Ốc đảo buồn giữa 'sa mạc cháy'

Thứ Sáu, 24/04/2015, 10:00
Giữa cánh rừng xơ xác màu cỏ cháy, những ngôi nhà tôn, tranh nhấp nhô, chơi vơi trên triền dốc. Họ không nói được tiếng Kinh, trẻ con phiên dịch cho người lớn, trẻ con trao đổi bán mua với thế giới bên ngoài. Không ở đâu nhiều trẻ con đến vậy. Lời ru của những thiếu nữ chưa một lần biết đến phố thị lặn vào vách núi, thăm thẳm nỗi buồn.
Cách TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hơn 60km, làng Trong (tên gọi làng người Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M'Nga, tỉnh Đắk Lắk) nằm chơi vơi trên những quả đồi trọc, trắng xóa màu đất bạc. Chúng tôi thuê một người bản địa có con xe độc đáo chỉ để vượt rừng. Chiếc xe máy của anh Trần Hùng Mạnh được đôn nòng, tháo dỡ hết khung, yếm. Nó chạy trên đường chẳng khác nào con cào cào bị vặt trụi lông.

Trên đường vào làng, thỉnh thoảng gặp những em bé đen nhẻm, quần áo rách tả tơi còng lưng gùi nước sạch từ ngoài đường nhựa về nhà. Tây Nguyên đang khát cháy, nắng như đổ lửa. Rừng cây xào xạc lá khô, "bà hỏa" nghênh ngang khắp nơi. Dân tình quằn quại trong cơn khát, nhiều nơi đi mua nước ăn còn khó. Đặc biệt làng Mông này, bao đời bám nguồn nước suối, sống chết vì suối.

Nay, dòng suối khô đét, những đứa trẻ trần truồng phơi nắng. Áo mặc mấy ngày không có nước giặt, bụi đất cáu bẩn ba lớp chín tầng. Người lớn bỏ con cái ở nhà đi tìm nước, tìm cái ăn. Những ngôi nhà trống vắng, cửa đóng then cài, trẻ con nháo nhác bốc cơm trộn bắp ăn. Lũ chó khát nước lè lưỡi thở hồng hộc, chẳng thèm ngóc đầu dậy sủa người lạ.

Trẻ em ở làng Mông.

Xe chạy một đoạn đường nhựa thì rẽ vào đường đất ngoằn ngoèo xẻ giữa khu rừng nham nhở vệt cháy. Con "cào cào" chồm trổ đánh vật với đá và ổ voi, cày tung tầng đất bụi dày đến 30cm. Ngoái nhìn phía sau là mảng màu vàng khè, trắng đục, giăng kín bầu trời.  

 Ông Trương Giống (49 tuổi) là một trong hai hộ khá giả nhất của làng sắm được cái máy phát điện chạy bằng xăng, khoan được cái giếng đủ nước nấu cơm và uống. Thế nên, nhìn lũ con cháu của ông có vẻ tươi tắn hơn "bầy trẻ thơ" bên ngoài. Còn lại hơn 30 hộ với trên 200 con người phải lấy nước suối ăn uống. Suối cạn đã hơn một tháng, họ hì hục đào các hố sâu vài mét dưới lòng suối để vét nốt những giọt cuối cùng của mạch nước ngầm. Khi nước ngầm đã hết, người già, trẻ con rồng rắn ra ngoài bìa rừng mua nước. Mỗi lần xuống núi, người nào khỏe nhất cũng chỉ gùi được 10 lít, còn lại chỉ 5 lít là lè lưỡi, è cổ.

Một trong những ngôi nhà nằm chơi vơi trên triền đồi.

Tiếng trẻ con khóc thét trong ngôi nhà tranh rách như xơ mướp, ba đứa trẻ bỏ vội bát cơm đang ăn dở chạy nép vào cột nhà. Phải hỏi đến lần thứ mười mấy, em Sùng Thị Pó mới vạch tấm phên tre ra lơ lớ: "Bố mẹ đi rẫy chưa về". Pó 10 tuổi đang học lớp ba, là chị của 4 đứa em. Đứa nhỏ nhất hơn một tuổi. Pó cho biết, ngày nào bố mẹ cũng đi rẫy, mang cơm theo đến tối mới về.

