Đội xe ôm cứu thương nghĩa hiệp

Thứ Tư, 13/05/2015, 14:00
Dù là đang chở khách hay chờ khách giữa ngã tư đường nhưng thấy có tai nạn, hay có người cần giúp đỡ là họ bỏ dở công việc, vội vã đưa nạn nhân đi cấp cứu. Hơn chục năm nay, những tài xế xe ôm của đội xe ôm cứu thương thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương tự nguyện gắn bó với công việc nghĩa hiệp này. Đến từ những tỉnh, thành khách nhau, cuộc sống của họ còn nhiều vất vả, lo toan, thu nhập từ nghề xe ôm chẳng đáng là bao, nhưng họ luôn sẵn sàng có mặt khi tai nạn giao thông xảy ra, bất kể ngày đêm, mưa nắng.
Sẵn sàng "trực chiến" 24/24h

Chỉ cần đến khu vực ngã tư Đường Mồi (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) là có thể thấy ngay chốt sơ cấp cứu mà các thành viên của đội xe ôm cứu thương luôn trực sẵn 24/24h đề phòng có tai nạn. Ngã tư Đường Mồi là giao lộ giữa đường Lý Thường Kiệt và đường số 18, Khu công nghiệp Sóng Thần 2. Đây là một trong những điểm nóng hay xảy ra tai nạn vì ngã tư có hình chữ X. khiến tầm nhìn của người tham gia giao thông bị cản trở.

Khu vực này lại có trường học và nhà máy nên mỗi khi tan tầm, lưu lượng xe rất đông, tai nạn xảy ra nhiều. Lúc ấy, người dân nơi đây lại thấy bóng dáng tất bật của những bác tài xế xe ôm làm nhiệm vụ cứu thương. Nếu nhẹ thì chính các anh làm nhiệm vụ sơ cứu, băng bó, đưa người bị nạn vào chốt để nghỉ ngơi. Còn nếu nặng, ngay lập tức bệnh nhân sẽ được đưa vào bệnh viện để cấp cứu. Nhờ sự cấp cứu kịp thời mà nhiều nạn nhân đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Được thành lập vào tháng 3/2004 với 15 thành viên là những người đến từ nhiều địa phương hành nghề chạy xe ôm, xe ba gác trên địa bàn thị xã Dĩ An, sau hơn 10 năm thành lập, đội có 24 thành viên tham gia hoạt động tại 12 chốt sơ cấp cứu tại các nút giao thông trọng điểm. Các thành viên đội xe ôm cứu thương không nhớ họ đã cấp cứu được bao nhiêu trường hợp, nhưng với họ mỗi trường hợp đều là những kỉ niệm khó quên.

Anh Tâm là thành viên có hoàn cảnh khó khăn nhất.

Anh Tâm, một thành viên của đội tâm sự: "Tôi tham gia đội cứu thương cũng 4-5 năm rồi. Không nhớ đã cấp cứu được bao nhiêu vụ tai nạn. Có ngày 1-2 vụ, có ngày chúng tôi cấp cứu hơn chục vụ. Có trường hợp nặng chúng tôi lại đưa đến Trung tâm y tế phường hoặc Bệnh viện Dĩ An để cấp cứu, lúc ấy người nhà đã có mặt sẵn ở bệnh viện để đón bệnh nhân. Hiện ở chốt ngã tư Đường Mồi này có 7 thành viên, chia làm hai tổ, thay nhau trực ở đây. Còn chủ yếu tập trung ở thị xã Dĩ An".

Anh Nguyễn Văn Tân, quê ở Thanh Hóa, thuê trọ tại Bình Dương nhớ lại: "Cách đây không lâu, đang đêm tôi nghe báo có người bị tai nạn ở Khu công nghiệp Sóng Thần. Nạn nhân bị gãy xương, phải nẹp lại, không đưa đi cấp cứu bằng xe máy được. Tôi dùng xe ba gác chở anh ấy đến trung tâm y tế rồi từ đó họ chuyển nạn nhân lên thẳng Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh). Một tháng sau, anh ấy trở lại tìm tôi để cảm ơn và tặng tiền nữa nhưng tôi không nhận. Thấy người bị nạn, mình giúp được thì giúp thôi".

Anh Tân thành viên (bên phải) của đội nghỉ ngơi sau giờ làm việc.

Những tấm lòng nghĩa hiệp

Thời gian đầu mới thành lập, không ít thành viên khi chở người vào viện cấp cứu bị bệnh viện và Công an yêu cầu ở lại để làm rõ sự việc. Nhiều trường hợp nạn nhân bị té xe, choáng váng, được các thành viên dìu vào chốt nghỉ ngơi, uống nước, họ không dám vào vì sợ lừa để ăn cắp xe. Cũng không ít trường hợp người nhà lầm tưởng các anh là đối tượng gây tai nạn nên đòi đánh, chửi… nhưng vẫn không ngăn được việc làm thiện nguyện của các anh.

Để "danh chính ngôn thuận", sau này Hội Chữ thập đỏ thị xã Dĩ An đã làm việc với các trung tâm, cơ sở y tế tại thị xã Dĩ An cấp thẻ hành nghề để các anh xuất trình khi đưa người đến đây cấp cứu. Từ đó, các anh hoạt động thuận lợi hơn nên càng tích cực tham gia.

