'Dễ' mà chưa 'đúng'

Thứ Ba, 17/11/2015, 10:00
Trong mấy ngày nay, cộng đồng xôn xao với "phát hiện" rằng bài thơ "Sông núi nước Nam" (Nam quốc sơn hà) trong SGK Ngữ văn lớp 7 bị thay đổi, sử dụng một bản dịch "mới", rất lạ tai, gây không ít ngạc nhiên cho các bậc phụ huynh.

Tất nhiên, dư luận phản ứng không phải không có lí. Nhưng người làm báo là phải soi xét kỹ càng vấn đề. Lật giở SGK Ngữ văn lớp 7, thì bài thơ này được đưa vào SGK từ năm 2003. Vì thế, một số tờ báo chưa xem xét kỹ càng, đã vội vã đưa lên công luận, biến thành phát hiện "động trời", gọi là bản dịch mới. Hành động này có thể coi là bới chuyện cũ làm án mới. Nhiều người còn tỏ ra nguy hiểm khi gán ghép vào một "thuyết âm mưu" nào đó.

Phóng viên từ nguồn tin trên mạng Internet đã mượn danh các bậc phụ huynh để dẫn lại các ý kiến xung quanh nickname: Đinh Nho AnhPham Phuc Thinh,  Thuha Nguyen, Mong Thuy Bui... Đã không xét kỹ nguồn gốc của SGK, còn không cả đọc kỹ trên trang sách ghi rõ: "Theo Lê Thước - Nam Trân dịch, Thơ văn Lí Trần, tập I, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội 1977". Chính bởi vậy, phóng viên các tờ báo dẫn nhiều ý kiến của những người có danh, có tiếng song lại cho thấy thiếu sự tỉnh táo trước vấn đề tranh luận.

Chính vì chưa biết Lê Thước - Nam Trân là ai, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn viết trên facebook: "Bản dịch trước vừa sát nghĩa vừa uy nghiêm, hùng tráng. Thay bằng bài này có phải nhằm hài hước hóa Tuyên ngôn độc lập của cha ông không?". Tiếp đó, vị đạo diễn này coi việc GS Nguyễn Khắc Phi và GS Nguyễn Đình Chú đưa bản dịch vào SGK là hành động của: "Hai lão già có danh mà vẽ ra để có việc".

Ông lo ngại sẽ khiến học sinh thành những đứa trẻ "nhân cách mất gốc", "vô văn hóa", "biến thái và độc ác". Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn còn nâng tầm quan điểm, cho rằng hai ông Lê Thước và Nam Trân đã nhận tiền của ông Tập Cận Bình để dịch lại bài thơ này. May mắn thay là nhà Hán học Lê Thước đã mất từ năm 1975, dịch giả Nam Trân mất từ năm 1967, nếu không thật là khó thanh minh thanh nga được với "cáo buộc" của đạo diễn họ Đỗ.

Bản dịch cũ được cho là của Trần Trọng Kim.

Thậm chí, có bà nhà báo công tác trong TP Hồ Chí Minh trên facebook cá nhân còn đòi đem 2 ông Lê Thước và Nam Trân dịch bài thơ "Thần" cho lớp 7 ra "trảm". Bà viết: "Các tình yêu là phụ huynh có con cháu học lớp 7 mở sách Ngữ Văn lớp 7, tập 1, NXB Giáo dục, trang 62, đọc bản dịch bài thơ Thần - Lý Thường Kiệt, được xem là Bản Tuyên ngôn đầu tiên của Việt Nam, sẽ thấy sự dốt đến mức nào của người dịch".

Điều chúng tôi quan tâm đến là việc vì sao lựa chọn bản dịch của hai nhà Hán học Lê Thước và Nam Trân? Chia sẻ lý do, GS Nguyễn Đình Chú cho biết, bản dịch thơ "quen thuộc" và "êm tai" mà chúng ta từng học cách đây nhiều năm kia chưa rõ tác giả là ai.

Về quy cách biên soạn SGK, chưa rõ dịch giả thì người chủ biên tạm thời chưa dám dùng. Điều ấy cho thấy sự thận trọng của người chủ biên là cần thiết. Cũng phải thấy rằng bản dịch cũ về câu chữ có thể không hoàn toàn theo lối sát chữ, nhưng lại có được cái hùng khí. Giá như rõ dịch giả mà dùng bản ấy thì thuận hơn nhiều.

Thật sự là khi làm văn bản học, chúng tôi cũng rất bất ngờ trước điều này. Có người viết đó là bản dịch của cụ Hoàng Xuân Hãn. Chúng tôi đã tra trong sách "La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn" thì không thấy có bản dịch thơ này. Có người nói đó là của cụ Trần Trọng Kim trong sách "Việt Nam sử lược". Đọc trong "Việt Nam sử lược" thì chỉ có bản phiên âm. Lại có người khác nói hình như của cụ Dương Quảng Hàm. Đọc sách cụ Dương Quảng Hàm cũng chỉ thấy cụ sử dụng bản dịch dẫn lại từ sách "Lĩnh Nam chích quái"… Tóm lại, cho đến nay, qua công việc khảo cứu của chúng tôi, vẫn chưa rõ ai là người dịch bài thơ "êm tai" này.

Kiều Mai Sơn
.
.
.