Bốn chị em Pó đều được đi học, từ lớp ba trở xuống nhưng chỉ có Pó nói được vài câu tiếng Kinh. Nhà Pó nghèo nhất nhì trong làng, đông con lại không có đất đai sản xuất. Một năm phải ăn cơm trộn ngô, sắn mất 4 tháng mùa khô. Chị em Pó chỉ được ăn cơm no vào mùa thu hoạch cà phê (từ tháng 10 đến tháng 12). Pó ở nhà chịu trách nhiệm nấu cơm cho đàn em ăn. Pó học ở ngôi trường trên đồi, nhìn thì gần nhưng đi bộ mất hơn một tiếng mới tới.

Có một kỷ lục mà chưa nơi nào sánh được là sự đẻ ở làng Mông này. Đôi vợ chồng nào trẻ nhất cũng phải ở mốc 4 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhà nào nhiều đã vượt ngưỡng chục. Ở đây, không ai bảo ai, cứ mạnh ai nhà đấy đẻ, đẻ như gà như vịt. Ông Trương Giống đang dẫn đầu làng về số lượng "công chúa". Sinh đến đứa thứ 9 mà vẫn chưa tìm được "người thay bố".

Trong thâm tâm ông Giống vẫn muốn sinh đến khi nào có con trai thì mới thôi, nhưng bà vợ đã già, hết tuổi sinh nở. Cứ nghĩ đến dòng tộc tuyệt tôn, ông Giống buồn ra mặt. Người đàn ông này thật thà cho biết: "Vẫn biết đẻ nhiều không có gì cho con ăn, rồi còn đi học nữa. Nếu kiếm được "người thay bố" thì mình cũng chỉ đẻ đến đứa thứ 3 thứ 4 là dừng".

Gái trai chưa kịp lớn đã lấy chồng, rồi chưa kịp lớn đã sinh con. Cô gái H'Liu chưa bước qua tuổi 16 đang chuẩn bị làm mẹ, còn anh chồng là K'Tơ thì mặt búng ra sữa, đầu nhuộm vàng khè. Chạy xe máy phải nhón chân mới tới yên. Vợ chồng H'Liu không có đất sản xuất, kiếm sống bằng nghề bẫy chim.

Trong ngôi nhà tranh nhuộm đen bồ hóng của H'Liu, ngoài mấy bộ quần áo nhuộm đất, vài cái nồi đen xì nhọ than, còn lại toàn chim, vẹt và gà con. K'Tơ tự hào là "kỳ thủ" bẫy chim ở làng này. K'Tơ bẫy chim sơ sinh bằng cách trèo lên ngọn cây bốc cả ổ chim non. Cây nào nhỏ, yếu, tổ chim làm cao không thể trèo được thì K'Tơ chặt gốc, tổ chim rơi xuống đất, con nào sống thì K'Tơ mang về nhà nuôi, huấn luyện tầm một tháng thì mang ra chợ huyện bán.

Ông Giống và hai mẹ con cô con gái thứ 3.

 Không ra ngoài xã hội, không biết cách phòng tránh thai nên vợ chồng nào cũng đẻ "xả phanh". Sùng Pá mới 26 tuổi đã sở hữu 5 mặt con, đứa nào đứa đấy lít nhít, hơn nhau nửa cái đầu. Chúng nhem nhuốc, bẩn thỉu, trần truồng bò lăn bò lốác vẫy vũng đất cát ngoài sân. Có đứa nấm đầu tóc rụng trọc lóc, mũi dãi thò lò, mặt phơi ra nắng. Người lớn đa phần là mù chữ nên họ ngày càng mặc cảm với thế giới văn minh.

Hễ mua bán gì là đèo con đi phiên dịch. Sùng Pá gãi đầu ngượng ngùng khi hỏi về biện pháp tránh thai: "Mấy dân tộc khác họ có lá tránh thai chứ đồng bào mình không biết đâu. Có vài lần người ngoài xã vào cho thuốc và dạy cách tránh thai nhưng khó học lắm, không quen đâu. Thôi kệ, con của mình thì mình cứ nuôi, trời cho mà".

Ông Giống nói tiếng Kinh không sõi, phải có đứa con gái ngồi cạnh phiên dịch. Năm 1998, ông Giống dắt vợ con từ Ba Bể (Bắc Kạn) vào Tây Nguyên, lùng tìm một tuần mới kiếm được vùng đất gần suối để gieo trồng hoa màu. 16 năm về trước, nơi này là những khu rừng hoang sơ, đầy dấu chân voi và các loài thú. Cùng với gia đình ông Giống còn có mấy cặp vợ chồng di cư từ phía Bắc vào lập lán án ngự trên các quả đồi. Lúc đầu không có gạo, họ đi bẫy thú rừng về ăn thay cơm. Sau phá rừng trồng được ngô, lúa thì cuộc sống đỡ đói, cũng là lúc dân số gia tăng không phanh.

