Đoạt tuyệt ma túy trở thành chủ cơ sở sản xuất

Thứ Sáu, 09/01/2015, 14:52
Chúng tôi có mặt tại thôn Bến Cuối, xã Trung Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) vào một ngày đầu thu. Là vùng quê sơn cước với nhịp sống bình dị, êm đềm với những người nông dân lam lũ, chất phác. Ấy vậy mà chỉ 10 năm trước đây, Bến Cuối bị cơn lốc ma túy len lỏi vào cuộc sống người dân, kéo theo nhiều thanh niên trai tráng trở thành nô lệ “nàng tiên nâu”.

Thời kỳ cao điểm, Bến Cuối có hàng chục người nghiện ma túy. Vấn nạn ma túy làm phát sinh nhiều vụ mất an ninh, trật tự, trộm cắp, cờ bạc... điều chưa từng xảy ra trước đó.

Nhớ lại những năm tháng khốn khó, ông Bùi Văn Ban, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho rằng, chính thời khắc khó khăn đã giúp chính quyền địa phương nhìn nhận những mặt còn tồn tại, bất cập trong quản lý xã hội để có giải pháp quét sạch “cơn lốc” ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Làm thế nào để làm sạch môi trường, làm thế nào để hạn chế cũng như đẩy lùi ma túy thực sự là thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Để giải quyết triệt để vấn nạn trên cần có lộ trình cụ thể và có trọng tâm, trọng điểm. Và trên hết, cần lựa chọn điển hình cai nghiện để tuyên truyền, nhân rộng, có như vậy các giải pháp mới thực sự đạt kết quả như mong muốn.

Trong số những người nghiện ma túy thì anh Bùi Văn Mẫn, SN 1980, ở thôn Bến Cuối thực sự là tấm gương điển hình cai nghiện thành công, trở thành chủ cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Vốn là thanh niên hiền lành, có phần nhút nhát, Bùi Văn Mẫn được gia đình nuôi ăn học với hy vọng em trở thành người có ích cho xã hội. Bố mẹ là nông dân, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn song họ sống gương mẫu, gia giáo, được người dân địa phương quý mến, kính trọng. Đến khi ngoài 20 tuổi, ở cái tuổi này trong khi bạn bè đã yên bề gia thất, chí thú làm ăn thì Mẫn vẫn ham chơi, thậm chí còn hay đánh lộn, gây rối trật tự công cộng rồi ăn cắp vặt. Những lần nhìn thấy con trượt dốc, gia đình, người thân đau lòng, hết lòng khuyên răn để Mẫn mau sớm tỉnh ngộ, tu chí làm ăn. Các ban ngành, đoàn thể trong xã nhiều lần gọi anh lên giáo dục răn đe nhiều lần nhưng rồi vẫn “nước đổ lá khoai”.

Đến cuối năm 2003, mẫn bị đưa đi cải tạo lao động bắt buộc trong thời hạn 24 tháng tại trại Suối Hai, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (cũ). Lúc này, Mẫn mới cảm thấy hối hận khi phải trả cái giá cho lối sống càn quấy bấy lâu nay của mình. Đến cuối năm 2005, Mẫn hoàn thành tốt chương trình cải tạo, được trở về với gia đình. Tại thời điểm này, đời sống người dân thôn Bến Cuối đã đổi thay bởi nhiều hộ dân được hưởng tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Đám thanh niên mới lớn được gia đình sắm cho xe máy đã bỏ bê học hành lao vào đàn đúm. Do về nhà nhàn rỗi, không có việc làm sinh ra buồn chán nên Mẫn cũng hùa theo đám bạn đi xe sang khu vực Miếu Môn, Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội chơi bời sớm tối. Thế rồi, điều gì đến đã đến. Trong một lần theo đám bạn xấu rủ rê, Mẫn tìm đến với ma túy chỉ để khẳng định “bản lĩnh đàn ông”. Mặc dù biết trước kết cục, song Mẫn nghĩ rằng “chỉ hút một lần rồi bỏ”, rồi “hút một lần làm sao nghiện được”. Chính suy nghĩ nông cạn đó đã khiến Mẫn dấn sâu hơn vào ma túy. Đến khi tỉnh ngộ thì Mẫn là nghiện nặng, thậm chí chuyển sang chích mới thỏa cơn nghiện.

Anh Bùi Văn Mẫn (áo trắng) trao đổi kinh nghiệm cai nghiện ma túy.

Nhớ lại những ngày tháng mắc nghiện, Mẫn cho biết: Chỉ một chút thiếu tỉnh táo, không làm chủ bản thân mà tôi trở thành nô lệ “nàng tiên nâu”, trở thành gánh nặng của gia đình. Từ ngày mắc nghiện mỗi khi lên cơn thèm thuốc, gia đình bị bố mẹ, vợ con ngăn cản không cho tiền, tôi phải lấy trộm con gà, quả trứng trong nhà đi bán. Thậm chí có lúc bí tiền còn ăn cắp cả cuộn vải trong tiệm may của nhà người chú để bán lấy tiền hút, chích. Mẫn bị mọi người xung quanh xa lánh, ngay cả những người thân thích phải đề phòng bởi “thằng Mẫn là chuyên gia trộm cắp”. Cuộc sống trở nên bí bách, cuồng quẫn, tôi không định hướng được tương lai của mình sẽ ra sao.

