'Đôi chân thép' tầm nã tội phạm

Thứ Tư, 15/07/2015, 08:32
Với anh, Cảnh sát truy nã là cái nghề phải đối đầu với đủ loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Bằng cái đầu lạnh, trái tim nóng và bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ Công an nhân dân, Đại tá Đào Trọng Sơn được đồng đội xem như "đôi chân thép" trên hành trình truy nã tội phạm. 

Bắt tội phạm truy nã quốc tế

Ngồi nói chuyện với anh mới hiểu được tình yêu nghề trong anh lớn đến nhường nào. Dù đã chuyển công tác, hiện giữ cương vị Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp nhưng trong anh, "máu" trinh sát cùng những chuyến tầm nã xuyên biên giới vẫn luôn sục sôi trong tim.

Anh bắt đầu bằng câu chuyện truy bắt đối tượng Le John (SN 1981 tại bang Texas, Mỹ) can tội sử dụng vũ khí cướp ngân hàng. Gây án tại Mỹ bị phát hiện, gia đình thông qua luật sư đứng ra bảo lãnh cho John tại ngoại. Nung nấu dã tâm tẩu thoát, Le John bay về  Đài Loan rồi bí mật sang Việt Nam, nhập thông tin khai báo vào một căn nhà không có người tại khu đất trống phường Bến Nghé (quận 1, TP HCM).

Cảnh sát Mỹ ra lệnh truy nã quốc tế Le John và gửi công văn cho Cảnh sát hình sự Việt Nam truy bắt. Sau hơn một năm truy tìm Le John nhưng không có kết quả, Cục cảnh sát hình sự chuyển hồ sơ sang Cục cảnh sát truy nã tội phạm (C52) để phối hợp truy bắt. Đại tá Đào Trọng Sơn lúc này đang là Trưởng phòng truy bắt đối tượng truy nã về  Ma túy, Kinh tế, Tham nhũng (P4, C52) đã bắt tay vào nghiên cứu hồ sơ. Việc tìm Le John khó như "mò kim đáy biển", bởi hành trình về Việt Nam của Le John đã mất dấu ngay trong khu đất trống (căn nhà đã giải tỏa thành đất trống).

Đại tá Đào Trọng Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp.

Thông tin từ phía Cảnh sát Mỹ cung cấp ngắn gọn: "Quê cha của John ở Rạch Giá (Kiên Giang), quê mẹ ở Sa Đéc (Đồng Tháp)". Đại tá Sơn xuống Sa Đéc xác minh. Sau đó, anh tiếp tục xuống Kiên Giang. Việc tìm người đi Mỹ theo diện HO những năm 1980 chẳng khác nào "đãi cát tìm vàng". Thành phố Rạch Giá rộng, dân số tương đối đông, phải chia nhỏ từng phường ra để tìm. Làm thế nào để  xác minh chính xác địa chỉ, chỉ ra thông tin về gia đình, dòng họ của Le John ở TP Rạch Giá?

 Đại tá Đào Trọng Sơn bắt đầu nghiên cứu đến phương án tìm John ở đâu giữa biển trời mênh mông này. Tại Rạch Giá có khu đất lấn biển có những nhà hàng, quán cà phê rất đẹp. Trong lúc chờ làm việc, Đại tá Sơn đi lang thang ra ngoài uống cà phê tại khu vực lấn biển của TP. Rạch Giá. Anh nhận định: Le John đã về Việt Nam được hơn hai năm, có thể John sẽ về Rạch Giá lấy vợ và là ông chủ mở quán nhậu hay cà phê ở vùng này. Anh hỏi cô nhân viên trong quán: "Ở đây có ông Việt kiều nào về mở quán cà phê không em ?". Cô nhân viên vô tư trả lời: "Đây chính là quán của anh John ở Mỹ về".

