Vững bước sáng tạo, giữ vai trò đầu tàu ở thành phố mang tên Bác

Thứ Ba, 30/04/2019, 10:13
44 năm sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thành phố mang tên Bác vẫn nỗ lực phát huy truyền thống sáng tạo để tạo bước chuyển mình mạnh mẽ hơn cho một siêu đô thị; tạo đà để TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vai trò thành phố đầu tàu, tạo động lực của khu vực và cả nước.

Từ chuyện “xé rào” trong thí điểm cung ứng lương thực, thực phẩm và hỗ trợ sản xuất công nghiệp trước thềm đổi mới, 44 năm sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thành phố mang tên Bác vẫn nỗ lực phát huy truyền thống sáng tạo, vận dụng kinh nghiệm từ thực tiễn, đi đầu trong việc hợp tác với nhiều địa phương trên cả nước để vừa tạo nguồn cung ứng, vừa hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm; làm cầu nối giữa ngân hàng - doanh nghiệp để tạo vốn cho sản xuất và tiên phong trong việc xây dựng đô thị thông minh; xây dựng khu đô thị sáng tạo…; tạo bước chuyển mình mạnh mẽ hơn cho một siêu đô thị; tạo đà để TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vai trò thành phố đầu tàu, tạo động lực của khu vực và cả nước. 

Những năm qua, ngoài việc tạo thị trường lớn cho tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm sản xuất từ các địa phương, TP Hồ Chí Minh còn là đầu mối trong sản xuất, cung ứng hàng tiêu dùng cho thị trường nội địa. 

Sau hơn 7 năm thực hiện chương trình hợp tác thương mại giữa thành phố và các tỉnh thành khu vực phía Nam, đến cuối 2018, các doanh nghiệp của Thành phố đã đầu tư xây dựng 42 nhà máy, cơ sở sản xuất; 72 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh thành khu vực miền Đông, miền Tây Nam bộ với tổng vốn đầu tư 30.112 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực liên kết cung ứng vốn cho nông dân đầu tư vào chăn nuôi, mở trang trại trồng rau sạch đã ở mức 3.000 tỷ đồng/năm. 

Thông qua chương trình này, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đã thực hiện nhiều đợt xúc tiến thương mại, hình thành các liên kết tạo nguồn hàng, phát triển hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước. 

Việc đưa hàng hóa sản xuất tại các tỉnh, thành tham gia vào hệ thống phân phối sỉ, lẻ của Thành phố không chỉ góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, mà còn tác động tích cực đến hoạt động sản xuất hàng hóa ở các địa phương khác, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. 

Theo đánh giá của UBND TP Hồ Chí Minh, thông qua chương trình hợp tác này, các doanh nghiệp đã an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh; đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi; liên kết hỗ trợ các HTX nuôi, trồng đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối.

44 năm sau Ngày giải phóng, TP Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vai trò thành phố đầu tàu, tạo động lực của khu vực và cả nước. Ảnh: Pexels

Trong điều kiện các DN vừa và nhỏ, nhất là các DN siêu nhỏ trên địa bàn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn do thiếu tài sản thế chấp, để hỗ trợ việc tháo gỡ vốn cho sản xuất kinh doanh, từ nhiều năm qua TP Hồ Chí Minh đã thí điểm và tiên phong nhân rộng trong việc làm cầu nối giữa ngân hàng và DN. 

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố nhận xét: Các cấp chính quyền thành phố đã dùng uy tín của mình đứng ra làm cầu nối để củng cố, tạo thêm niềm tin cho các ngân hàng thương mại với DN. Từ đó khơi thông dòng chảy vốn ngân hàng vào quá trình sản xuất, phân phối, XNK hàng hóa. Sau thời gian triển khai, đến nay sức lan tỏa của hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại thành phố đã trở thành chủ trương được NHNN triển khai rộng khắp trên cả nước. 

Về hiệu quả từ trương trình kết nối NH - DN tại thành phố, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, đến cuối năm ngoái các NHTM tham gia gói tín dụng kết nối NH-DN trên địa bàn đã giải ngân cho vay khoảng 269.500 tỷ đồng với hơn 10.000 DN thuộc mọi lĩnh vực. 

Số tiền này cao hơn khoảng 9.500 tỷ đồng so với tổng số vốn thời điểm đầu năm các NHTM đã cam kết cho vay. Trong năm nay tiếp tục có 15 NHTM đăng ký tham gia chương trình kết nối NH-DN với tổng số vốn đăng ký cho vay khoảng 269.262 tỷ đồng. 

Trong quý 1 vừa qua, các NHTM đã giải ngân được 9.122 tỷ đồng cho 1.100 DN vay với lãi suất ưu đãi. Ngoài việc hỗ trợ tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, những năm qua hoạt động gỡ khó cho DN đã được TP Hồ Chí Minh đặt trọng tâm thông qua việc kết nối đường dây nóng và nhiều kênh thông tin khác giữa DN với chính quyền thành phố.

Cuối 2017, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định phê duyệt đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. 

Với đề án này, một lần nữa thành phố đầu tàu lại trở thành địa phương tiên phong trong việc thí điểm xây dựng đô thị thông minh. Thực hiện thành công đề án này, người dân sẽ được đảm bảo một môi trường sống lành mạnh và an toàn. 

Chia sẻ lý do cần xây dựng thành phố thông minh trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn Thành phố vào ngày 18-4 vừa qua, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, điều cốt lõi của thành phố thông minh là phải dự báo được tình hình trong trung hạn và dài hạn để có giải pháp ngay từ bây giờ. 

Ông cũng chia sẻ, người dân nói vui với ông rằng, đường còn tắc thì làm gì có đô thị thông minh. Nhưng chính vì đường còn tắc, còn ngập nước nên mới cần xây dựng đô thị thông minh. Xây dựng thành phố thông minh để biết khi nào tắc đường, ngập nước nhằm có biện pháp xử lý, nếu không chỉ là giải quyết tình huống. 

Và cùng với lộ trình xây dựng thành phố thông minh, hiện thành phố cũng đang nỗ lực áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, trước mắt là với yếu tố nhân sự và một số lĩnh vực cấp thiết khác đang đặt ra với sự phát triển bền vững của một siêu đô thị. 

Một trong những khu đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh.

Để thành phố phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu, tạo đà phát triển cho khu vực và cả nước, vấn đề kết nối hạ tầng giao thông giữa thành phố với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như các địa phương lân cận cũng đã được đặt ra. 

Đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác của Trung ương với thành phố mới đây, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm thông tin: Tuyến đường vành đai 2 được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài hơn 64km, kinh phí giai đoạn 1 là khoảng 20.000 tỷ đồng. Tuyến vành đai khép kín này có chức năng gánh số lượng lớn phương tiện giao thông đi qua khu vực TP Hồ Chí Minh mà không phải di chuyển xuyên tâm thành phố. 

Theo ông Lâm, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cũng đã nhất trí rằng cần phải sớm thông tuyến đường vành đai 3 để tạo sự kết nối cho vùng kinh tế trọng điểm. Nhất là khi đường vành đai 3 sẽ đi qua địa phận các tỉnh, thành như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương với chiều dài hơn 90km. 

Với dự án đường vành đai 4, mục tiêu dự án này sẽ góp phần hoàn thiện quy hoạch giao thông của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, tạo điều kiện kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đ. Thắng
.
.
.