Oan trái tận cùng của bi kịch

Thứ Tư, 18/05/2016, 11:24
Đến hôm nay, sau những ngày vụ án "Quán Xin chào" ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh nóng ran trên các mặt báo, ông Nguyễn Văn Tấn có thể ngẩng cao đầu vì không còn bị mang tiếng là người phạm tội sau khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ. Những người thi hành công vụ liên quan đến vụ án cũng đã bị đình chỉ công tác để kiểm điểm rõ trách nhiệm và sai phạm của họ.


Tôi tin rằng, trong suốt thời gian vụ án bị khởi tố đến khi có cáo trạng truy tố ông Tấn từ những chứng cứ rất "kỳ quặc" đó, ông không có một ngày ngon giấc. Không chỉ ông mà vợ con ông cũng phải trải qua những ngày tháng mệt mỏi, buồn phiền.

Bản thân ông cũng như nhiều người khi bị cuốn vào vòng tố tụng chỉ biết im lặng bởi sự thanh minh, tự bảo vệ mình của ông không được người ta quan tâm, thừa nhận. Nhiều người nói đùa, nếu ông Tấn phạm tội đi tù thì không biết một ngày chúng ta có bao nhiêu người phạm tội kiểu này, bởi nói không ngoa, tại các thành phố hay khu đô thị lớn, ra đường là gặp hàng phở, hàng cà phê. Và trong số những hàng quán đông vui nhộn nhịp ấy, có bao nhiêu chủ quán chấp hành đúng quy định của pháp luật, bao nhiêu nhà hàng chưa có đủ các thủ tục kinh doanh?

Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào - nạn nhân của một vụ án bị hình sự hóa.

Rất may, vụ án đã được sáng tỏ trên báo chí và đang đi vào hồi kết. Ngoài việc đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, ông Tấn còn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại về vật chất do tổn hại về sức khỏe… theo đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình tiến hành bồi thường, nếu hai bên không thống nhất các khoản thương lượng, ông Tấn có quyền khởi kiện đến tòa dân sự với tư cách nguyên đơn để có được mức bồi thường ông cho là thỏa đáng. Tất nhiên, đó là câu chuyện sau này và chúng tôi hoàn toàn không mong muốn vụ án bị kéo dài theo chiều hướng đó.

Không chỉ ông Tấn, từ ngày Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có hiệu lực và sau này là Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước đi vào cuộc sống, hàng trăm người đã được minh oan. 

Cơ quan tố tụng làm sai phải bồi thường và xin lỗi người bị oan trên báo, tại địa phương nơi người bị oan cư trú. Tất nhiên, người bị oan sẽ được phục hồi danh dự và cộng đồng sẽ nhìn họ với ánh mắt thiện cảm hơn. Đó là với những người còn sống, còn với người đã chết, họ đã không thể chờ đến ngày được minh oan và khi nhắm mắt lìa xa trần thế, họ vẫn phải ôm nỗi oan khiên đó xuống tận nấm mồ.

Lùi lại một chút vào thời điểm năm ngoái, chúng ta hẳn sẽ không thể quên những vụ án oan sai gây chấn động dư luận. Đó là trường hợp ông Huỳnh Văn Nén, người đã chấp hành án tù oan gần 17 năm trong vụ án giết bà Nguyễn Thị Bông ở xã Tâm Minh, Hàm Thuận, Bình Thuận. Nếu người xưa có câu "Một ngày tù ngàn thu ở ngoài" thì với bản án 17 năm tù mà ông phải gánh chịu thì nỗi khổ đau của ông và gia đình phải lớn tới mức nào.

Ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị tù oan 10 năm trời.

Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn xảy ra vào năm 2003 nhưng rồi cũng đến ngày những oan khiên của ông được đưa ra ánh sáng. Thời điểm đó, tại thôn Me, xã Nghĩa Hưng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt ông Chấn và cho rằng ông là hung thủ của vụ án. Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, mặc dù ông Chấn một mực kêu oan nhưng vẫn bị quy tội giết người và chịu mức án chung thân. Chỉ đến khi hung thủ vụ án là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú năm 2013, ông Chấn chính thức được minh oan sau khi phải ngồi tù 10 năm trời.