Nghe tiếng John, Đại tá Sơn giật mình. Niềm tin chợt loé lên trong đầu anh. Cô nhân viên tiết lộ thêm: "Có người anh trai của John bên Mỹ qua, gia đình họ đang đi chơi Phú Quốc, thứ sáu về sớm để chuẩn bị ra Hà Nội". Bằng biện pháp nghiệp vụ, Đại tá Sơn nắm được thông tin một tuần trước người anh trai của John đã về Việt Nam và nghỉ tại một khách sạn ở quận 1 (TP. HCM), khách sạn này John từng trú ngụ hai ngày trước khi "lặn" xuống Kiên Giang. Đại tá Sơn lập tức bay ngay về TP HCM, xác định chính xác, ông chủ quán cà phê ở cửa biển Rạch Giá chính là Le John; để rồi quay về Kiên Giang mật phục một đêm tại quán cà phê.

Sáng ngày 14/4/2010, trên bến tàu Rạch Giá, có rất đông người ra vào, Đại tá Sơn cẩn thận quan sát, phán đoán, bởi John ngày hôm nay khác với hai năm về trước. Tấm hình truy nã cảnh sát Mỹ cung cấp từ thời trẻ, lúc ấy hắn gầy tong teo. Còn bây giờ John to béo, trắng trẻo, đẹp trai, trông khác hoàn toàn.

Bằng con mắt nhạy cảm nghề nghiệp và óc phán đoán chuẩn xác, Đại tá Sơn gọi giật một tiếng: "John". Hắn giật mình quay lại, Đại tá Sơn vỗ vai: "Anh là chủ quán cà phê Lộng Gió phải không? Tôi là Cảnh sát Việt Nam. Anh biết tôi bắt anh về tội gì rồi". John vẫn một mực chối tội, cho rằng mình bị bắt nhầm. Sau khi lên xe Cảnh sát, John phải cúi đầu nhận tội.

Đó chỉ là một trong hàng chục vụ bắt nã quốc tế mà Đại tá Đào Trọng Sơn trực tiếp tham gia. Anh nói rằng, đời lính truy nã đòi hỏi lòng say mê nghề nghiệp, có bản lĩnh, tích luỹ được càng nhiều kinh nghiệm sống thì sẽ tránh được mọi rủi ro và tai nạn ngoài ý muốn. Luôn làm chủ tình huống, khôn khéo trong cách xử lý, làm cho tội phạm truy nã bị bắt nhưng vẫn cảm thấy tâm phục, khẩu phục.

Cuộc rượt đuổi trong đêm

Lần truy bắt đối tượng Nguyễn Thị Phượng (nhà ở phường 12, quận 10-TP HCM) bị truy nã về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài đã để lại cho Đại tá Sơn những xúc cảm khó quên. Phượng vô cùng tinh ranh, ma mãnh, ả khôn khéo qua mặt được các lực lượng chức năng. Công an phường 12 (quận 10) sau nhiều lần bắt hụt đã đề nghị Cục C52 giúp sức.

Đại tá Sơn (phải) trao trả Le John cho Cảnh sát Mỹ tại sân bay.

Đại tá Đào Trọng Sơn tiếp nhận hồ sơ, xây dựng cơ sở và quyết tâm tổ chức truy bắt Nguyễn Thị Phượng. Sau nhiều ngày theo dõi, cơ sở báo Phượng đang ở nhà, Đại tá Sơn trực tiếp dẫn anh em đột kích. Thấy cô gái ngồi ở cửa, bà mẹ giới thiệu: "Đây là cô cháu ở dưới Long An lên". Đại tá Sơn đề nghị kiểm tra hành chính, cô ta đưa CMND, sổ Hộ khẩu mang tên Nguyễn Thị Loan ở Cần Giuộc (Long An). Vậy là anh em lại ra về tay trắng. Vừa về đến đơn vị, anh nhận được thông tin, người phụ nữ đó chính là Phượng và thị đã đi thẩm mỹ viện chỉnh lại khuôn mặt, cánh mũi nên khác ảnh truy nã xưa, khó nhận ra thị.

Bứt óc suy nghĩ, Đại tá Sơn không hiểu tại sao Phượng là đối tượng truy nã lại có đầy đủ giấy tờ hợp pháp qua mặt cơ quan chức năng. Anh âm thầm về Long An xác minh và phát hiện, Nguyễn Thị Phượng sau ba năm bị truy nã đã làm giấy tờ lại, trở thành con người khác.

