Dũng tướng miền Đông

Thứ Năm, 30/04/2015, 20:00
Tháng tư về, trong lòng vị tướng già lại nôn nao khắc khoải. Có điều gì đó nghèn nghẹn, thăm thẳm nỗi nhớ. Ngày vui của đất nước, ông lặng lẽ ôm xấp bản đồ lội suối băng rừng về lại chiến trường năm xưa, tiếp tục hành trình tìm hài cốt liệt sĩ. Hơn 20 năm như thế, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 vẫn cần mẫn làm cái việc mà ông luôn thấy còn mắc nợ đồng đội. 

Sống lại giữa lằn ranh của cái chết

Chiều tháng tư, nắng Sài Gòn rực lửa, vị tướng già ra tận cửa đón tôi, cặm cụi khóa xe cho tôi. Là chỉ huy một Trung đoàn đánh tan tác giặc Mỹ, tài bắn súng "bách phát bách trúng", thành tích lẫy lừng khắp mặt trận miền Đông Nam bộ, trong hình dung của tôi, chắc là ông phải cương nghị, đanh thép và hùng dũng lắm. Nhưng, nụ cười hồn hậu của ông làm thay đổi mọi suy nghĩ của tôi trước đó.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, sinh năm 1942 tại Sóc Sơn (Hà Nội), ông trưởng thành trong những năm tháng Thủ đô Hà Nội sống trong hòa bình sau năm 1954. Lúc đó ông đang làm kế toán trưởng của một hợp tác xã nông nghiệp. Ông gia nhập quân đội lúc 24 tuổi với một sức vóc gầy yếu, chiều cao 1m55, số đo, cân nặng 42kg, tất cả những gì cần thiết đều không đạt để có thể làm người lính vào chiến trường. Nhưng dường như mọi thứ đều là định mệnh.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (phải) may mắn được gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Giữa lúc ấy, tình hình miền Nam đang sôi động, cách mạng miền Nam cần tăng cường cán bộ miền Bắc vào chi viện. Sau ba tháng huấn luyện tân binh, thấy Nguyễn Ngọc Doanh bắn giỏi, cấp trên chuyển ông đi học lớp hạ sĩ quan, làm nguồn dự bị cho quân đội. Từ Tiểu đội trưởng, ông được đề bạt lên Trung đội trưởng khi mới đeo hàm hạ sĩ. Từ ngày 6/1/1966 đến ngày 20/5/1966, Nguyễn Ngọc Doanh cùng đồng đội hành quân đến mặt trận miền Đông Nam bộ. Tiểu đoàn có hơn 500 người hành quân nhưng khi vào đến Bù Gia Mập chỉ còn hơn 100 người. Phần lớn bị "hụt" do đói ăn và sốt rét. Chiến trường miền Đông Nam bộ lúc này vô cùng khốc liệt, Mỹ - ngụy đổ quân chiếm đóng, đánh chặn quân ta liên tục.

Ngày 10/8/1966, trận đánh đầu tiên diễn ra tại đường 10 - Vĩnh Thiện (nay là Bù Đăng, Bình Phước) của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Doanh chỉ huy đã chiến đấu ngoan cường với tiểu đội biệt kích người Thượng. Tổ chiến đấu của Nguyễn Ngọc Doanh rơi trúng vào ổ phục kích của địch, hai đồng chí đi bên cạnh ông bị trúng đạn hy sinh tại chỗ, còn Nguyễn Ngọc Doanh bị địch bắn đứt xương đùi, vỡ quai hàm. Đồng đội yểm trợ đưa ông về phía sau, trên đường đi địch đánh chặn, ông mất máu nhiều quá nên bị chết lâm sàng.

Do bận chiến đấu, anh em vùi tạm ông trên rãnh đất, lấy võng đắp lên, lấy lá cây che lại vì sợ kỳ đà moi ruột. Đến chiều tối, đơn vị cử đồng chí Bế Ích Quân và Đinh Văn Lĩnh ra an táng ông. Đang xúc đất lấp mộ, đồng chí Bế Ích Quân sờ xuống chân xem thủ trưởng có mang dép không. Nghĩ thương quá, đồng chí Quân định cởi đôi dép của mình đeo cho anh Doanh để xuống âm phủ có cái mà mang. Chợt anh Quân giơ tay hét to: "Ngừng tay, chân thủ trưởng vẫn còn ấm".

