Để học sinh học môn Sử không cảm thấy 'bắt buộc'

Thứ Năm, 10/09/2015, 09:25
Đề xuất lịch sử là môn học bắt buộc trong nhà trường là hoàn toàn đúng. Trong tình trạng học sinh chán học môn Sử như hiện nay, thì mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, phải đổi mới phương pháp dạy Sử thế nào để các em tìm lại được niềm vui, sự yêu thích khi học môn học này.

Bắt buộc phải học môn Lịch sử là chuyện đương nhiên ở nhiều nền giáo dục trên thế giới. Vì lịch sử là nền tảng cơ bản, là cốt lõi văn hóa của từng quốc gia, dân tộc. Các em học sinh đến trường nếu không học lịch sử, làm sao có thể phát huy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức công dân, ý thức xã hội. Cần phải nhìn nhận chính xác là các em chán học môn Sử chứ không hề chán ghét Lịch sử. Nếu có một phương pháp dạy sử hay, thú vị, truyền cảm hứng tốt, thì Lịch sử sẽ trở thành một môn học hấp dẫn, thậm chí là hấp dẫn nhất đối với học sinh.

Nhiều thế hệ học sinh Việt Nam từ xưa đến nay đã quen với cách học môn Sử ở trường, là thầy cô giáo đọc, học sinh chép, về nhà học ra rả như một môn học thuộc lòng. Một cách học khô cứng, nhàm chán, ít sự khơi gợi, mở mang, không mang đến một niềm vui hay kích thích não trạng tò mò của học sinh. Việc dạy Sử nệ hoàn toàn vào sách giáo khoa là sai, cần phải điều chỉnh lại về mặt phương pháp.

Cải cách sách giáo khoa môn Lịch sử và thay đổi phương pháp dạy là cách để học sinh yêu môn học này hơn.

Theo đó, thay vì nhồi nhét kiến thức, các học sinh sẽ được trải nghiệm kiến thức. Trải nghiệm là phương pháp giúp các em nhớ rất lâu, thậm chí thông hiểu sáng rõ một sự kiện lịch sử, một câu chuyện lịch sử, một nhân vật lịch sử. Chẳng hạn, thay vì ngồi trong lớp chép bài, các em được đến các bảo tàng tham quan, lắng nghe, nhìn ngắm những tư liệu lịch sử, hình ảnh lịch sử phong phú trong bảo tàng, từ đó các thầy cô hướng các em vào từng nội dung bài học. Những gì đã trải nghiệm bằng mắt sẽ khiến các em nhớ lâu hơn, suy nghĩ kỹ càng hơn, và thiết lập ký ức một cách xâu chuỗi hơn, rất phù hợp với diễn biến thời gian, sự kiện của các bài học lịch sử.

Ở các nước phát triển, khi dạy môn Sử, các thầy cô giáo không phụ thuộc vào sách giáo khoa. Sách giáo khoa là để các em tự đọc ở nhà. Giờ học môn Sử thực chất là giờ nghe kể chuyện. Các học sinh rất hào hứng nghe giáo viên, các chuyên gia sử học nói về một nhân vật lịch sử, một câu chuyện lịch sử nào đó.

Đôi khi một bộ phim liên quan đến sự kiện lịch sử hay nhân vật lịch sử được trình chiếu và kết thúc là một buổi thảo luận sôi nổi. Các câu hỏi được nêu ra từ phía các em học sinh và giáo viên sẽ giải đáp, giải thích cặn kẽ từng ý một. Các học sinh cũng được khuyến khích phản biện lịch sử, nhằm tạo ra một cái nhìn đa chiều, sâu sắc, có logic về môn học.

Nhiều chuyên gia cho rằng cách dạy Sử như ở ta từ trước tới nay, chằng chịt các con số ngày tháng, sự kiện trong bài học và yêu cầu học sinh học thuộc là cách học không hiệu quả. Bằng chứng nhãn tiền là khi Sử không phải môn thi bắt buộc, thì phần đa nó đã bị các em học sinh loại ra khỏi sự lựa chọn của mình. Hàng ngàn điểm 0 môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp là sự thật nghiệt ngã, đau lòng mà dù muốn hay không ngành giáo dục vẫn phải thừa nhận sự thất bại cay đắng của mình trong việc không thắp được ngọn lửa ham học lịch sử cho học sinh.

Đừng nghĩ rằng gương mặt xã hội hôm nay không phải là hệ lụy của việc học sinh không học tốt môn Sử, không hiểu biết về lịch sử dân tộc mình. Thái độ bàng quan, thờ ơ với những người xung quanh, những biểu hiện thiếu văn minh, vô trách nhiệm với môi trường sống, với những vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh đất nước, không có ý thức đoàn kết tương thân tương ái của một bộ phận giới trẻ chính là bắt nguồn từ việc họ không hiểu biết, tự hào về truyền thống dân tộc.

Một khi quay lưng với lịch sử dân tộc, giới trẻ sẽ thiếu đi nền tảng để xây dựng các phẩm chất quan trọng để làm một công dân tốt trong xã hội. Khi trong đầu óc giới trẻ chỉ có các trò chơi game, thiếu đi những thần tượng là các vị anh hùng có công lập nước, giữ nước trong lịch sử 4000 năm của dân tộc thì lý tưởng của các em bị lệch lạc.

GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ái ngại: "Chúng ta hình dung như thế nào, nếu học sinh lớn lên trở thành công dân mà hiểu biết về sử khá mờ mịt, thiếu hệ thống và thiếu căn bản. Từ đó không chỉ thiếu kiến thức mà còn liên quan đến vấn đề tính cách, ý thức công dân, dân tộc. Theo tôi, vấn đề này hết sức cơ bản và cần có sự nghiên cứu có trách nhiệm".

Thiết nghĩ, việc cải cách sách giáo khoa phải đặc biệt chú trọng vào việc thay đổi nội dung sách giáo khoa Lịch sử. Các bài học môn Sử cần phải được biên soạn một cách nhẹ nhàng hơn, lô gíc hơn, tránh lan man tràn lan thiếu tập trung, và phải hướng học sinh vào những yếu tố cốt lõi nhất của một sự kiện lịch sử hay một nhân vật lịch sử nào đó. Cùng với sự thay đổi phương pháp giảng dạy của giáo viên, hy vọng rằng môn Sử sẽ lấy lại vị trí xứng đáng vốn có của mình trong lòng các em học trò khi năm học mới đã bắt đầu.

TS. Nguyễn Mai Phương
.
.
.