Ðừng để chuyện tày quầy...

Thứ Sáu, 24/03/2017, 16:41
Lập lại trật tự đường phố, cứ như một cao trào cách mạng, giành lại vỉa hè về chân người đi bộ, quyết liệt, đồng khởi đều khắp, phối hợp các lực lượng tấn công vào cái thói ngang nhiên chiếm đường công làm chốn kiếm lợi riêng…

Đợt sóng cách mạng vỉa hè, lòng lề đường chưa từng có này được đông đảo nhân dân ủng hộ, chung tay vun đắp, dù đâu đó, đôi khi còn vài điều… “quan ngại”.

Vỉa hè, sinh ra đồng thời lúc bắt đầu xây dựng đô thị, với chức năng, nhiệm vụ phục vụ người đi bộ. Đâu cũng vậy thôi, nhưng ở ta vỉa hè được “vận dụng sáng tạo”, biến hóa đến biến thái, nên bị choàng lên người biết bao công năng vô thường khác.

Chưa ở đâu nhiều xe máy như ở Việt Nam là ấn tượng mạnh với du khách nước ngoài mới đến. Và như lẽ đương nhiên, vỉa hè là một nơi xe máy ghé, lách, ghếch, nằm chềnh ềnh…

Lề đường bị lấn chiếm nên người đi bộ phải đi xuống lòng đường.

Tấp mua vài thứ lặt vặt, leo lề, ghé uống ly café, ghếch thả xe ngang ngửa, chạy ngược chiều một khúc, lượn lên vỉa hè cho thoáng… là những thói quen thường ngày của xe máy.

Vỉa hè gánh nhiều thứ, từ cửa hàng nống ra, lập bãi giữ xe, bán hàng nhanh, đến chợ cóc tranh thủ lúc tan tầm. Quản lý vỉa hè, cứ như lời than của ông chủ quán già nọ, có cả “công lực đỏ” và “xã hội đen”. Còn một quan chức thừa nhận đến 80% có một lực lượng “đứng đằng sau”.

Món ăn đường phố Việt có tiếng. Và người bán thì vô tư trình diễn khói lửa trên hè, quạt chả, nướng sườn, quảng cáo bằng thị thính… Nhiều nơi, khách vòng quanh xúm xít, chen chân còn khó, người đi bộ chỉ còn cách lảng xa, lách xuống đường chiếm tạm lối của xe máy, ô tô.

Kể cả ngày không hết các hình thức rất “nhanh nhạy với thị trường” của người bán hàng trên vỉa hè, sáng trưa chiều tối mỗi buổi mỗi kiểu…

Vỉa hè, cũng giống như đất đai, ai cũng hiểu là sở hữu toàn dân và ai cũng cố tranh thủ thực hiện quyền “làm chủ tập thể” theo cách riêng của mình. Của riêng thì giữ bo bo, của công thì thả cho bò nó ăn, câu các cụ xưa nay vẫn là cách nghĩ chung.

Rồi bỗng một hôm nhận ra vỉa hè nát bươm, vừa chợ vừa quán, hằm bà lằng đủ thứ, người đi bộ, vốn là chủ vỉa hè, bị đẩy xuống lề làm kẻ bon chen.

Từng có biết bao chiến dịch ra quân lập lại trật tự đô thị. Ồn ào, tiền hô hậu ủng, lên tivi, báo chí ỳ xèo, với quyết tâm sắt đá làm cho bằng được… Lâu lâu lại có từng đoàn môtô, xe hoa trống giong cờ mở ra quân khí thế, dân quân tự vệ ra quân, đoàn thể nam phụ lão ấu cũng ra quân… 

Ra quân hoài, nhưng chưa có tin nào thu quân vào. Quyết tâm quyết liệt, như lời một cấp trên thị sát: tình trạng vẫn rất “bầy hầy”. Ra quân khí thế, thu quân âm thầm, thành tích báo cáo đầy ắp và long lanh, vỉa hè thông thoáng rồi hết chiến dịch lại lấp đầy…

Bầy hầy, phê bình thế, chỉ nhằm thúc giục thêm quân dân, chứ ai cũng thấy việc triển khai thực hiện rất quyết liệt. Thành tích phô trương, còn hiệu quả không bền vững là do đủ thứ.

Nay có vẻ lại một lần quyết liệt làm cho bằng được, không để ông Hải quận 1 mào đầu rồi về làm anh hùng cô đơn. Cứ cái gì trong nhà thòi ra, chút xíu cũng phải cắt, đập, cứ cái gì dân “ra quân” trên vỉa hè là hốt, dọn.

Bà chủ quán nước nhỏ kể lể khi khách tấp vào: các chú thông cảm, để một xe dọc theo sát cửa nhà thôi, nhiều hơn thì phải đem vào. Các ổng chỉ cho một xe, mà phải để song song, sát nhà.

