Giữa Thủ đô, dân kêu trời vì... ô nhiễm

Thứ Sáu, 10/07/2015, 10:30
Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội không xa, hàng nghìn con người thuộc hai thôn Linh Quy Bắc và Linh Quy Đông (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) nhiều năm qua phải chịu đựng nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước giếng khoan nồng nặc mùi hôi tanh, ngả vàng và có váng mỡ. Theo kết luận của các chuyên gia, nguồn nước ở đây nhiễm sắt rất nặng. Nguyên nhân được xác định là do hàng loạt lò mổ không phép ngày đêm xả thải trực tiếp xuống cống rãnh của hai thôn này. Dù sự việc diễn ra từ khá lâu, người dân kêu cứu khắp nơi nhưng đến nay, tình trạng này vẫn "giậm chân tại chỗ".
Ô nhiễm nguồn nước ngầm

Linh Quy nằm trên vùng đất cổ Luy Lâu thuộc làng quê Kinh Bắc trù phú xưa kia. Ở đây nổi tiếng truyền thống khoa bảng, thêm vào đó trong thôn có nhiều gia đình năng động, làm kinh tế giỏi. Chính vì thế, thôn Linh Quy được liệt vào thôn khấm khá nhất vùng. Sau này, đô thị hóa mạnh, dân số tăng cao, thôn Linh Quy được cắt đôi chia thành Linh Quy Bắc và Linh Quy Đông để tiện quản lý hành chính. Đường làng khang trang, nhà cao tầng đua nhau mọc san sát đủ thấy cuộc sống người dân ở đây rất khá giả.

Thế nhưng, ít ai biết người dân nơi đây hằng ngày phải đối mặt với nỗi khổ "khát nước". Không phải không có cơ quan chức năng đến thăm dò, đo đạc để kéo nguồn nước sạch cho dân hai thôn, thế nhưng mọi thứ vẫn chỉ trên giấy tờ. Biết chúng tôi về địa phương tìm hiểu về thực trạng ô nhiễm môi trường, ông Lê Đức Chính (Trưởng thôn Linh Quy Đông) mừng ra mặt: "Chúng tôi kêu cứu bao nhiêu năm nay rồi, nào có giải quyết được gì. Mong cơ quan thông tấn kêu giùm dân chúng tôi".

Thôn Linh Quy Đông có 420 hộ với xấp xỉ 1.500 nhân khẩu. Trước kia giếng khơi là nguồn cung cấp nước chính cho người dân, gần đây do nguồn nước ô nhiễm, người dân chuyển sang sử dụng nước giếng khoan. Dù giếng tại đây khoan sâu khoảng 40 đến 50 mét nhưng nguồn nước này cũng đang dần ô nhiễm rất nặng.

Anh Bình làm luôn thí nghiệm cho phóng viên chứng kiến độ ô nhiễm của nước giếng khoan nhà mình.

Theo ông Chính, để có nguồn nước sạch sinh hoạt, người dân phải xây tới 2 loại bể: bể lắng và bể lọc. Nước giếng khoan được bơm lên từ độ sâu 40 mét sẽ chảy qua một bể chứa để lắng lại, sau đó nước này mới được tháo qua một bể đầy cát. Mặc dù một năm người dân thay cát 3 đến 4 lần nhưng do nước ngầm ô nhiễm nên vẫn không thể tránh khỏi hiện tượng nước vàng, đóng thành cặn như rỉ sắt.

Ông Chính lắc đầu: "Mới vài năm nay như vậy, có thể thế hệ chúng tôi thì không sao. Thế hệ mai sau mới là điều đáng lo ngại, chúng ăn nước này rồi sinh ra bao nhiêu là bệnh chứ chả đùa. Mơ ước của chúng tôi là có nguồn nước sạch từ thành phố, có như vậy bà con mới yên tâm lao động, sản xuất".

