẳng định sẽ xây dựng nhà máy sản xuất ở châu Âu.

Phó Chủ tịch Huawei Viktor Zhang nói rằng, quyết định này sẽ giúp Vương quốc Anh “tiếp cận với các công nghệ tiên tiến và cung cấp một thị trường cạnh tranh”.

“Huawei được trấn an bằng sự xác nhận của Chính phủ Anh rằng chúng tôi có thể tiếp tục làm việc với khách hàng của mình để tiếp tục triển khai mạng 5G. Quyết định dựa trên bằng chứng này sẽ tạo một cơ sở hạ tầng viễn thông tiên tiến hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn, đồng thời cũng phù hợp với tương lai. Nó cho phép nước Anh tiếp cận với công nghệ hàng đầu thế giới và đảm bảo một thị trường cạnh tranh”, ông Zhang nói.

Các thành phố chính trên khắp Vương quốc Anh đã bắt đầu được phủ sóng di động 5G trong nửa cuối năm 2019 khi các nhà mạng địa phương nhanh chóng triển khai công nghệ cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Tập đoàn viễn thông BT của Anh đã tuyên bố đã cung cấp dịch vụ 5G tại 50 thành phố và thị trấn lớn trên cả nước. Ngoài EE, 3 nhà mạng khác ở Anh là BT, O2, Three đã công bố ra mắt dịch vụ di động 5G cho người tiêu dùng và khách hàng doanh nghiệp tại các thành phố và thị trấn lớn trên khắp Vương quốc Anh…

Chỉ một ngày sau khi Anh chấp thuận cho Huawei cung cấp thiết bị cho các nhà mạng 5G, ngày 29-1-2020, EU cũng công bố những quy tắc chung về xây dựng hệ thống mạng 5G.

Phó Chủ tịch vùng châu Âu Abraham Liu khẳng định Huawei “đang tận tâm vì châu Âu hơn bao giờ hết”.

Những quy tắc mới đã được các quốc gia thành viên nhất trí nhưng không có tính ràng buộc, được đưa ra với mục đích đối phó với các mối đe dọa về an ninh mạng ở cấp độ quốc gia lẫn EU. Bộ quy tắc mới của EU không đề cập cụ thể đến bất cứ quốc gia hay doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, với ưu thế một hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei hiện đang nắm thị phần lớn tại châu Âu.

Các mạng viễn thông tại một số nước thuộc EU phụ thuộc vào linh kiện của Huawei, một số nước chính vì vậy sẽ không muốn bác bỏ hoàn toàn hệ thống phần cứng của Huawei. Một lệnh cấm thẳng tay với Huawei sẽ có thể làm chậm quá trình triển khai mạng 5G, đồng thời khiến nhiều người lo lắng về khả năng Trung Quốc và Mỹ sẽ bỏ xa các nước về công nghệ tiên tiến.

Cao ủy châu Âu về Thị trường Nội khối và Dịch vụ Thierry Breton nêu rõ: “Chúng ta sẽ trang bị cho các quốc gia thành viên EU, các nhà mạng viễn thông và người dùng những công cụ cần thiết để xây dựng và bảo vệ cơ sở hạ tầng EU với những tiêu chuẩn an ninh cao nhất. Điều này sẽ giúp chúng ta thụ hưởng đầy đủ những lợi ích mà mạng 5G mang lại”.

Huawei đã hoan nghênh thông báo của EU và cho biết họ sẽ cho phép công ty tiếp tục tham gia vào việc triển khai 5G ở châu Âu. Với cách tiếp cận không thiên vị và dựa trên thực tế đối với vấn đề bảo mật trong mạng 5G cho phép châu Âu có mạng 5G an toàn hơn và nhanh hơn.

Châu Âu tìm kiếm sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc

Tháng 7-2019, công quốc Monaco đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu khai trương mạng điện thoại di động thế hệ thứ 5 (mạng 5G) dựa trên công nghệ của Huawei.

Ngày 4-2-2020, phát biểu tại Brussels trong buổi chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 20 năm Huawei hoạt động ở châu Âu, ông Abraham Liu, Phó Chủ tịch vùng châu Âu của Huawei, khẳng định Huawei “đang tận tâm vì châu Âu hơn bao giờ hết". Đó cũng là lí do để Huawei quyết định muốn thiết lập các cơ sở sản xuất ở châu Âu, để từ đó thực sự có các mạng 5G cho châu Âu và được sản xuất tại châu Âu.

Theo ông Liu, Huawei dự định sẽ sử dụng hơn 13.000 nhân viên, điều hành 2 trung tâm khu vực và 23 trung tâm nghiên cứu tại 12 quốc gia EU. Trong bài phát biểu của mình, ông Liu thừa nhận rằng, thế giới công nghệ "đang ngày càng vướng mắc với các vấn đề địa chính trị, đàm phán thương mại và đối thoại ngoại giao giữa các quốc gia. Sự nghi ngờ có động cơ chính trị không giải quyết được những thách thức phía trước". Tuyên bố này cho thấy rõ ràng mục tiêu rõ ràng của công ty Trung Quốc trong quá trình tấn công vào thị trường cao cấp tương lai gần.

Huawei được cho là đang nắm giữ gần 40% thị trường thiết bị viễn thông ở châu Âu.