Về dụng cụ hành nghề, mỗi nhóm được trang bị một túi cứu thương có đầy đủ những dụng cụ cần thiết cho việc sơ cấp cứu. Mỗi thành viên được trang bị một chiếc áo có dấu hiệu chữ thập đỏ. Ngoài ra, các thành viên trong đội được tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu. Nhờ được trang bị một số kiến thức sơ cấp cứu mà nhiều nạn nhân đã được các thành viên trong đội sơ cấp cứu kịp thời, thoát khỏi lưỡi hái tử thần chỉ trong gang tấc.

Ngoài việc tham gia đưa những người bị nạn đến bệnh viện chữa trị, các thành viên còn góp phần cùng địa phương điều phối giao thông vào các giờ cao điểm và tham gia trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn phường. Trong một lần đi đón khách, anh Trừ đã phát hiện đối tượng trộm xe máy của người dân nên lập tức gọi điện báo cho Công an phường Dĩ An.

Phán đoán được hướng tẩu thoát của tên trộm, Công an cùng phối hợp với anh Trừ chốt chặn tại đầu chợ Dĩ An và bắt gọn đối tượng cùng tang vật. Hay trường hợp của anh Tô Minh Châu, có lần đang chở khách, phát hiện đối tượng có biểu hiện khả nghi nên bám theo. Khi đối tượng tới đường Nguyễn An Ninh thì giật điện thoại của một học sinh.

Ngay lập tức anh tăng ga đuổi theo tên cướp, đồng thời báo tin cho Công an phường. Truy đuổi gần 5km, anh cùng lực lượng bắt gọn tên cướp. Vào năm 2011, anh Nguyễn Tấn Hoàng trên đường chở khách, nghe tiếng tri hô, anh xin lỗi và cho khách xuống xe rồi tăng ga đuổi theo tên cướp. Tới đường Lý Thường Kiệt, anh Hoàng đã bắt gọn đối tượng cùng tang vật giao cho Công an phường.

Nói về những người tài xế xe ôm nghĩa hiệp này, bà Nga, một người dân ở khu vực ngã tư Đường Mồi nhận xét: "Mấy anh tài xế xe ôm làm việc tốt lắm, hiệu quả lắm. Bà con ở đây ai cũng ủng hộ. Hầu hết họ là những người có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã tự nguyện làm công việc cứu thương này nên chúng tôi rất cảm phục".

Như trường hợp anh Tâm nhà rất hoàn cảnh, mới ngoài 30 tuổi nhưng anh đã phải chịu đựng nỗi đau mất vợ. Khi vợ vừa sinh xong đứa con thứ hai thì bị bệnh nặng. Nhà nghèo không có tiền chữa trị nên 4 tháng sau khi sinh con, chị mất. Một mình anh lo chạy xe ôm nuôi hai đứa con và bố mẹ đã già ốm đau và bệnh tật. 
Ngã tư Đường Mồi là nơi xảy ra nhiều tai nạn.

Đứa con lớn năm nay 7 tuổi, đứa thứ hai mắc bệnh tim bẩm sinh, bố mẹ già yếu nằm một chỗ chẳng giúp gì được cho anh. Khó khăn đến nỗi, ngôi nhà của gia đình anh cũng chỉ được ghép bằng những tấm gỗ vụn mà anh nhặt nhạnh ở những xưởng gỗ hay ở nhà người quen đem về. Cuộc sống nghèo khó, vất vả là thế, nhưng anh Tâm luôn sẵn sàng bỏ dở công việc chạy xe ôm để lo cứu người.

Trường hợp ông Ẩn quê Tiền Giang lên Bình Dương hành nghề xe ôm đã nhiều năm. Khi Hội Chữ thập đỏ thị xã Dĩ An vận động thành lập đội xe máy cứu thương thì ông là một trong những thành viên đầu tiên tham gia và kêu gọi các đồng nghiệp cùng tham gia. Các thành viên trong đội thường chạy xe ôm từ 4 giờ sáng đến 23 giờ mới nghỉ, nhưng khi có tai nạn thì bất kể lúc nào, ở đâu, họ đều sẵn sàng lên đường.

Nhiều lần có tai nạn, người này bận lại nhờ người khác tới đưa nạn nhân đi cấp cứu. Có lần đang chở khách, họ cũng phải bỏ dở, nhẹ nhàng xin lỗi và giải thích cho khách rồi vội vã lao đến nơi có tai nạn. Nhiều người cảm kích trước tấm lòng của anh em nên quay lại tặng quà cảm ơn nhưng họ nhất quyết không lấy, bởi họ xác định, làm bằng cái tâm bằng tình thương giữa con người với con người.

Mỗi tháng Hội Chữ thập đỏ thị xã Dĩ An hỗ trợ tiền xăng cho các thành viên đội cứu thương từ 5.000 - 10.000 đồng/lần cứu người, tùy theo cự ly chuyển viện, và có một phần quà nhỏ dành tặng cho các thành viên, nhưng cũng không đáng là bao so với công sức mà họ bỏ ra. Thu nhập từ nghề xe ôm của các thành viên chỉ khoảng 3 triệu đồng một tháng, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn làm công việc cứu thương một cách tự nguyện.

Mỗi ngày làm việc từ mờ sáng đến nửa đêm nhưng dù đang ngon giấc, hễ có điện thoại cầu cứu là họ bật dậy, phi ngay đến hiện trường. Tấm lòng nghĩa hiệp của họ thật đáng được trân trọng và ghi nhận.

Ngọc Trâm
.
.
.