Ốc đảo không chính quyền

Thứ Sáu, 17/07/2015, 08:00
Cách trung tâm xã gần 10km, khu dân cư Vĩnh Ninh (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) có 48 hộ gia đình với khoảng 200 nhân khẩu. Đã sinh sống ổn định ở đây mấy chục năm trời, thế nhưng đến nay, khu dân cư Vĩnh Ninh (thường gọi là xóm Trại) vẫn chưa được xác nhận địa giới hành chính, chưa được cấp giấy sử dụng đất và chưa được công nhận là khu hành chính thuộc xã.

Thế nên đến tận năm 2015, xóm Trại vẫn chưa được đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu, người dân phải sống trong cảnh không điện, không nhà trẻ, nhà mẫu giáo, không được hưởng các chế độ phúc lợi của nhà nước, dù số hộ nghèo chiếm đến 38%...

Đất thuộc huyện này, người lại thuộc huyện khác

Hầu hết bà con xóm Trại đều từng là công nhân của lâm trường Vĩnh Ninh (nay là Công ty Lâm trường Lập Thạch, thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam). Những năm 60 của thế kỷ trước, đội lâm trường của Công ty Lâm trường Lập Thạch được giao nhiệm vụ khai thác gỗ để phục vụ việc làm đường tàu hỏa. 

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhiều người trong đội đã tình nguyện ở lại vùng rừng núi hẻo lánh này để khai hoang, lập nghiệp. Thế nhưng, mấy chục năm sau, cuộc sống của họ cùng đàn con cháu vẫn đầy thiếu thốn. Không điện đóm, không trường học, không trạm y tế. 

Trưởng xóm Trại – ông Nguyễn Trọng Loan tưng tửng: Thiếu thốn đủ bề nên người dân quanh đây vẫn gọi là xóm ốc đảo hoang. Nhưng phần lớn có lẽ là vì ở cái xóm Trại này, người ta chia thế nào mà đất một nơi, người một nẻo, nên là vừa như cái kiểu cha chung không ai khóc, lại vừa bên này muốn làm cái gì thì cũng lại vướng… bên kia.

Bao năm nay, anh Đào Mạnh Ngọ vẫn cứ hoang mang “không biết là về đâu cả”. Xóm Trại nằm trong hẻm núi sâu xa nhất, và chẳng có cái gì cả. Điện lưới quốc gia không có, các hộ dân phải chung nhau mua rồi đặt tua-bin nước ngoài con suối cách khu dân cư mấy cây số để lấy ánh sáng. Mỗi máy 9-12 triệu đồng mà chỉ đủ cấp điện cho 3-5 hộ dân. Của một đống tiền phải mang ra suối đặt, thế mà điện cũng chẳng… ra điện, đến cả đèn thắp sáng cũng cứ chập chờn, lúc sáng bừng, lúc lại lom đom như đèn dầu. Tua-bin đặt ngoài suối nên nguồn điện hoàn toàn phụ thuộc vào dòng nước. Riêng mấy tháng mùa khô, suối cạn, nước không đủ để quay tua-bin, thế là mấy chục hộ đều chung cảnh đèn dầu.

Bà Nguyễn Thị Thiện thì bảo: Thiếu điện là kéo theo thiếu thốn đủ đường, ảnh hưởng đến cuộc sống, không cắm được cơm điện thì nấu cơm bếp củi được, nhưng thương nhất và thiệt thòi nhất là các cháu nhỏ vì không có điện mà tối đến phải thắp đèn dầu để học bài. 

Mà mùa mưa, nước suối có cao hơn thì bà con vẫn phải dành một phần nước ấy cho sinh hoạt. Có đến gần bốn mươi ống nhựa bắt trực tiếp vào suối để bà con dẫn nước về nhà. Ấy là còn chưa kể mấy năm trở lại đây, nguồn suối của bà con xóm Trại đã ô nhiễm hơn nhiều so với ngày trước. 

Mùa khô thì suối cạn trơ đáy, mỗi ngày, mỗi nhà chỉ được vài gánh nước ăn và có khi phải chờ đến tận tối mịt mới gánh được nước về. Vì dùng nước suối nên năm nào cũng có người dân xóm Trại bị sốt rét hay tiêu chảy, nhưng vẫn phải dùng vì không thể trông chờ vào nước mưa.

Mới chỉ ba năm nay thôi, một con đường được đầu tư xây dựng quanh đập Vĩnh Ninh, đường được mở vào xóm Trại nên việc đi lại của bà con mới bớt khó khăn. Chứ trước đây, khi chưa có đường vành đai này, cuộc sống của người dân xóm Trại gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Những hôm trời mưa, đường đất trơn trượt không thể đi được, các cháu nhỏ phải nghỉ học.

Đói ăn không bằng đói chữ

Xóm Trại chỉ có 48 hộ nhưng có đến 18 hộ thuộc diện nghèo. Ví như gia đình ông Phan Văn Hiến, tất cả chỉ dựa vào hơn 400m2 vườn trồng mấy loại rau, 4 con gà mái đẻ trứng, 15 con thỏ nuôi lấy thịt, thu nhập mỗi tháng khoảng 300.000 đồng. 

Quê ông Hiến ở Hà Tĩnh, ông sắp 80 tuổi và đã ở xóm Trại hơn 30 năm. “Ngôi nhà” của ông tứ bề vách đất đất lở lói, mái che nilon chằng chịt xen lẫn với mái lá cọ thủng toang hoác nhìn rõ cả bầu trời. Hễ trời đổ mưa là giữa nhà lại sũng sĩnh mấy vũng nước lầy lội. Cứ tối tối là ông lại mang cái đèn dầu ra khêu thêm bấc. Từ ngày ở lại đây lập nghiệp, ngôi nhà tuềnh toàng của ông chưa từng biết ánh điện là gì, và đặc biệt, nhà ông không mấy khi có khách nào ngoài bà con xóm Trại, vì “chẳng ai mò đến cái ốc đảo này làm gì”.