Cái miếng sắt, miếng gạch kê để đưa xe vào nhà cũng phải tháo rồi, lòi ra đường một tý cũng không được à. Mấy ổng báo trước một ngày, không tự tháo là tay kìm tay thuổng tới đập, rồi tính tiền đập phá, tiền phạt… cao gấp 5 lần.  Thui mình tự làm đi cho rồi, mất công cãi lộn cũng chẳng được gì lại thêm phiền toái…

Xe đậu sai là cẩu, cả xe biển xanh, cả xe ngoại giao… Nhân viên công vụ cứ tỳ đè lên capo, lên yên xe mà lập biên bản, dán niêm câu về.

Không khí đập phá rộn ràng, cả khu phố như công trường. Đội quân tháo dỡ xong, có xe tới dọn liền, hốt hốt, rồi lại tay kìm tay thuổng sang nhà khác.

Cái gì là “động sản” chiếm vỉa hè là hốt. Cái gì gắn với bất động sản mà thòi ra chiếm của công là thiến.

Nhưng cũng có những cái “gây hậu quả” tuy không nghiêm trọng như cái vụ đập bót bảo vệ ngân hàng, cẩu xe ngoại giao…

Mấy cái chốt dân phòng xây kiên cố chiếm nguyên vỉa hè, điện nước quạt máy tivi đầy đủ… Có chủ quyền, có giấy phép xây dựng? Sao tồn tại ngang nhiên lâu vậy? 

- Ai xây được, của mấy ổng thì mấy ổng xây, bà thử làm coi, chưa đào móng đã có người tới hốt - một bà chỉ cái lô cốt dân phòng choán hết vỉa hè, kể lể.

Điều này không chỉ cho thấy cái quyền, cái chỉ đạo, phối hợp các ngành chức năng để… cho phép. Tư duy ấy quen rồi, nay phải đập bỏ để theo tư duy bình đẳng trước pháp luật.

Cái lô cốt này có thể bỏ, nhưng còn những cái khác, thí dụ cái tủ điện thành dãy trên vỉa hè, có đế bê tông, tủ to kiên cố, có khóa. Cả hai hiên ngang tủ một bên cột điện một bên, choàng khoảng lớn vỉa hè.

Ai dám đụng, đụng thế nào? Tài sản quốc gia, hẳn ngự trên vỉa hè đã có phép, ai dám đụng, chưa kể điện đóm lằng nhằng đụng vào giật ai chịu.

Ba cái bà hàng xén, quà sáng, café… dẹp cái một. Vì chắc chắn không có giấy phép hành nghề trên vỉa hè, dù có người chống lưng.

Nhưng ba cái lô cốt, tủ điện, nắp cống lồi… thông cảm, tuy chiếm vỉa hè, nhưng chắc có phép.

Một chiến dịch dọn dẹp vỉa hè không làm thông thoáng được thì tiếp tục làm 10 chiến dịch. Nhưng một chiến dịch đổi mới tư duy thì văn minh đô thị dễ giữ được bền vững.

Ở Paris, vẫn có café vỉa hè, thành thương hiệu nổi tiếng thế giới đàng hoàng. Đến Paris, người ta thường thưởng thức một kiểu café vỉa hè của người Pháp, thanh thản nhâm nhi duỗi chân ngắm phố phường. Tại sao họ làm được?

 Đơn giản là có phép, thuê vỉa hè, có ghế, có dù… Mọi thứ đúng luật và có kiểm tra thực hiện, sai thì phạt nặng.

Trong khu phố Tàu hoặc phố Ý, hay khu Phúc Lộc Thọ ở  Cali, cũng có café vỉa hè, nhiều quán cũng theo phong cách lê la như ở ta. Và cách làm cũng vậy. Khu sang, quán làm sang; khu bụi, chơi kiểu bụi, vấn đề là đăng ký sao làm đúng vậy, đúng kiểu cách của địa phương, khu phố.

Cũng giống ở Bờ Hồ, trung tâm Hà Nội, vẫn có quán café ven hồ lịch lãm. Cũng giống như café Sài Gòn lưu trong lòng du khách Tây, một kiểu thưởng thức café rất Sài Gòn, bệt lè phè…

Không phải tại các món ăn, cách thưởng thức, chỉ là cách quản lý, tổ chức. Cũng không phải tại cái xe, cái xe chỉ là cái máy không biết nghĩ, mà tại lái xe. Thế thì xe đậu sai, câu nó để làm gì, trong khi cứ phạt lái xe, phạt nặng cũng được, cho nhớ lâu.

Đổi mới để trở lại cái xưa cũ nhất: vỉa hè phải trả lại cho người đi bộ, một việc nhỏ chẳng phải tranh cãi. Cái của Xê-da phải trả lại Xê-da. Và làm sao để đừng ai dám mơ bày chuyện tày quầy.

Mỹ Anh
.
.
.