Những chiến sĩ Công an khoác blouse trắng nơi tuyến đầu chống dịch

Chủ Nhật, 09/08/2020, 09:52
Khoác trên mình hai màu áo: Màu xanh của lực lượng Công an Nhân dân và tấm áo blouse trắng, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) – bác sĩ, y tá Bệnh viện (BV) 199 Bộ Công an đóng chân trên địa bàn TP Đà Nẵng đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho CBCS và nhân dân.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, BV đã làm tốt công tác thu dung, cách ly, xét nghiệm và phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh; kịp thời chuyển các bệnh nhân về điều trị tại các cơ sở y tế chuyên biệt, góp phần đắc lực cùng TP Đà Nẵng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh…

Tạm gác lại những lo toan thường nhật…

Trong bối cảnh các đơn vị y tế lớn như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh việc C, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng đã và đang bị phong tỏa, đã có những bệnh viện khác sẵn sàng “chia lửa” cùng họ trong cuộc chiến với COVID-19 tại Đà Nẵng; trong đó phải kể đến các chiến sĩ – bác sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ lý… tại BV 199 Bộ Công an. Với tinh thần “Lương y như từ mẫu”, tập thể lãnh đạo, CBCS, y, bác sĩ nơi đây luôn đồng lòng với quyết tâm cao, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Mỗi ngày làm việc với cường độ cao, túc trực 24/24h trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm để chạy đua chống dịch, các y, bác sỹ phải tạm gác lại chuyện gia đình, hạn chế tiếp xúc gần với người thân, cộng đồng trong suốt thời gian tham gia chống dịch. Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ chùn bước...

Thiếu tá Lê Thị Xuân, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm là một trong những người “bền bỉ” chiến đấu với dịch bệnh ngay từ khi dịch bùng phát trở lại. Đã 10 ngày nay, chị Xuân cũng như các đồng nghiệp trong Khoa chưa một lần về thăm nhà. Tạm gác lại những lo toan thường nhật, đặc biệt là những yêu thương chất chứa với 2 con nhỏ, chị cũng như các đồng nghiệp chuyên tâm vào công việc của mình. Chị cho biết, kể từ khi ra trường và về công tác tại BV 199 đến nay đã hơn 17 năm, nhưng chưa bao giờ chị phải chứng kiến đợt dịch bệnh nào khó khăn, phức tạp như lần này.

“Tôi có hai cháu trai, đứa lớn học lớp 7, đứa bé học lớp 1; bản thân mình thì phải trực chiến 24/24 giờ, còn ông xã, do công tác trong quân đội nên cũng phải trực chiến. Vì vậy, mọi việc sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ của các con đa phần là nhờ tự thân các cháu vận động, còn lại phải trông chờ vào người thân ở gần”, Thiếu tá Xuân nói. Đồng thời chị cho biết, để giảm bớt nỗi nhớ các con, chị chỉ còn biết trông chờ vào màn hình điện thoại. Và mỗi lần gọi về, không chỉ các con, mà chị cũng trào nước mắt vì nhớ thương…

Có hoàn cảnh tương tự như Thiếu tá Xuân, nhưng Trung uý Nguyễn Thị Hoài Thương, hiện đang công tác tại Khoa Truyền nhiễm lại đặc biệt hơn nhiều. Chị thì đã “cấm trại” ngay từ ngày đầu dịch bệnh bùng phát, trong khi đó chồng chị là anh Đào Xuân Quế, chiến sĩ Lữ đoàn E83, hiện đang đóng quân tại Phú Quốc (Kiên Giang), nên 2 đứa con, lớn 3 tuổi và nhỏ chỉ mới 9 tháng đều trông cả vào ông bà nội, hiện cũng đã già yếu. Do con nhỏ đang bú sữa mẹ nên hàng ngày, sau giờ làm việc, chị lại lui vào một góc nhỏ để vắt sữa gửi về cho con (tất nhiên phải tiến hành khử khuẩn, đảm bảo an toàn tuyệt đối – PV).

Bác sĩ, Thiếu tá Lê Thị Xuân thăm khám cho các bệnh nhân đang được cách ly tại Khoa Truyền nhiễm BV 199.

