Ðừng bôi bẩn lên những “tờ giấy trắng”!

Chủ Nhật, 06/11/2016, 13:49
Môi trường sống mà gần gũi nhất là gia đình luôn có tác động rất lớn đến những “trang giấy trắng” là trẻ nhỏ. Nếu đó là những thói quen tốt, đứa trẻ sẽ có nhiều cơ hội học hỏi, noi theo. Ngược lại, nếu là những thói quen xấu, chắc chắn chúng sẽ bị tiêm nhiễm và thực hiện như một cách để thể hiện “cái tôi” của mình.

1. Cha mẹ nào cũng vậy, khi đứa con họ cất tiếng khóc chào đời, họ luôn mơ ước sau này con mình sẽ khỏe mạnh, đẹp đẽ, học giỏi, thành đạt, được đặt chân đến những vùng đất văn minh mà họ chưa có cơ hội đến đó… 

Thời gian qua đi, đứa trẻ lớn dần, những ước mơ cũng thực tế hơn bởi họ hiểu rằng, để nuôi dạy một đứa trẻ là việc không hề dễ dàng. Cha mẹ yêu thương, quan tâm, chăm sóc con chưa đủ, những đứa trẻ luôn cần một mái nhà ấm áp mà ở đó, cha mẹ là những tấm gương mẫu mực để chúng soi vào.

Sẽ thật bất hạnh cho những em ngay từ nhỏ đã phải xa rời vòng tay thương yêu đó. Người lớn luôn ích kỷ cho rằng họ có quyền chọn một cuộc sống theo ý thích của họ và những đứa con họ dứt ruột đẻ ra sẽ lớn, sẽ hiểu và sẽ thông cảm cho cha mẹ. 

Song, họ không biết rằng, ngay từ lúc đó, một vết sẹo đã hằn sâu trong tâm hồn trẻ. Tất nhiên, chúng sẽ lớn, nhưng sự tổn thương do chính cha mẹ gây ra khiến chúng luôn bị hụt hẫng, chao đảo, mất phương hướng trong một thời gian dài.

Nhiều lắm. Những đứa trẻ sa ngã có điểm xuất phát từ những bi kịch gia đình ấy rất nhiều. Nhất là những năm gần đây, khi đời sống xã hội ngày càng có những diễn biến phức tạp, con người luôn bị cuốn vào những nhu cầu vật chất và mối quan hệ giữa con người với con người cũng ngày càng lỏng lẻo, vô cảm hơn.

Một phiên tòa có nhiều bị cáo chưa thành niên.

Nguyễn Văn Hiếu là một đối tượng hình sự nguy hiểm vừa bị Cơ quan điều tra bắt mới đây có một bi kịch như thế. Sinh năm 1983, hộ khẩu thường trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội nhưng hình như lâu lắm rồi, những người hàng xóm đã quên sự có mặt của Hiếu trong ngôi nhà đó. 

Khi 10 tuổi, bố mẹ Hiếu chia tay. Một đứa trẻ sẽ như thế nào khi vào một ngày buồn bã, nó không còn được bố mẹ yêu thương, chăm sóc mỗi ngày. Chán đời, đứa trẻ đó bỏ học và rất nhanh gia nhập vào đội quân bụi đời. 

Những người anh trong giới giang hồ đã “dang rộng” vòng tay để đón nó bởi nhìn thấy ở nó “tố chất”của một lưu manh chuyên nghiệp. Họ sẵn sàng nuôi ăn, nuôi chơi và truyền cho nó tất cả những thủ đoạn, mánh khóe của đám bụi đời, lưu manh. Và để “trả công” những người anh đó, Hiếu buộc phải trở thành kẻ trộm cắp, cướp giật, lừa đảo ngay khi còn nhỏ tuổi. 

16 tuổi, Hiếu đi trại lần đầu tiên vì bị TAND quận Cầu Giấy xử phạt 25 tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Vừa ra trại được vài tháng, Hiếu tiếp tục bị TAND quận này phạt 15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. 

Chưa hòa nhập cộng đồng được bao lâu, năm 2005, Hiếu lại bị bắt về tội cướp và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, án 8 năm tù. Chưa hết, năm 2012, Hiếu đi cướp giật và lại bị bắt, án phạt 7 năm tù. Tháng 6-2015, do căn bệnh AIDS phát tác, Hiếu được Trại giam cho hoãn thi hành án để về chữa bệnh.

Trước khi bị Công an quận Hoàng Mai bắt về tội cướp tài sản, Hiếu thuê nhà ở một chung cư thuộc khu đô thị Linh Đàm, sống với một cô gái trẻ từ vùng núi phía Bắc xuống Hà Nội làm thuê. 

Một ngày cuối tháng 9-2016, cô gái giận dỗi xách valy bỏ đi. Khi cô gái đi một đoạn thì gặp chiếc xe taxi do anh Phạm Lương Đông điều khiển. Vừa lúc đó, Hiếu cũng đi tới và bất ngờ đấm mạnh vào mặt anh Đông khiến anh bỏ chạy. Hiếu mở cửa xe của Đông, thấy trên ghế phụ có máy Ipad và chiếc điện thoại Iphone đang cắm dây sạc. Hiếu tiện tay lấy tất, rút luôn chìa khóa chiếc ô tô và bình thản đi về nhà cất giấu các đồ đạc vừa cướp được. Chiều cùng ngày, Hiếu bị bắt giữ cùng tang vật vụ án.