Để chứng minh cho nguồn nước bị ô nhiễm, ông Chính đưa chúng tôi tới gia đình anh Lê Văn Bình. Giếng của gia đình anh Bình là một trong hàng trăm chiếc giếng khoan bị ô nhiễm trầm trọng.

Anh Bình bức xúc: "Giếng này chúng tôi khoan khá sâu, tới gần 50 mét. Dù nước bơm lên rất trong nhưng có mùi tanh không thể ngửi nổi. Nếu dùng trực tiếp vào việc nấu nướng chỉ vài ngày thôi là đáy nồi bám đầy cặn vàng. Nếu dùng nước này pha chè chắc không dám uống một giọt bởi nước sẽ chuyển sang màu tím ngắt hoặc đen sì".

Vừa than thở, anh Bình vừa gồng người bơm 1 bát nước dưới giếng nhà mình để làm trực tiếp thí nghiệm. Bát nước được hút lên rất trong và sạch sẽ nếu nhìn bằng mắt thường. Sau đó, anh Bình pha một ấm trà loãng và đổ trực tiếp vào bát nước đó. Chúng tôi sởn da gà khi chứng kiến bát nước vừa hút ngả sang màu đen kịt. "Trà loãng đã như vậy rồi, trà đặc nó còn sệt hơn. Nếu theo dân gian, hiện tượng này thể hiện nước bị nhiễm sắt rất nặng" - anh Bình nói.

Cùng chung số phận với thôn Linh Quy Đông là thôn Linh Quy Bắc. Trưởng thôn Linh Quy Bắc, ông Dương Mạnh Thọ (66 tuổi) chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm: "Cả thôn có 545 hộ với 2.200 khẩu, đông nhất xã Kim Sơn. 100% người dân phải sử dụng nước giếng khoan và giếng khơi. Nguồn nước trong thôn thì đang ô nhiễm rất nặng, giống như bên thôn Linh Quy Đông. Mùi nước tanh, nổi váng mỡ, pha trà chuyển màu đen kịt…".

Nước giếng khoan ngả màu đen sì sau khi đổ nước trà loãng.

Điều khiến mọi người lo ngại là hiện nay trong hai thôn, có khá nhiều người mắc bệnh và chết vì ung thư. Ông Chính và ông Thọ nhẩm tính, chỉ trong khoảng 3 năm nay, hai thôn có hơn chục người chết vì ung thư và hàng chục người khác đang mắc, điều trị liên quan đến bệnh ung thư. Số người mắc bệnh da liễu, hô hấp ở đây đếm không xuể.

Đi tìm nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại đây đều được hai vị trưởng thôn khẳng định là do xuất hiện ngày càng nhiều lò mổ trâu bò trái phép và sự quá tải của nghĩa trang trong thôn. Được người dân chỉ dẫn, chúng tôi mục sở thị các điểm giết mổ trâu bò trái phép trên địa bàn thôn. Trời nắng nóng khiến mùi hôi tanh từ các cống rãnh bốc lên vô cùng khó chịu.

Tại các đầu cống, nhiều bộ phận nội tạng trâu bò, mỡ dồn ứ bốc mùi nồng nặc. Phía sau của các lò mổ này, phân bò chất thành đống, nước thải và nước sinh hoạt xả thẳng vào hệ thống tiêu thoát nước chung của thôn. Ông Chính cho hay: "Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở những gia đình này, báo cáo lên UBND xã, thậm chí có cả Cảnh sát môi trường về kiểm tra. Thế rồi vài bữa lại đâu vào đấy".

Theo phản ánh của người dân, trước đây các điểm giết mổ không nhiều, thường thì hoạt động tự phát. Thế nhưng do nhu cầu thực phẩm ngày càng cao, đây lại là nghề thu nhập tốt nên nhiều người đã chuyển sang nghề giết mổ. Cả hai thôn có xấp xỉ gần chục điểm giết mổ. Trung bình mỗi đêm giết đến 60-70 con trâu, bò.