Thế là anh em hì hục bới đất lôi ông lên khỏi hố chôn, nhanh chóng cõng về đơn vị cấp cứu. Ông điều trị tại Bệnh viện K59, dốc 54 khu vực rừng Phước Long. Do mất máu, mất sức quá nhiều nên đúng 5 tháng 10 ngày, bác sĩ mới tiến hành mổ được vết thương, gắp đầu đạn ra, khâu vá vết thương trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ.

Vết thương bình phục, cấp trên hỏi ông có tiếp tục chiến đấu được không? Ông trả lời chắc nịch: "Tôi còn bắn súng tốt". Nguyễn Ngọc Doanh quay trở lại làm Chính trị viên đại đội đi đánh trận Tân Hưng và bị bắn nát xương gót chân. Y tá nhặt xương ra, khâu thịt vào, ông bước đi bằng nửa bàn chân nhưng quyết không từ bỏ chiến trường.

Tháng 3/1969, trong vai trò Chính trị viên Tiểu đoàn 1, ông cùng đồng đội đánh trận Dầu Tiếng (Tây Ninh). Kỵ binh thiết giáp của ngụy điều vào, chúng dùng bom Napan thả khiến anh em bị thương rất nhiều. Các tài liệu sổ sách ghi chép bị cháy hết. Trên đường cơ động về, bị địch đánh chặn đường, Chính trị viên Nguyễn Ngọc Doanh lại bị miếng bom văng vào đầu, chấn thương sọ não. Ông bị ngất, đồng đội khiêng về cấp cứu, mổ sống lấy mảnh bom ra. Hai tháng sau, ông quay lại đơn vị tham gia đánh trận Tà Tê (Bù Đăng). Chốt Tà Tê Mỹ đánh B52, dùng máy ủi san bằng, dựng lô cốt, quân ta đánh ba lần mới đập tan được lô cốt này. Trong trận đánh đó, ông tiếp tục bị thương vào đầu gối. Do không được điều trị kịp thời khiến cơ chân bị teo, di chứng lên tận thần kinh sọ não.

Trung đoàn 141 được chọn đánh trận then chốt giải phóng Đồng Xoài, bắt sống toàn bộ Chi khu trưởng. Sau đó, Trung đoàn 141 được lệnh phối hợp với các đơn vị chủ lực khác tiến đánh giải phóng Phước Long. Chiến thắng Phước Long đã làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo thế và thời cho quân ta tổng tấn công giải phóng hoàn toàn miền Nam. Mở đường cho chiến dịch tổng tấn công, Trung đoàn 141 do tướng Doanh làm Trung đoàn trưởng bắt đầu tổ chức trinh sát chiến dịch theo hai hướng Dầu Tiếng và Định Quán, mở "cánh cửa thép" Xuân Lộc để bộ đội ta tiến thẳng vào Sài Gòn.

Ở tuổi thất thập, tướng Doanh vẫn miệt mài đi tìm hài cốt đồng đội.

Giây phút ngắm lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc lập, hạnh phúc quá lớn trong ngày giải phóng khiến người lính trực trào nước mắt. Ông nhớ đến máu xương bao nhiêu đồng đội đã nằm lại cho ngày vui thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà.

Mắc nợ đồng đội

Trở về sau cuộc chiến tranh khốc liệt, mang trên mình thương tật nặng nề (mất 78% sức khỏe), nhưng Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh vẫn từng bước khẳng định vị thế và bản lĩnh của một người lính trong công tác lãnh đạo, chỉ huy. 46 tuổi, ông được phong hàm Thiếu tướng và nhiều năm liền giữ cương vị Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 (Bộ Quốc phòng). Năm 1992, ông xin nghỉ hưu vì cảm thấy sức khỏe của mình không còn tốt để tiếp tục phụng sự đất nước. Qua 4 lần bị thương chí tử, chưa kể những trận sốt rét kinh hoàng đeo bám, chính ông cũng không thiểu nổi vì sao mà ngày ấy mình không chết.