Với vốn tiếng Kinh bập bẹ, ông Giống thường mang lúa, ngô ra ngoài huyện, thậm chí có lần lên tới thành phố bán đổi dầu ăn, mắm muối. Vì thế, nhà ông Giống được xem là văn minh nhất làng. Cả chín đứa con của ông đều được đi học, cao nhất đến lớp 7 và đều có khả năng nghe, nói được tiếng Kinh. Đến nay, ông đã cho đi lấy chồng được 4 cô, trong đó 3 cô xuôi chèo mát mái.

Còn cô thứ 3 năm nay 23 tuổi là hẩm hiu hơn cả. Cô bị thằng người yêu ở tận Đắk Nông lừa. Biết cô có bầu, nó "bỏ của chạy lấy người", rồi biệt tăm. Ông Giống lặn lội mò lên tận nhà để bắt đền, nhưng nhà nó đến gạo ăn còn không có thì lấy gì bắt đền. Bố mẹ nó mới nghe phong phanh nhà gái sẽ trả con đã hồn bay phách lạc, tìm cớ chối phăng.

Ông Giống đưa con về, đi làm giấy khai sinh cho thằng cháu lấy họ mình. Rít hơi thuốc thật dài thay cho tiếng thở não nề, ông Giống bảo: "Vì chúng nó sống với nhau không đăng ký kết hôn nên giờ chẳng thể làm gì. Tất cả mấy đứa con của tôi đều vậy, có đứa hai con rồi mà vẫn không đăng ký được. Chỉ vì cái hộ khẩu. Làng này chưa ai có hộ khẩu, sống không có danh phận, không làm được việc gì cả".

Làng có một điểm trường dạy bậc tiểu học, trẻ con đến tuổi đều được kêu gọi đi học. Nhưng học thì phải đóng tiền cho cô giáo nên cũng chẳng thấy phụ huynh hào hứng cho con đi tìm cái chữ. Bố mẹ chúng bảo: "Học cũng có ra khỏi cái núi này đâu. Con gái đến tuổi thì lấy chồng, con trai thì lên rẫy. Chỉ có lúa, ngô mới làm no cái bụng".

Số học sinh ít ỏi có điều kiện vượt rừng ra xã học phải đạp xe từ 5h sáng. Mùa khô suối cạn chỉ cần vác xe đạp qua, chứ mùa mưa vượt sông bằng bè nổi thì phải mang quần áo theo để qua sông thay. Hôm nào mưa to nước chảy xiết, bè trôi thì nghỉ học. Năm ngoái mưa to liên tục nhiều ngày, nước suối dâng tràn vào làng, cuốn hết hoa màu, cuốn trôi bè và một cây cầu gỗ, dân trong làng mất gần một tháng mới ra ngoài được.

Những ngày ấy, chỉ ở nhà húp cháo cầm hơi, ốm đau nằm chờ thần chết đến bắt đi. Học sinh cấp hai không đến trường học được, thầy cô giáo biết chuyện không phạt, nhưng nghỉ học nhiều quá các em không theo kịp chương trình. Nhiều đứa chán nản, thế là bỏ học. Lịch sử làng Mông mấy chục năm qua chưa có em nào vượt qua được cấp II. 

Được biết, chính quyền địa phương đã vận động đưa đồng bào ra ở tập trung ngoài đường nhựa cách trung tâm xã Ea Kiết vài cây số nhằm tạo điều kiện để họ tiếp cận văn minh. Nhưng chỉ những hộ đã bán hết đất đai mới đi, còn lại cương quyết không chịu ra với lý do đơn giản: "Ra đó đồng khô cỏ cháy, không có đất sản xuất thì lấy gì ăn".

Chỉ thời gian ngắn "ngồi tựa cửa ngáp ruồi", bà con "văn minh" rủ nhau lũ lượt bỏ nhà bắt đầu quay về rừng tìm cái ăn. Cứ thế, bao nhiêu năm rồi, vòng xoáy mù chữ, đói nghèo vẫn bám riết lấy những con người không danh phận.

Ngọc Thiện
.
.
.