Những người giữ rừng ngày Tết

Chủ Nhật, 10/02/2019, 10:34
Tết Nguyên đán là dịp để mọi người sum họp gia đình, nhưng đối với các cán bộ Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa thì năm nào họ cũng bám địa bàn, cùng người dân nơi đây tuần tra bảo vệ rừng, ngăn chặn “lâm tặc” xâm phạm, tàn phá rừng…

Ông Trần Văn Tý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị phấn khởi khi chúng tôi theo chân tổ kiểm lâm và người dân địa phương tuần tra bảo vệ rừng Khu BTTN Bắc Hướng Hóa. 

Tuy nhiên, ông cũng “cảnh báo” chúng tôi rằng, đi rừng rất vất vả, vì vào những ngày Tết ở vùng cao thường có mưa nên phải lội suối, leo dốc trơn trượt rất nguy hiểm. Nhưng, những “cảnh báo” này lại càng khiến chúng tôi quyết tâm hơn cho một chuyến đi rừng như một sự trải nghiệm công việc của các cán bộ Kiểm lâm địa bàn…

8h sáng mùng 3 Tết Kỷ Hợi, từ trụ sở Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, ở xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), chúng tôi “xuất hành” theo đường Hồ Chí Minh ngược lên hướng Tây rồi rẽ phải về hướng Bắc, vào vùng rừng thuộc địa bàn xã Hướng Sơn. 

Khi chúng tôi vào tới bìa rừng, cũng là lúc một tổ 12 người, bao gồm cán bộ Kiểm lâm, người dân các xã Hướng Sơn, Hướng Linh đã kết thúc đợt 2 ngày tuần tra các vùng rừng thuộc các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng về tới Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa... 

Con đường khai thác mỏ quặng thiếc do Công ty Hoành Sơn mở ngang qua vùng đệm Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, địa bàn xã Hướng Sơn, hai bên đều là rừng cây gỗ tạp xanh tốt lâu năm đẹp như một bức tranh, rất thuận lợi cho việc đi lại tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, song cũng là “lỗ hổng” để đối tượng “lâm tặc” lợi dụng vào rừng BTTN khai thác gỗ quý hiếm, vận chuyển ra bên ngoài. 

Ông Hồ Quai, một người dân xã Hướng Sơn tham gia bảo vệ rừng, chia sẻ: “Trước đây, khi con đường mới mở, Công ty Hoành Sơn còn khai thác mỏ ở trong rừng, tình trạng rừng ở đây bị khai thác trái phép khá phổ biến. Mãi đến khi công ty này rút đi, người vào rừng không còn lộn xộn như trước, cộng với người dân được Nhà nước giao làm chủ rừng, có điều kiện hỗ trợ cán bộ Kiểm lâm tốt hơn trong việc giữ rừng, nhờ đó tình trạng lén lút khai thác gỗ rừng và săn bắt động vật hoang dã quý hiếm ở đây đã giảm hẳn”.   

Lực lượng Kiểm lâm và người dân tuần tra bảo vệ rừng trong dịp Tết.

Khu BTTN Bắc Hướng Hóa có diện tích khoảng 25.000ha rừng và đất rừng, có nhiệm vụ duy trì giá trị dịch vụ hệ sinh thái và chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn cho các con sông Bến Hải, Rào Quán, Sông Hiếu và sông Sê Băng Hiêng… 

Nơi đây có quần thể các loài động vật quý hiếm như: Gà lôi lam mào trắng, voọc Hà Tĩnh, sao la, mang lớn, thỏ vằn.... Và cả những loài thực vật, như: Đinh tùng, lan hải, trầm hương… Phải mất hơn 1 ngày, chúng tôi mới đi hết các điểm rừng bảo tồn quan trọng trên địa bàn xã Hướng Sơn. 

Đúng như lời “cảnh báo” của ông Tý, việc đi rừng vốn rất vất vả, đi trúng vào những ngày mưa rừng lại càng khó khăn hơn. Tại các điểm đến, chúng tôi thấy không có tình trạng phá rừng, đặt bẫy bắt, giết hại thú rừng. 

Ông Thái Văn Trình, cán bộ Kiểm lâm Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, Tổ trưởng tổ tuần tra bảo vệ rừng, tâm sự: “Từ khi Luật Lâm nghiệp sửa đổi có hiệu lực, người dân được giao làm chủ rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị có nhiều thuận lợi, đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Đợt tuần tra dịp Tết này, chúng tôi phối hợp người dân địa phương trong công tác nên rất vui và rất yên tâm”...

Chia sẻ thêm về công tác tuần tra bảo vệ rừng ngày Tết của lực lượng Kiểm lâm và người dân địa phương có rừng, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị bày tỏ: “Tết nào, các lực lượng chức năng, nòng cốt là Kiểm lâm, cũng phải bám địa bàn tuần tra bảo vệ rừng. Năm nay, công tác này đã có phần thuận lợi nhiều hơn khi Luật Lâm nghiệp sửa đổi có hiệu lực, người dân sống cạnh rừng được ủy quyền làm chủ rừng Nhà nước và được hưởng lợi từ việc bảo vệ rừng nên đã tích cực cùng tham gia với lực lượng Kiểm lâm canh rừng ngày Tết, nâng cao hiệu quả hơn”.

Phan Thanh Bình
.
.
.