Hai lần bị đánh động, Phượng rất đề cao cảnh giác, công tác truy bắt trở nên khó khăn hơn. Tổ truy bắt chuyển hướng theo dõi người bạn trai của Phượng đang ở quận Tân Phú. Sau quá trình theo dõi, biết chắc Phượng đang ở trong nhà bạn trai, anh em quyết định xông vào phòng trọ bắt Phượng. Nhưng,  trước thời điểm tổ truy bắt ập vào phòng trọ thì Phượng ra ngoài mua nước. Một lần nữa lại mất dấu Phượng.

Bẵng đi một thời gian, mẹ Phượng qua đời, có thể Phượng sẽ về chịu tang mẹ. Đúng như dự đoán, tại nhà, Phượng mặc áo tang khóc lóc nỉ non bên quan tài mẹ. Đại tá Đào Trọng Sơn có mặt trong đám tang, anh lặng lẽ tới bên Phượng nói vừa đủ để ả nghe: "Lần này tôi không bắt cô. Tôi để cô chịu tang mẹ xong, 6 ngày sau hãy ra đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật". 6 ngày trôi qua, không thấy tăm hơi Phượng đâu, ả vẫn ngoan cố trốn chạy. Đại tá Sơn truyên bố: "Sẽ bắt Phượng đúng 49 ngày…".

Đúng 49 ngày sau, quá 12h đêm, điện thoại Đại tá Sơn đổ chuông, có tin báo thấy Phượng vừa hé cửa vào nhà. Đại tá Sơn nhanh chóng điều động anh em phối hợp với Công an phường 12 tổ chức bao vây xung quanh căn nhà của Phượng với quyết tâm "cất lưới". Tiếng gõ cửa dồn dập ở phía ngoài, bên trong yên ắng lạ thường. Đại tá Sơn nghe có tiếng bước chân chạy rầm rầm trên nóc nhà, cửa vừa hé, anh lao vụt lên ban công lầu 5. Phượng đang lấy đà phi sang một căn nhà khác.

Trong đêm tối mịt mù, chẳng suy nghĩ gì, Đại tá Sơn cũng phi theo. Cuộc rượt đuổi diễn ra trên ban công hai căn nhà cao tầng. Sau những sải chân chắc nịch, Đại tá Sơn tóm được  phía sau cổ áo Phượng, anh nói nhỏ: "Thôi đừng chạy nữa, ngã xuống kia thì khổ thân. Tôi đã cho cô 6 ngày nữa phải ra đầu thú mà cô không chấp hành thì bây giờ tôi phải bắt cô. Cô có chạy đằng trời cũng không thoát đâu".

Trong 10 năm  (2004- 2014), Đại tá Đào Trọng Sơn đã trực tiếp tham gia bắt giữ và vận động đầu thú được 231 đối tượng truy nã các loại, trong đó có 154 đối tượng truy nã đặc biệt, 18 đối tượng có lệnh truy nã quốc tế. Với những chiến công đã đạt được, Đại tá Đào Trọng Sơn vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì, bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bộ Công an và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh… 

Trong hành trình bắt nã đầy gian khổ, khó khăn, hiểm nguy luôn trực chờ nhưng bằng bản lĩnh và sự sắc bén nghề nghiệp, Đại tá Đào Trọng Sơn trở thành "khắc tinh" của tội phạm truy nã. Phía sau một người lính trinh sát tầm nã, là những tâm tư, trăn trở với nghề. 

Anh tâm sự: "Đối với những đối tượng truy nã, thì ưu tiên hàng đầu vẫn là vận động họ ra đầu thú. Khi cái phần người trong họ được thức tỉnh, thì việc chấp hành pháp luật cũng trở nên nhẹ nhàng. Ý thức cải tạo trong họ sẽ tích cực hơn và con đường hoàn lương cũng sớm hơn…". 

Có rất nhiều đối tượng truy nã cộm cán phải khuất phục dưới bàn tay của anh, sau khi chấp hành án phạt, họ trở về vẫn gọi điện cảm ơn anh. Cảm ơn vì có anh mà cuộc đời họ không phải trốn chui lủi, sống trong lo âu, sợ hãi nữa…

Ngọc Thiện
.
.
.