Đôi điều sau nghỉ lễ

Chủ Nhật, 08/05/2016, 10:25
Cuối cùng thì đợt nghỉ lễ dài ngày cũng kết thúc, người lớn đi làm, trẻ con đến lớp. Cuộc sống lại tiếp diễn với những guồng quay quen thuộc, nhưng dư âm về những ngày đã qua chưa hẳn đã khiến chúng ta thấy vui, muốn nhớ.


Trước đợt nghỉ, nhiều gia đình đã lên kế hoạch cho những chuyến đi xa, tùy vào điều kiện mỗi nhà. Vì biển miền Trung đang "có vấn đề" nên các gia đình tập trung vào một số lựa chọn chính: Lên rừng; Tới những điểm du lịch cách nhà 100 km trở lại; Các bãi biển miền Bắc và miền Nam; Ra nước ngoài và cuối cùng là nghỉ ngơi tại gia.

Như nhiều lần chúng tôi đã đề cập, các điểm vui chơi công cộng trong thành phố luôn là vấn đề được nhiều người xới lên vào dịp hè, lễ tết nhưng mọi việc đâu lại vào đấy. Ngoài một vài công viên đang bị thu hẹp, các viện bảo tàng, các khu vui chơi cho trẻ em ở ven thành phố, mọi người không còn biết đi đâu và điểm cuối cùng vẫn là các siêu thị, trung tâm thương mại khiến những nơi này trở nên quá tải, đông nghịt.

Lên rừng hay đến các điểm du lịch tâm linh cũng là sự lựa chọn an toàn bởi số người đến đây ít hơn. Các dịch vụ cũng chu đáo với giá cả phải chăng khiến nhiều người hài lòng.

Minh họa của Lê Tâm.

Khổ nhất vẫn là những người đi về phía biển. Các bãi biển miền Bắc hay từ Huế đổ vào đông khủng khiếp. Những bức ảnh đăng tải trên mạng cho thấy mật độ khách du lịch dày đặc ở đây. Trừ những người đặt tour tại các công ty du lịch hay đặt phòng trước, hầu hết du khách phải chấp nhận tình trạng giá phòng, đồ ăn uống tăng gấp nhiều lần so với ngày thường.

Cũng tại các bãi biển này, tình trạng vứt rác khá phổ biến mặc dù có rất nhiều thùng rác công cộng đặt gần đó. Những bức ảnh cận cảnh các loại rác khiến người xem rùng mình và liên tưởng tới những bãi rác đổ dọc bãi tắm. Vậy đấy, sự nguy hiểm đến sức khỏe con người lại do chính con người gây ra.

Tại vùng biển H, một số du khách còn vô cùng bức xúc vì sau khi đưa gia đình đi tắm, lúc trở về thấy tiền và điện thoại di động đã không cánh mà bay. Khi các nạn nhân gặp chủ khách sạn và chính quyền địa phương yêu cầu điều tra làm rõ thì những vị này im lặng hoặc lập biên bản cho có. Đi du lịch mà ôm cục tức to đùng như thế thì nên ở nhà cho lành.

Còn đây là những con số buồn nhất: Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, dịp nghỉ lễ (30/4 - 3/5) cả nước xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông làm chết 111 người, bị thương 138 người, so với cùng kỳ năm trước giảm 53 vụ, giảm 5 người chết và 11 người bị thương. Vẫn biết là có giảm, nhưng những thiệt hại về người luôn là điều khiến chúng ta đau lòng, day dứt.

Cùng với những chuyện không muốn kể trên, có hai hình ảnh ấn tượng buộc chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều. Hình ảnh thứ nhất là dòng người xếp hàng trật tự tại Bến xe Mỹ Đình. Phải mất 1-2 tiếng, hành khách mới mua được vé xe nhưng mọi người đều thấy thoải mái, không có cảnh chen lấn, xô đẩy hay xô xát xảy ra.

Ai cũng hiểu rằng, xếp hàng là một hành vi văn minh, nhưng việc làm tốt đẹp này nhiều người đã "quên" và giờ đây, dù là muộn nhưng vẫn phải thiết lập lại thói quen đó.

Còn hình ảnh thứ hai là một người đàn ông nước ngoài nhặt rác trên bãi biển Nha Trang. Ông tên là Pierrot, một doanh nhân Canada. Ông đi từ bãi Dương đến hòn Chồng, nhặt nhạnh ống hút, túi nilon, thậm chí cả rác thải trôi từ ống cống xả ra biển.

Tất nhiên, không chỉ ông tây này nhặt rác ở biển Nha Trang mà còn có nhiều công dân khác ở đây cũng thường xuyên nhặt rác, nhưng hình ảnh ông Pierrot gầy gò, lom khom trên bãi cát khiến chúng ta phải suy nghĩ. Hãy làm những điều gì tốt đẹp cho xã hội, nhất là nơi chúng ta sinh ra và lớn lên.

Không nhất thiết cứ phải làm những điều to tát mà hãy bắt đầu từ những việc làm nhỏ bé, thiết thực. Cuộc sống của chúng ta sẽ trong lành và ý nghĩa hơn từ những điều tưởng chừng như nhỏ bé đó.

Tuấn Nguyễn
.
.
.