“Mỗi lần như thế, cảm giác nhớ và thương con quay quắt, muốn chạy ngay về bên con nhưng vì nhiệm vụ và vì sự an toàn của con và gia đình đành tự nhủ lòng hết dịch sẽ bù đắp cho con nhiều hơn”, Trung uý Thương chia sẻ. Và cũng giống với tất cả các anh chị em trong khoa, trong nhiều ngày nay, Trung uý Thương cũng chỉ giao tiếp được với con qua màn hình điện thoại…

Bên trong những căn phòng cách ly đặc biệt, các bệnh nhân đã dần hồi phục, có những kết quả âm tính; có những người đã được xuất viện. Sức khỏe, sự hồi phục của bệnh nhân là niềm vui, là động lực để các y, bác sỹ cùng đội ngũ nhân viên y tế tiếp tục chiến đấu trong trận chiến đẩy lùi dịch bệnh COVID – 19.

Sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra

Trung tá Trương Xuân Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp BV 199 cho biết, tổng số y, bác sĩ của BV hiện có 94 người, ngoài ra, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, vừa qua, 4 bác sĩ của BV 198 cũng đã kịp thời được tăng cường vào Đà Nẵng để hỗ trợ cho BV 199.

“Đội ngũ y, bác sĩ, phương tiện, trang thiết bị của BV hiện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của CBCS và nhân dân; đặc biệt là đối phó với tình hình dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn”, Trung tá Hùng cho hay.

Cũng theo Trung tá Hùng, ngoài công tác khám, chữa bệnh được diễn ra bình thường theo kế hoạch, thì nhằm đáp ứng kịp thời, tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Ban Giám đốc BV 199 cũng đã xây dựng các phương án ứng phó. Theo đó, đã dự lường các tình huống có thể xảy ra, đồng thời xây dựng kịch bản theo từng cấp độ để đáp ứng. Theo đó, cấp độ 1 là khi có dịch bệnh xâm nhập cho đến cấp độ 4 là khi ca bệnh tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều khoa, phòng trong cơ sở khám, chữa bệnh hoặc không xác định được phạm vi và nguồn lây nhiễm.

“Tất cả các phương án, kịch bản được BV đưa ra có thể nói là khá chặt chẽ, kỹ càng, đặc biệt là chủ động phân luồng từ xa và thực hiện nghiêm bộ tiêu chí bệnh viện an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, các bệnh nhân khi đến khám tại BV đều được điều tra lịch sử dịch tễ, khử trùng tay, bắt buộc đeo khẩu trang. Việc sàng lọc các bệnh nhân khi tiếp nhận từ bệnh viện khác cũng được BV chú trọng và thực hiện theo từng bước như việc khử khuẩn, lấy mẫu dịch xét nghiệm, phun thuốc khử khuẩn tại các điểm tiếp nhận bệnh nhân liên tục, thường xuyên”, Trung tá Hùng nói.

Mới đây, tại buổi kiểm tra, nắm tình hình điều trị, theo dõi cách ly, sàng lọc bệnh nhân COVID-19; đánh giá năng lực xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR tại BV 199, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao sự vào cuộc của lãnh đạo, Ban Giám đốc và toàn thể CBCS, y, bác sĩ BV 199, đặc biệt là công tác tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ, giúp việc vận hành hệ thống xét nghiệm diễn ra thuận lợi.

Nhân đây, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đã quyết định công nhận BV 199 có đủ năng lực xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR. Nhấn mạnh việc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cử đội chuyên gia mang theo máy móc, trang thiết bị ra hỗ trợ BV 199 là rất cần thiết, bước đầu đem lại hiệu quả cao.

Được biết, bên cạnh việc hỗ trợ của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để triển khai phòng xét nghiệm Real-Time PCR, theo lãnh đạo BV 199, thì đến nay, BV cũng nhận được sự hỗ trợ bổ sung lực lượng y, bác sĩ từ các BV, cơ sở y tế và nhiều tình nguyện viên khác; ngoài ra, các trang thiết bị cũng đã, đang được bổ sung…

Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của toàn bộ tập thể lãnh đạo, y, bác sỹ cùng với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp chính quyền, sự hỗ trợ, đóng góp kịp thời của cộng đồng… BV 199 sẽ là địa chỉ đáng tin cậy, góp phần đắc lực cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời điểm hiện nay.

Nguyên Hưng
.
.
.