Gỡ khó cho Nông trường Sông Hậu

Thứ Năm, 21/04/2016, 08:45
Pháp nhân không rõ ràng, vốn sở hữu nhà nước bị âm chưa được bổ sung và gánh nợ vốn vay ngân hàng gần 300 tỉ đồng tồn đọng từ nhiều năm trước chưa xử lý dứt điểm, đang kìm hãm sự phát triển sản xuất kinh doanh và đẩy Nông trường Sông Hậu lâm vào bế tắc vì không có vốn đầu tư.

Với diện tích gần 7.000ha, qui mô đất có nguồn gốc từ Nông trường Sông Hậu lớn nhất so với các nông trường vùng ĐBSCL và cả nước. Qua điều chỉnh biến động, hiện Nông trường Sông Hậu quản lý, sử dụng trên 6.235ha đất sản xuất đã được cấp GCNQSD từ năm 1999 với pháp nhân là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đại diện UBND TP Cần Thơ thực hiện quản lý, sử dụng đất thông qua hợp đồng khoán 5.603,6ha cho 2.515 hộ nông dân sản xuất nông - ngư kết hợp.

UBND TP Cần Thơ đã tiến hành lộ trình sắp xếp đổi mới DNNN và xác định Nông trường Sông Hậu là 1 trong 3 DNNN tiếp tục sắp xếp tái cơ cấu theo hướng giữ nguyên 100% vốn sở hữu nhà nước từ trước khi Luật DNNN hết thời hiệu (cuối năm 2010). 

Tuy nhiên, đến nay Luật DNNN đã hết thời hiệu hơn 5 năm và quá hạn lộ trình sắp xếp, đổi mới DNNN (giai đoạn 2011-2015) thì Nông trường Sông Hậu vẫn chưa chuyển đổi sang Công ty TNHH MTV. Cuối quí III năm 2015, UBND TP Cần Thơ phải tiếp tục xin Chính phủ gia hạn đến 30-6-2016. 

Nông trường Sông Hậu đang tồn tại ngoài sự điều chỉnh của các qui định pháp luật hiện hành. Cho dù pháp nhân không rõ ràng thì Nông trường Sông Hậu vẫn phải duy trì hoạt động để giải quyết nhiều vấn đề bất cập về pháp lý; đảm bảo quản lý trên 5.603ha đất khoán cho các hộ sản xuất...

HTX Lâm Phát Hưng liên kết với Nông trường Sông Hậu đầu tư trồng chuối cấy mô xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản đạt hiệu quả kinh tế cao.

Pháp nhân không rõ ràng, vốn sở hữu nhà nước bị âm chưa được bổ sung và gánh nợ vốn vay ngân hàng gần 300 tỉ đồng tồn đọng từ nhiều năm trước chưa xử lý dứt điểm, đang kìm hãm sự phát triển sản xuất kinh doanh và đẩy Nông trường Sông Hậu lâm vào bế tắc vì không có vốn đầu tư. 

Cuối năm trước, các ngân hàng truyền thống chính thức thông báo ngừng giao dịch vay vốn đối với nông trường vì khoản nợ cũ không có khả năng thanh toán và pháp nhân không rõ ràng. Chính sách hỗ trợ lãi suất tạm trữ lúa gạo cũng bị cắt. 

Giám đốc Nông trường Sông Hậu đã có văn bản từ chối chỉ tiêu xuất khẩu 1.450 tấn gạo mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ vì không có tiền mua gạo để xuất nhưng không được sự chấp thuận từ phía VFA. Không có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nên Nông trường Sông Hậu chỉ còn có thể duy trì sản xuất lúa giống (100ha) để tạo nguồn thu hoạt động cầm chừng. 

“Chúng tôi sắp không còn tiền trả lương cho trên 90 cán bộ công nhân viên trong nông trường”, ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu lo lắng.

Hơn 4 tháng trước, ông Nguyễn Thanh Phú đã có văn bản kiến nghị khẩn đến Thường trực UBND TP Cần Thơ xem xét, giải quyết cho Nông trường Sông Hậu nhận bồi hoàn tiền bàn giao điện, đường, trường, trạm theo QĐ 255/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do Nông trường Sông Hậu đầu tư, đã bàn giao hoàn tất về địa phương quản lý sử dụng từ năm 2012 (tổng giá trị bàn giao trên 42,6 tỉ đồng) từ nguồn ngân sách địa phương và cấp bổ sung 20 tỉ đồng vốn điều lệ nhà nước tại Nông trường Sông Hậu, trong giai đoạn tiếp tục chờ chủ trương phê duyệt Đề án chuyển đổi sang Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước làm chủ sở hữu. 

Ông Phú cũng đề nghị UBND TP Cần Thơ có chỉ đạo Quỹ đầu tư và phát triển thành phố tạo điều kiện giúp Nông trường Sông Hậu quan hệ giao dịch tín dụng vay vốn với Quỹ đầu tư phát triển thành phố, để Nông trường Sông Hậu hoạt động trong giai đoạn tiếp tục chờ Đề án chuyển đổi được phê duyệt.

UBND TP Cần Thơ đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ giải quyết phương án tài chính cho Nông trường Sông Hậu. Gần đây nhất, giữa năm 2015, UBND TP Cần Thơ có văn bản xin Chính phủ xoá khoản nợ này vì đất nông trường là đất công, không thể bán đi trả nợ, cũng không thể cổ phần hoá vì khả năng tranh chấp lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nông trường Sông Hậu vẫn thua lỗ nên không đủ điều kiện chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV theo quy định, nếu không được xóa nợ gốc và lãi. 

Nhiều đề xuất đã được gửi đi, nhiều văn bản trả lời từ chính phủ đã được gửi lại, tuy nhiên, đã 6 tháng trôi qua, sắp hết thời gian gia hạn, việc xử lý khoản nợ tồn đọng gần 300 tỉ đồng vẫn chưa xong, phương án tài chính và đề án chuyển đổi Nông trường Sông Hậu sang Công ty TNHH MTV vẫn chưa được phê duyệt và kiến nghị khẩn của Nông trường Sông Hậu vẫn chưa được UBND TP Cần Thơ giải quyết. “Nếu tình hình khó khăn kéo dài có thể Nông trường Sông Hậu sẽ phải xin tạm ngưng hoạt động để chờ chuyển đổi”, ông Nguyễn Thanh Phú cho biết.

Mới đây, trao đổi về việc giải quyết khó khăn, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi để tăng cường quản lý, sử dụng trên 6.235ha đất công tại Nông trường Sông Hậu, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, đây là một trong những việc tồn đọng mà UBND TP Cần Thơ sẽ tập trung giải quyết với tinh thần quyết tâm cao…

Đức Văn – H.Long
.
.
.