Để ngày hè thật sự bổ ích

Thứ Hai, 30/05/2016, 11:17
Vậy là một năm học với bao bận rộn, lo lắng, thức khuya dậy sớm, thi cử triền miên… cũng đến hồi kết. Học sinh các trường tạm gác sách vở để thực hiện những dự định cho mình trong dịp hè. Với học sinh, niềm vui lớn nhất trong những ngày hè là… không phải đến trường bởi các em muốn có những ngày nghỉ “xả hơi”, thật sự thư giãn và bổ ích.


Nhiều ông bô, bà mẹ không nghĩ vậy. Họ lo sợ con mình nghỉ hè không ai quản lý, tụ tập bạn bè chơi bời, sinh hoạt vô tổ chức dễ sinh hư nên giải pháp tốt nhất là học thêm 3 môn học chính là Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Nội dung của sự học này tập trung chủ yếu vào việc ôn lại kiến thức cũ, nhồi nhét kiến thức mới để vào năm học mới không bị thua kém bạn bè. Vì không ít cha mẹ có suy nghĩ như vậy nên hè về, họ mách bảo nhau chỗ này học thêm môn này, chỗ khác có thầy kia dạy giỏi và hậu quả cuối cùng là các em chưa kịp nghỉ ngơi đã bị lùa đến lớp. Học trong tình trạng bị “cưỡng bức” như vậy liệu có mang lại kết quả tích cực?.

Minh họa của Tả Từ

Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện vui cô bạn trong phòng kể về bài văn của con gái khi cháu học lớp 2. Đề bài là tả con gà trống nhà em và cô bé đã có những câu văn kinh hoàng: “Nhà em nuôi một đàn gà nhưng em thích nhất con gà trống. Nó cao một mét rưỡi, bộ lông sặc sỡ rủ xuống như một bức mành. Mỗi bữa, nó ăn hai bát cơm to lắm nên nhà em lúc nào cũng có sẵn một bao tải gạo dự trữ…”.

Hôm trả bài, cô giáo đọc bài cho cả lớp, giọng cô như mếu: “Em tả con gà hay con đà điểu hả? Lần sau đề bài tả con bò chắc em sẽ tả nó to bằng con voi mất. Em có biết cô suýt nữa vỡ tim vì bài tập làm văn này không?”.

Cười đấy mà lại buồn ngay vì phải chăng, người lớn chúng ta có lỗi trong việc này? Suốt ngày bắt các cháu học, sáng học ở trường, chiều vội vàng đến nơi học thêm, tối gia sư lại đến nhà kèm cặp thì còn thời gian đâu các em học hỏi, quan sát mọi thứ quanh mình.

Câu chuyện hoàn toàn có thật này để chứng tỏ một điều, với các em học sinh, việc trang bị thêm những kiến thức đời sống từ những điều nhỏ nhất là hoàn toàn cần thiết, và nghỉ hè là dịp để chúng ta có điều kiện bù đắp sự thiếu hụt đó.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, sau một thời gian dài tập trung học tập, các em nên “tạm quên” những gì đã học mà trang bị những kỹ năng sống, sự hiểu biết về thiên nhiên, môi trường, vạn vật xung quanh cùng rất nhiều sự trải nghiệm thú vị khác.

Cũng có thể các em dành thời gian cho việc học một môn năng khiếu nào đó bởi khi thực hiện việc này, các em thật sự say mê và tạo hứng khởi, niềm vui khi bắt tay vào những việc khác.

Sự trải nghiệm với các em sẽ vô cùng ý nghĩa khi được tận mắt chứng kiến một điều gì đó, được trở thành một phần của sự kiện mà ngày thường không có dịp tiếp xúc.

Đơn cử như các em ở thành phố sẽ có những ngày vô cùng vui vẻ với các bạn sống ở nông thôn, với các công việc thường ngày của nhà nông. Hoặc các em ở miền rừng núi sẽ thấy điều kỳ diệu khi đặt chân lên những dải cát vàng ven biển, biết thủy triều dâng lên mỗi ngày hay những hòn đảo muôn hình muôn vẻ được phủ cây xanh mướt nhô lên giữa đại dương mênh mông…

Tất nhiên, vui chơi nhưng không được quên học tập. Thời gian thích hợp để các em trở lại với sách vở, với thầy cô, bạn bè là tháng cuối cùng của đợt nghỉ hè. Cần củng cố kiến thức đã học trước khi bước vào năm học mới là điều hoàn toàn cần thiết trước khi tiếp nhận những kiến thức mới.

Quan tâm, chăm sóc các con không có nghĩa là suy nghĩ hộ con, làm việc thay con hay ép con phải sống theo “kế hoạch” của cha mẹ mà hãy tạo cho con em sự tự lập cần thiết, nhất là vào những dịp hè. Đây cũng chính là trang bị cho các em những kỹ năng cơ bản để các em thật sự có ngày hè bổ ích và sống đúng với lứa tuổi của mình.

Tuấn Nguyễn
.
.
.