Vậy đấy. Hành trình từ một đứa trẻ đến kẻ phạm tội của Hiếu rất ngắn. Sau mỗi lần có thêm tiền án, tiền sự, con người ấy ngày càng chai sạn, càng bất chấp và dường như không thể hoàn lương được. Ở một nơi xa xôi, cha mẹ của kẻ phạm tội này có còn nhớ tới đứa con mình sinh ra không và có thể tưởng tượng được bi kịch mà nó phải gánh chịu từ cuộc đổ vỡ phải đánh đổi bằng chính cuộc đời nó?

2. Cha mẹ đứt gánh giữa đường là mắt xích đầu tiên dẫn tới hàng loạt hệ lụy mà con trẻ phải gánh chịu sau này. Rất nhiều nghiên cứu, khảo sát cho thấy tỷ lệ ly hôn không ngừng tăng lên suốt những thập kỷ vừa qua. 

Qua những nghiên cứu này, các nhà khoa học Mỹ đã tổng hợp và đưa ra những hệ lụy mà con trẻ phải chịu phổ biến là 7 hệ lụy sau: Hút thuốc lá sớm hơn; Khả năng học toán và giao kết xã hội kém; Dễ bị bệnh; Tăng khả năng bỏ học; Xu hướng phạm tội tăng; Tăng khả năng ly hôn sau này và nhiều nguy cơ chết sớm.

Trong số những hệ lụy vừa nêu, tôi đặc biệt quan tâm tới việc cha mẹ ly hôn khiến cho xu hướng phạm tội của con cái gia tăng. Khi những đứa trẻ buộc phải sống tự lập, chúng mất dần cảm giác được yêu thương, che chở và trong lòng tràn ngập sự nghi ngờ với các mối quan hệ xã hội cho dù có người có những ý định tốt đẹp với chúng.

Công ty Luật Mishcon de Reya (Anh) mới đây đã khảo sát 2.000 người có cha mẹ ly hôn. Kết quả nghiên cứu không hề đưa ra bất cứ dấu hiệu khả quan nào. Trong số các đối tượng được phỏng vấn có tới 42% chứng kiến những trận cãi vã, 49% phải chịu trách nhiệm an ủi cha mẹ, 24% chỉ được chọn sống với hoặc bố hoặc mẹ, 10% quay sang con đường phạm tội và 8% từng tìm tới cái chết như một sự giải thoát.

3. Môi trường sống mà gần gũi nhất là gia đình luôn có tác động rất lớn đến những “trang giấy trắng” là trẻ nhỏ. Dù muốn hay không, sự lặp đi, lặp lại những thói quen của người lớn đến một lúc nào đó sẽ ngấm vào tâm hồn đứa trẻ. Nếu đó là những thói quen tốt, đứa trẻ sẽ có nhiều cơ hội học hỏi, noi theo. Ngược lại, nếu là những thói quen xấu, chắc chắn chúng sẽ bị tiêm nhiễm và thực hiện như một cách để thể hiện “cái tôi” của mình.

Sẽ không có gì ngạc nhiên khi đứa trẻ sống trong các gia đình có bố mẹ hoặc người lớn khác có hành vi thiếu văn hóa, lối sống vô đạo đức, nói tục, chửi bậy, không có ý thức cộng đồng và thậm chí có cả những hành vi phạm tội thì những gương xấu này sẽ làm các em dần dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói xấu, dễ bị lôi kéo rồi dẫn tới đồng lõa với hành vi phạm pháp.

Bên cạnh những gia đình chiều chuộng, quan tâm con cái một cách thái quá lại có những gia đình bố mẹ thiếu hiểu biết hoặc khả năng kiềm chế kém nên đã coi việc hành hạ, đánh đập hoặc dùng nhục hình với trẻ như là quyền của họ. Nghĩa là tôi đẻ nó ra thì tôi có quyền. Tôi làm gì với con tôi là quyền của tôi, người khác không được can thiệp. Khi trẻ có lỗi, cha mẹ đánh; khi cha mẹ buồn bực, lo lắng cũng trút đòn roi lên đầu con cái; khi người cha uống rượu say về, mất khả năng điều khiển hành vi cũng lôi con ra đánh…  

Nhiều đứa trẻ bị bạo hành trong hoàn cảnh đó đã mặc cảm, luôn cho rằng bố mẹ không còn yêu thương và bảo vệ mình nữa. Chính cách xử sự này của bố mẹ đã khiến trẻ bị khủng hoảng tâm lý, tự ti, nhiều em trở nên hung hãn, lì lợm, xa lánh mọi người và căm ghét gia đình. Trong sự bế tắc đó, trẻ dễ bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng, khống chế thực hiện những hành vi trái pháp luật, phổ biến là các hành vi trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, cá biệt có em phạm tội giết người, cướp tài sản.

Hãy yêu thương và lớn cùng các con - đó là thông điệp giản dị nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa giáo dục khi mong muốn con mình được phát triển toàn diện trong một môi trường hài hòa. Và mỗi tổ ấm sẽ chỉ hạnh phúc thật sự khi những đứa con ngày càng hoàn thiện nhân cách, trưởng thành mỗi ngày.

Vài con số

Theo số liệu của Ban chỉ đạo Ðề án IV “Ðấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên”, thì trong vòng 6 năm (2007 - 2013), trên cả nước đã phát hiện 63.600 vụ án hình sự do trẻ vị thành niên gây ra, với 94.300 đối tượng là trẻ vị thành niên phạm tội, tăng gần 4.300 vụ án so với 6 năm trước đó (2000 - 2006).

Nguyễn Tuấn
.
.
.