Hộ đơn thân nhà bà Nguyễn Thị Đào còn thảm hơn. Ngoài những cái “không” mà cả xóm Trại cùng có, bà Đào còn không chồng, không con cái, không người chăm sóc, là công nhân lâm trường nhưng bà không có lương hưu. Vì ngày trước bà đã xin lĩnh tiền một lần rồi về hưu, số tiền chỉ đủ để dựng cái nhà vách cốt tre là... hết. 

Hơn 60 tuổi, bà Đào vẫn kiếm cơm bằng việc đi bế con thuê cho các hộ xung quanh, công sá chẳng được mấy đồng vì cả xóm đều nghèo, ruộng thì bà không có nên bữa no, bữa đói. Năm 2013, bà Đào xin trợ cấp xã hội theo diện người nhà neo đơn, ông Loan đã gửi đơn lên UBND xã Đạo Trù, nhưng cũng vì những bất cập trong quản lý mà trường hợp của bà Đào đến giờ vẫn chưa được giải quyết.

Xóm Trại có gần hai trăm nhân khẩu, hầu hết đều có thu nhập khoảng 3.000đ/người/ngày, “mức thu nhập này còn lâu mới đến… chuẩn nghèo” (mức chuẩn nghèo cho khu vực nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng kể từ ngày 1/1/2011) - ông Loan chua xót nói - “Cái ăn đói, nhưng cái con em còn đói hơn, ấy là cái chữ”. 

Rồi ông giở sổ và đếm, cả xóm duy nhất có một cháu học cao đẳng, 2 cháu học cấp 3; 27 cháu học cấp 1, cấp 2. Xóm không có trường lớp gì cả. Cứ lứa con em nào chuẩn bị vào lớp 1 là bà con gửi cả vào cái lớp xóa mù chữ của bà Trần Thị Chữ. Tiếng là lớp học chứ bàn ghế ọp ẹp, mục nát lâu rồi, vì nó đã tồn tại đến ba chục năm nay. Bà Chữ rưng rưng: “Tôi mở lớp để bổ túc cho các cháu không được học mẫu giáo đủ điều kiện vào lớp 1. Giờ tôi hơn 60 tuổi rồi, không biết còn duy trì lớp học giúp các cháu được bao lâu nữa. Mà khó khăn của dân xóm Trại thì ai cũng biết…”.

Bao năm nay, anh Đào Mạnh Ngọ vẫn hoang mang không biết rồi mình sẽ đi đâu, về đâu - Với mức thu nhập bình quân 3.000đ/người/ngày, ông Trưởng xóm Nguyễn Trọng Loan bảo “còn lâu mới đến chuẩn nghèo”.

Muốn làm gì cũng… vướng

Chủ tịch xã Đạo Trù, ông Lại Xuân Thủy rất thẳng thắn: Nguyên nhân là sự bất cập về công tác quản lý địa giới hành chính và con người. Nói dễ hiểu là xóm Trại được chia ra theo kiểu “đất một nơi, người một nẻo” - xã Đạo Trù chỉ quản lý về mặt con người, còn đất đai lại thuộc quản lý của Lâm trường Lập Thạch. Vì thế mà địa phương có muốn đầu tư điện, đường, trường, trạm thì phải có sự đồng ý của phía Lâm trường Lập Thạch. Thế nhưng, hai bên hầu như không có sự đồng thuận nào nên quản lý và đầu tư xây dựng cơ bản là rất khó khăn.

Ông Trần Thái Sơn - Chánh Văn phòng UBND huyện Tam Đảo cũng giãi bày: Khu dân cư Lâm trường Vĩnh Ninh là một vấn đề nhức nhối, làm đau đầu các nhà quản lý nhiều năm nay. Phần đất đai của khu dân cư hiện vẫn do Lâm trường Lập Thạch quản lý nên Tam Đảo khó có thể triển khai các chính sách đến người dân như đất sản xuất, cấp sổ đỏ, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội… Đặc biệt, nguồn điện là vấn đề bức thiết nhất. 

Huyện đã nhiều lần tới khảo sát nhưng do muốn xây dựng đầu tư hạ tầng vào đây phải được sự cho phép của lâm trường. Nhưng sau nhiều lần làm việc, phía lâm trường vẫn chưa đồng ý cho chính quyền sử dụng phần diện tích đất này. Phương án “hạ sơn” cho người dân cũng đã được nghĩ tới, nhưng do quỹ đất của địa phương không còn nên khó thực hiện được.

Công ty Lâm trường Lập Thạch thì dứt khoát: “Đất trồng rừng không thể bàn giao cho địa phương được. Công ty chỉ có thể hỗ trợ người dân chi phí vận chuyển khi di dời ra một khu vực khác, chứ không phải là xây dựng một khu tái định cư khác cho người dân. Đó là việc của địa phương” - ông PGĐ Lâm trường Nguyễn Khắc Thực nói. 

Cứ bên này vướng bên kia, hai bên không tìm được tiếng nói chung như thế nên bao năm nay, xóm Trại vẫn chưa một lần được công nhận là địa giới hành chính cấp xã, cứ đất một nơi, người một nẻo suốt mấy chục năm trời. Ba, bốn thế hệ người dân xóm Trại vẫn cứ hoang mang không biết rồi mình sẽ đi đâu, về đâu? Cuộc sống và cả tương lai của con cái mình rồi sẽ thế nào…

Nguyên An
.
.
.