Theo quy định của pháp luật, số tiền mà ông được bồi thường là 7,2 tỷ đồng. Người thì cho đó là một khoản quá lớn, người khác lại nói số tiền này tưởng là lớn nhưng chưa đủ bồi đắp cho 10 năm đằng đẵng trong tù bởi việc ông đi tù là nỗi đau của cả gia đình, cho người mẹ già khổ đau không còn nước mắt để khóc, cho người vợ mong ngóng chồng về từng ngày và những đứa con thơ tủi hờn với một tuổi thơ cơ cực, đắng cay.

Ngoài hai trường hợp điển hình trên, cũng trong năm 2015, người ta nhắc nhiều tới trường hợp của ông Đinh Quang Điền (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng được tuyên bồi thường 2,8 tỷ đồng. Sáu năm trước, ông Điền vay ngân hàng hơn 13 tỷ đồng để mở rộng kinh doanh. Đang trong quá trình làm ăn thuận lợi thì một tai họa từ trên trời ập xuống. 

Tháng 6-2011, từ một lá đơn nặc danh cho rằng ông Điền có hàng loạt hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản trong quá trình kinh doanh sản xuất, VKSND TP Buôn Ma Thuột đã phê chuẩn lệnh bắt ông Điền để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án sau đó được chuyển lên Công an tỉnh nhưng cơ quan này xác định không có cơ sở cấu thành tội phạm đối với ông Điền. Sau 240 ngày tạm giam, VKSND TP Buôn Ma Thuột phải xin lỗi công khai ông tại địa phương nơi ông và gia đình cư trú.

"Oan" trong tiếng Việt được hiểu là bị quy cho tội mà bản thân không phạm, phải chịu sự trừng phạt mà bản thân không đáng phải chịu. Còn "sai" nghĩa thông thường là không đúng, không phù hợp với lẽ phải. 

Trong tố tụng hình sự, một người được coi là "oan" khi bản thân họ không phạm tội nhưng các cơ quan tư pháp xác định họ phạm tội và thực hiện các biện pháp tố tụng gây tổn hại về mặt vật chất, tinh thần với họ (như bắt, giam, phong tỏa tài khoản, cấm đi khỏi nơi cư trú…). 

Còn "sai" trong tố tụng thường thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Người được coi là bị truy tố, xét xử sai khi cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án thiếu khách quan, cũng có thể do mục đích cá nhân của những người thừa hành pháp luật… khiến người bị oan phải gánh chịu những tổn hại nhất định.

Dù chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong hoạt động tố tụng hình sự nhưng những vụ án oan sai luôn được xã hội đặc biệt quan tâm. Tất nhiên, người bị oan sai được minh oan, bồi thường, song dư luận cũng đòi hỏi những người thực thi pháp luật gây ra hậu quả đáng tiếc trên cũng phải chịu sự phán quyết của pháp luật, bởi đó là sự công bằng, điều mà một xã hội pháp quyền cần phải làm.

Trong đời làm báo, tôi có may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với một số người bị tù oan. Điều đầu tiên tôi cảm nhận ở họ là nghị lực sống và niềm tin mãnh liệt vào lẽ phải. Trong những ngày tháng bị giam giữ, họ không hề gục ngã mà vẫn nghĩ tới ngày được đoàn tụ gia đình và bắt tay gây dựng cuộc sống từ đầu. Nếu không có niềm tin ấy, chắc chắn họ đã tìm đến những giải pháp tiêu cực.

Tôi vẫn nhớ lời ông Hoàng Minh Tiến, người đầu tiên của Hà Nội được minh oan theo Nghị quyết 388 sau 10 năm oan trái: Thời gian qua đi, các con tôi trưởng thành hơn, vững vàng trong cuộc sống và tôi cũng già đi, nhưng những tháng năm oan ức đó vẫn còn ám ảnh tôi trong giấc ngủ bởi tôi đã bị xô ngã xuống đáy của bi kịch kiếp người. Mong rằng đừng ai phải rơi vào hoàn cảnh như tôi và nếu số phận đẩy anh vào con đường nghiệt ngã đó, hãy giữ vững niềm tin rằng, mình phải sống để tin tưởng và chờ đợi. Chính điều đó khiến chúng ta phải sống tốt hơn và đừng bao giờ làm điều ác, dù chỉ là trong suy nghĩ.

Nguyễn Tuấn
.
.
.