Việc tranh thủ mở nhà máy ở châu Âu khi đang dẫn đầu thị trường về công nghệ 5G càng tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi cho Huawei trong bối cảnh có các mối nguy tiềm tàng về cấm vận và tăng thuế nhập khẩu sản phẩm của công ty này như từng xảy ra ở Mỹ.

20 năm qua, Huawei đã tiến vào châu Âu theo cách uyển chuyển với các chương trình bảo trợ cho văn hóa, các sự kiện thể thao, nghiên cứu tại các trường đại học hoặc đầu tư vào mảng phát triển khởi nghiệp. Huawei đã hợp tác với tất cả các nhà khai thác mạng lớn của châu Âu, từ tập đoàn của Đức lớn số 1 châu Âu Deutsche Telekom, đến Telefonica của Tây Ban Nha, BT của Anh và Orange của Pháp…

Vì vậy, quyết định mở nhà máy tại châu Âu ngoài việc giảm giá thành sử dụng sản phẩm Huawei do ảnh hưởng thuế quan thì cũng tạo được ấn tượng và uy tín của Huawei trên thị trường châu Âu.

Cựu Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Viviane Reding nhận định, quyết định mở nhà máy sản xuất tại châu Âu giúp cải thiện niềm tin của châu Âu đối với sản phẩm của Huawei giữa các mối lo an ninh. Khi mở nhà máy tại đây, Huawei sẽ phải thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy tắc của châu Âu. Như vậy, sản phẩm và công ty sẽ tạo được uy tín lớn trên thị trường và có thể thúc đẩy họ tăng cường chiếm lĩnh thị phần ở châu Âu trong tương lai.

Hiện Huawei đã được tham gia lắp đặt hệ thống mạng 5G ở những thiết bị không phải phần lõi của hạ tầng mạng. Tuy nhiên, nếu họ không có đối thủ cạnh tranh xứng tầm, Huawei hoàn toàn có thể chiếm lĩnh cả những thành phần cốt lõi khác của hạ tầng 5G.

Theo các nhà phân tích, sở dĩ châu Âu và Vương quốc Anh, mới rời khỏi Liên minh châu Âu, đưa ra một quan điểm thống nhất về mạng 5G, bất chấp cảnh báo của Mỹ bởi nếu châu Âu đáp ứng các yêu cầu của Mỹ có nghĩa là phải nâng cấp toàn bộ cơ sở hạ tầng hiện có. Mạng 5G, ít nhất là trong giai đoạn đầu tiên, sẽ được xây dựng trên cơ sở hạ tầng mạng 4G đang hoạt động. Trong khi đó, thị phần của Huawei tại EU trong phân khúc này hiện khoảng hơn 30%.

Tái thiết hệ thống thông tin liên lạc mạng là một công việc cực kỳ tốn kém. Hơn nữa, trong trường hợp này, châu Âu sẽ tụt lại phía sau trong vài năm không chỉ trong việc triển khai mạng 5G mà ngay cả trên các mạng 4G/LTE hiện tại cũng sẽ bị tụt hậu.

Theo Bộ trưởng Kỹ thuật số-Văn hóa- Truyền thông và Thể thao Vương quóc Anh Nicky Morgan, London đã thông qua quyết định đặc biệt này chỉ vì liên quan đến các vấn đề cụ thể mà nước này đang phải đối mặt. Giai đoạn đầu của mạng 5G sẽ được xây dựng trên cơ sở hạ tầng của mạng 4G hiện có.

Thị phần của thiết bị Huawei trong cơ sở hạ tầng này là khoảng 45%. Nếu London loại Huawei như Mỹ đòi hỏi thì sẽ phải tái cấu trúc hoàn toàn tất cả các mạng viễn thông hiện có, điều này sẽ kéo theo chi phí tài chính khổng lồ và Vương quốc Anh có thể bị tụt hậu mạng 5G từ 5 đến 7 năm.

Do công nghệ Trung Quốc trong lĩnh vực này tương đối tiên tiến, do đó các nước EU không muốn hoàn toàn tuân theo lập trường của Mỹ để loại Trung Quốc khỏi quy trình xây dựng mạng viễn thông. Các nước EU vẫn cần phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc. Vì vậy, các chính sách của EU khác biệt với Mỹ. Tuy nhiên, EU vẫn duy trì tình đoàn kết với Mỹ trong một số vấn đề chính trị, do đó châu Âu cũng thực hiện các biện pháp thiết thực để ngăn chặn việc sử dụng sản phẩm các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự và tình báo.

Như vậy EU đang cố gắng tìm sự cân bằng: một mặt, để đáp ứng một phần nhu cầu của đồng minh chính trị, mặt khác, không “gây gổ” với nền kinh tế thứ hai thế giới và đối tác thương mại quan trọng nhất. Một cách tiếp cận tương tự sẽ tránh được sự cần thiết phải thay đổi cơ bản về cơ sở hạ tầng, và Liên minh châu Âu cũng chọn cách này. Huawei, mặc dù có bị một số hạn chế, hoan nghênh quyết định của Ủy ban châu Âu, gọi đó là khách quan, thực tế.

Đức Quý (Tổng hợp)
.
.
.