Để du lịch đường thủy không bị "mắc cạn"

Thứ Sáu, 16/12/2016, 08:50
Các chương trình nghệ thuật như đờn ca tài tử, thổi kèn Harmoica hay hát nhạc Aucostic rất nhàm chán đối với những du khách đã xem một lần. Trong khi đó, tiềm năng ẩm thực phong phú cùng với các nét văn hóa đặc sắc của vùng sông nước Nam Bộ chưa được khai thác tốt. Điều này dẫn tới tâm lý nhàm chán của du khách. 

Với lợi thế "trời ban" là được sông Sài Gòn và sông Đồng Nai chảy qua, cùng với hệ thống kênh rạch đều khắp địa bàn, TP Hồ Chí Minh có đầy đủ mọi điều kiện thuận lợi để đưa du lịch đường thủy nội đô trở thành mũi nhọn trong chiến lược phát triển ngành.

Tuy nhiên, đi cùng với những lợi thế đó là những khó khăn khiến du lịch đường thủy tại địa phương này “mắc cạn”. Và việc “gỡ nút thắt” này chính là việc làm cần thiết và cấp bách để không phải là quá muộn cho một khởi đầu phát triển bền vững của ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh.  

Có mặt tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn cầu Thị Nghè, quận Bình Thạnh vào một ngày cuối tuần, chúng tôi nhận thấy dưới dòng kênh này, một màu nước đen đục chảy qua và cùng với đó là rác và phế phẩm được vứt xuống từ bờ. Ngay sát bờ kênh là Công ty Thuyền buồm Sài Gòn, nhìn đâu cũng chỉ thấy nhân viên... không có bóng dáng một vị khách nào. 

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được đưa vào phục vụ du lịch đường thủy.

Nhiều người dân sinh sống tại khu vực này cho biết, đó là tình cảnh vắng khách thường thấy. Cách đây ít lâu, khi mà kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được khơi thông dòng sạch đẹp để phục vụ du lịch thì còn thấy có nhiều khách ngoại thưởng ngoạn trên sông. Thế nhưng đến thời điểm gần đây thì khách thưa dần.

Gặp anh Santeri Paastela, một du khách quốc tịch Hà Lan tại Bến Nhà Rồng, quận 4, anh cho biết, phong cảnh tại các khu vực sông TP Hồ Chí Minh rất đẹp nhưng rác thì quá nhiều.

Nằm dọc các nhánh sông Sài Gòn, một số tàu du lịch nổi tiếng một thời cập cảng đón khách ở bến Bạch Đằng nay phải tứ tán, chờ thanh lý. Nhiều tour du lịch đưa khách thưởng ngoạn Sài Gòn qua các con sông ra đời từ năm 2011 nay đã trong tình trạng đóng cửa. Chỉ một vài hãng du lịch cố cầm cự, hoạt động cầm chừng.

Theo báo cáo của Sở Du lịch, số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đường sông đã giảm từ 37 xuống 19 doanh nghiệp, số tàu cũng giảm từ 130 còn 100 phương tiện.

Anh An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty Thuyền buồm Đông Dương chia sẻ, mỗi lần dẫn khách quốc tế lên thuyền đi dạo sông anh cảm thấy rất xấu hổ với hình ảnh rác lềnh bềnh trên mặt nước. Có rất nhiều khách quốc tế đến du lịch trên sông thường chụp hình để chia sẻ cho người thân và bạn bè nhưng khi thấy toàn rác họ chẳng còn cảm giác bấm máy.

Theo ghi nhận của chúng tôi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hằng ngày có đông người đến ngồi chơi và câu cá. Những rác, túi nilon, chai lọ, lon nước ngọt, nước suối, họ không vứt xuống sông mà để ngay tại chỗ ngồi. Và khi có cơn gió mạnh tạt qua thì tất cả rác đều bay hết xuống kênh. Ngoài ra, còn thêm rác thải từ các miệng cống trôi xuống kênh.

Mỗi ngày, trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé thường xuyên có nhân viên làm việc để xử lý rác. Thế nhưng việc dọn dẹp cũng không xuể lại được với ý thức của người dân khi nhiều người không thực hiện được động tác văn minh tối thiểu là bỏ rác vào thùng.

Về sản phẩm du lịch của thành phố thì hiện nay chỉ có các chương trình nghệ thuật như đờn ca tài tử, thổi kèn Harmoica hay hát nhạc Aucostic nên rất nhàm chán đối với những du khách đã xem một lần. Trong khi đó, tiềm năng ẩm thực phong phú cùng với các nét văn hóa đặc sắc của vùng sông nước Nam Bộ chưa được khai thác tốt. Điều này dẫn tới tâm lý nhàm chán của du khách. Hoặc khi tham gia một lần rồi thì không có ý định trở lại; hoặc rủ bạn bè, người thân đi du lịch đường thủy nữa.

Trước những thực trạng và khó khăn chồng chất của ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh, mới đây, Sở Du lịch tổ chức Hội thảo Du lịch đường sông: Hướng phát triển du lịch đặc sắc TP Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo này, ông Phạm Huy Bình - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) kiến nghị cần chú trọng công tác vệ sinh môi trường, an toàn, hệ thống kênh rạch nội đô sạch sẽ để tạo cảnh quan thông thoáng và hấp dẫn du khách.

Ông Bình cũng cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần sự liên kết với các tỉnh lân cận để cùng kết hợp tạo thêm điểm nhấn tham quan, xây dựng nhà chờ bến đậu. Ngoài ra, cần quy hoạch cụ thể về bến đỗ cho các phương tiện và phân luồng lưu thông. Hệ thống các bến tàu phải được xây dựng và phát triển đồng bộ đi cùng với các sản phẩm tour đường sông; hỗ trợ bến neo đậu cho các phương tiện phục vụ du lịch đường sông và có chính sách ưu đãi hỗ trợ nhất định đối với các đơn vị kinh doanh du lịch đường sông.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh  nhấn mạnh, trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung phát triển du lịch đường sông theo định hướng trọng tâm là sản phẩm chiến lược trong phát triển du lịch. 

Về các sản phẩm du lịch, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết sẽ có những chính sách thu hút vốn đầu tư ngoài công lập, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. 

"Hiện nay khoảng cách giữa điểm đầu, điểm cuối các tour tuyến còn xa. Để có thêm các điểm trung gian, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành, địa phương có liên quan để hình thành điểm đến ở các nhà vườn ven sông", ông Vũ cho biết thêm.

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, số lượt khách tham quan trên sông trong 9 tháng đầu năm 2016 có tăng nhưng không đáng kể: 68.000 lượt so với 63.670 lượt năm 2015. Sở Du lịch đã tham mưu và triển khai 7 tuyến du lịch, gồm 2 tuyến tầm ngắn: Bạch Đằng dọc theo đại lộ Đông Tây, Bạch Đằng – Phú Mỹ Hưng; 3 tuyến tầm trung: Bạch Đằng – Địa đạo Củ Chi, Bạch Đằng – Cần Giờ và Bạch Đằng – Chùa Hội Sơn, quận 9 và 2 tuyến tầm xa kết nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia với sự tham gia của một số doanh nghiệp: Saigontourist, Saigon River Tour, Les Rives…
Hải Âu
.
.
.