Nắng nóng nước rãnh bốc mùi hôi thối khó chịu, mùa mưa nước bẩn tràn lênh láng khắp nơi.

Ông Thọ cho biết: "Hệ thống cống rãnh của hai thôn rất nhỏ, rộng chừng 50 - 60cm, sâu chưa đầy 1 mét. Nước thải của hàng trăm con trâu bò, lợn gà đều được xả ra hệ thống cống này. Nước thải ứ đọng lâu ngày sẽ ngấm xuống đất, gây ô nhiễm cho mạch nước ngầm chứ có gì đâu. Ngày nắng nóng thế này nước thải bốc mùi, không ốm cũng thành ốm. Ngày mưa thì anh chị biết rồi đấy, nước bẩn lênh láng khắp nơi, nổi đầy cả chất thải gia súc, gia cầm. Ao làng giờ cũng chuyển sang màu xanh lè, xanh lẹt, chẳng con cá nào sống nổi".

 Theo hai vị trưởng thôn này, ngoài nguyên nhân giết mổ gia súc tự phát, còn một nguyên nhân khác nữa là do nghĩa trang của xã Kim Sơn rơi vào tình trạng quá tải. Nghĩa trang của xã Kim Sơn được xây dựng sát với khu dân cư, hơn nữa đây là nơi chôn cất của 9 thôn trong xã, mỗi năm có cả chục người chết được chôn tại đây.

Nói đến đây, ông Thọ thở dài ngao ngán: "Chúng tôi kiến nghị nhiều lần lên UBND, HĐND xã trong các lần họp để xử lý tình trạng ô nhiễm nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Dẫu biết là nước ô nhiễm nhưng người dân chúng tôi vẫn phải dùng chứ làm sao bây giờ? Cách đây có chưa đầy 500 mét, thôn Đại Bản (xã Phú Thụy) đã có nước sạch từ nhiều năm nay, không hiểu vì lý do gì mà nước sạch chưa về đến 2 thôn chúng tôi?".

Để trả lời cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho hay: Các lò mổ gia súc không phép này hình thành từ lâu trên địa bàn, hoạt động không thường xuyên, việc giết mổ gia súc chỉ làm theo đơn đặt hàng. Chính quyền xã đã nhắc nhở, thậm chí xử phạt các hộ xả thải ra hệ thống cống của thôn.

Việc người dân chịu cảnh ô nhiễm đã được báo cáo lên cơ quan chức năng. Gần đây (cuối năm 2014), đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã về lấy mẫu nước nghiên cứu, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có hồi âm. Theo đề án quy hoạnh, đến năm 2015 sẽ có đường ống dẫn nước sạch từ nhà máy về xã.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, ông Dương Dũng chia sẻ với phóng viên, chính quyền xã cần phải kiểm tra đăng ký kinh doanh của các hộ hành nghề giết mổ gia súc, nếu không đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì chính quyền địa phương có quyền xử lý. Thực hiện luật môi trường, không cần cơ quan chức năng thẩm tra nhưng nếu phát hiện có biểu hiện gây ô nhiễm môi trường, chính quyền xã cũng có thể lập biên bản hành chính, báo cáo cơ quan chức năng giải quyết.

Vấn đề cung cấp nước sạch cho bà con cũng là vấn đề mà lãnh đạo huyện đang tập trung giải quyết. Đây là 1 trong 19 tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Đối với một số khu vực trên địa bàn huyện như Kim Sơn, Lệ Chi và một phần Phú Thị… chưa có nước sạch thì huyện phối hợp với Công ty Nước sạch số 2 tiến hành khảo sát và thống nhất đề nghị thành phố đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước sạch trên địa bàn các xã này. Ông Dũng khẳng định thêm, lãnh đạo huyện sẽ làm hết khả năng để cho bà con trong địa bàn huyện Gia Lâm chưa có nước sẽ sớm có nước sạch để phục vụ sinh hoạt.

Song Anh
.
.
.