Những ngày nghỉ hưu, vẫn chiếc áo nâu bạc sờn của người lính, vị tướng già lặn lội về lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội. Lạ thay, trên hành trình về núi rừng đầy gian nan vất vả, phải đi bộ vào rừng, xắn quần lội ruộng, chống gậy leo núi, tướng Doanh lại cảm thấy mình dẻo dai, hoạt bát. Cứ nghĩ đến linh hồn anh em đang nằm phơi sương lạnh ngoài trời, lòng ông quặn lại, mọi mệt nhọc tan vào cảm xúc thương nhớ không thể nào quên của một thời lửa đạn. 40 năm sau giải phóng, những cánh rừng ba lớp cây năm xưa giờ được san phẳng, phủ xanh ngút ngàn cao su, điều, tiêu…

Những trận địa "chết", những dấu tích mồ chôn hầu như phẳng lì, không thể nhận dạng được. Trên tay vị tướng nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141 là hàng chục tấm bản đồ chỉ vị trí trận địa, vị trí hành quân, vị trí căn cứ, vị trí chôn cất… để dò tìm. Nhưng suốt 22 năm mòn mỏi, cần mẫn, ông và đồng đội cũng chỉ tìm được một con số rất nhỏ hài cốt liệt sĩ. Có nơi, như Hòn đá bằng, khu vực Đắk Ơ, đã 10 năm ông lặn lội không biết bao nhiêu lần nhưng chưa thể nhận dạng được nơi chôn cất liệt sĩ.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh.

Đất Bình Phước mùa khô nắng như đổ lửa, mùa mưa sình lầy nhầy nhụa, công việc tìm kiếm cứ biền biệt trong vô vọng. Mặt trận Phước Long, Bù Gia Mập, Bù Đăng là nơi mà máu xương của bao nhiêu đồng đội tướng Doanh nằm lại. Hiện vẫn còn hơn một ngàn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt.

Được sống lại trong lằn ranh của cái chết, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh thầm biết ơn những đồng đội của mình. Chính họ đã cho ông mạng sống để tiếp tục cầm súng, để được hưởng cuộc sống hòa bình hôm nay.

Tháng 8/2012, theo nguyện vọng của nhân dân, Trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Việt Nam ra đời, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh là Giám đốc phụ trách phía Nam. Từ khi thành lập, Tướng Doanh cùng đồng đội đã tổ chức tìm kiếm được 232 hài cốt liệt sĩ. Gian nan vất vả không phải là lội suối, trèo đèo, dầm mưa dãi nắng mà là thiếu hồ sơ gốc. Việc tìm kiếm có lúc như mò kim đáy biển.

Trường hợp của liệt sĩ Cốt, Tướng Doanh và gia đình đã tìm suốt 12 năm ròng. Đã cày nát từng cánh rừng, dò tìm từng dấu vết dù là nhỏ nhất. Đồng chí Cốt là Chính trị viên đại đội nên được chôn cất vào hòm đạn đại liên bằng kẽm, khi tìm thấy vẫn còn toàn bộ xương và một số kỷ vật. Tìm được hài cốt đồng đội, vị tướng òa khóc như một đứa trẻ. Đó là khi gánh nặng lương tâm vơi dần. Nhiều người khuyên ông: "Già rồi lại thương tật đầy mình nữa, nên ở nhà để lớp trẻ đi tìm". Ông dứt khoát: "Tôi là người đi ra từ cuộc chiến, nếm mật nằm gai trên từng mặt trận, là người nắm rõ nhất vị trí đồng đội ngã xuống. Tôi còn sống ngày nào thì còn phải đi".

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh hồ hởi cho biết: "Ngày 28/4/2013, Trung tâm thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tiến hành khai quật hố chôn 164 liệt sĩ Trung đoàn 165, Sư đoàn 7 hy sinh tháng 8/1967 tại cứ điểm biệt kích Tống Lê Chân trên địa bàn huyện Tân Châu (Tây Ninh), đã đưa tất cả về nghĩa trang TP HCM an nghỉ. Giờ thì anh em đều có danh phận, có tên tuổi trên bia Tổ quốc ghi công, chắc họ ấm lòng lắm".  

Hỏi ông bây giờ còn điều gì trăn trở nhiều nhất? Ông nghẹn ngào bảo rằng: "Còn hai đồng chí năm xưa được cử đi chôn tôi và cứu sống tôi. Họ hy sinh rồi nhưng tôi vẫn chưa thể tìm được họ nằm nơi nào để đưa về quê hương. Lúc nào tôi cũng thấy mắc nợ anh em".

Ngọc Thiện
.
.
.