Đến dịp cuối năm 2009, sau khi Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc trong thời gian 18 tháng tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động - Xã hội tỉnh Hòa Bình. Lần này vào trung tâm, sau quá trình cắt cơn giải độc ma túy, Mẫn được dậy nghề rồi được biên chế vào tổ xây dựng, sản xuất gạch, trồng cây cảnh. Đến năm 2011, từ sự động viên quan tâm của cán bộ Trung tâm Mẫn hoàn thành chương trình cai nghiện trở về cộng đồng.

Rời trung tâm, Mẫn mang theo về nhà hành trang là vốn nghề xây học được cùng quyết tâm phục thiện để làm lại cuộc đời. Không như lần trước, lần này anh đóng cửa ở biệt trong nhà để tránh gặp lại bạn cũ. Từ ngày về, Công an xã và các ban ngành đoàn thể trong xóm đã thường xuyên đến nhà động viên, thăm hỏi bàn cách giúp đỡ anh vươn lên làm lại cuộc đời. Được sự động viên của gia đình, xóm làng, Mẫn tự tin hơn. Định kỳ hằng tháng, hằng quý, anh lên xã viết cam kết không vi phạm pháp luật.

Không để con có thời gian nhàn cư tái nghiện, bố mẹ Mẫn đã đầu tư tiền cho vợ chồng anh xây chuồng trại nuôi vịt. Sau một năm chăm chỉ làm ăn, từ tiền bán vịt vợ chồng anh thu được 50 triệu đồng. Sau đó anh còn được Hội Nông dân xã tín chấp giúp vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thân được 25 triệu đồng để phát triển kinh tế. Có đồng vốn trong tay, anh mạnh dạn đầu tư mua máy móc nhận thầu xây dựng công trình. Khởi nghiệp từ nguồn vốn ít ỏi, nên ban đầu Mẫn nhận công trình nhỏ trong huyện. Do biết giữ chứ tín trong làm ăn, anh được mọi người tín nhiệm giao công trình. Từ đó anh dần trả hết vốn vay và tiếp tục mua thêm máy móc, thuê nhân công để nhận nhiều công trình thi công ngày dài ở địa bàn thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Từ ngày Mẫn đi làm xã nhà, cả mẹ và vợ anh đều đi theo để đỡ đần việc cơm nước. Hiện tại, mẫn có trong tay 20 thợ với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. Bản thân anh thu nhập bình quân 6 – 10 triệu đồng/tháng. Kinh tế gia đình ngày càng ổn định.

Trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, chúng tôi cảm nhận nụ cười rạng ngời hạnh phúc của bà Bùi Thị Hòa (mẹ của Mẫn) và chị Bùi Thị Vân, nngười vợ hết mực thủy chung đã sát cánh cùng Mẫn ngay cả lúc anh gặp khó khăn nhất trong cuộc sống. Sóng gió cuộc đời lắng xuống, giờ là lúc cả gia đình được tận hưởng thành quả mà họ phải đánh đổi để đạt được. Chị Vân cho biết, anh chị đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng trong thời gian sắp tới. Chúng tôi hứa sẽ trở lại để chúc mừng và chia vui cùng gia đình.

Đồng chí Bùi Văn Ban cho biết: Sau khi trở về địa phương, từ sự quan tâm động viên của gia đình và xóm làng, Mẫn đã có sự tiến bộ vượt bậc. Điều đáng mừng nhất là anh đã vươn lên làm giàu chính đáng tạo nhiều việc làm cho thanh niên trong xóm. Từ một cảnh nghiện ngập tay trắng, giờ anh vươn lên làm giàu chính đáng để báo hiếu cha mẹ, là chỗ dựa cho vợ con. Tấm gương anh Mẫn đáng để những người còn đang mắc sai lầm soi vào học tập sửa mình. Anh Mẫn thường được cử đi báo cáo điển hình để trao đổi kinh nghiệm từ bản thân trong quá trình cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội. Nhờ đó, đã có nhiều người mắc nghiện, nhìn gương anh Mẫn quyết tâm cai nghiện như: anh Bùi Văn Sơn, anh Bùi Cao Thiên, anh Nguyễn Hoài Phương, anh Lê Đình Giáp ở xóm Lộc Môn; anh Bùi Văn Chung, anh Nguyễn Văn Nhường ở xóm Bến Cuối... Đó thực sự là tín hiệu vui để xã Trung Sơn hoàn thành Đề án xây dựng địa bàn trong sạch trong không ma túy và tệ nạn xã hội.

Thu Hà
.
.
.