Cảm xúc Trường Sa - mang ra tình cảm, mang về niềm tin

Hành trình đến với Trường Sa (Bài 1)

Thứ Sáu, 03/05/2024, 06:44

“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả…”, giai điệu bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” âm vang suốt hành trình có lẽ cũng là cảm xúc chung của Đoàn công tác Bộ Công an và các đơn vị (Đoàn công tác số 8) năm 2024, đi thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI/2 từ ngày 16/4 đến 22/4. Là một trong những thành viên thuộc đoàn công tác do Trung tướng Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND làm Trưởng đoàn, phóng viên Báo CAND đã ghi lại hành trình cùng những cảm xúc của các cán bộ Công an ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI/2 vào những ngày tháng 4 lịch sử.

Trong hải trình dài 7 ngày, 6 đêm, Đoàn công tác của Bộ Công an và các đơn vị đã ra thăm cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và nhân dân trên các đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan, Đá Tây A, Trường Sa và nhà giàn DK-1/2. Gần 200 CBCS trong Đoàn công tác của Bộ Công an phần lớn đều lần đầu đến với Trường Sa, mỗi người đều có những cảm xúc xốn xang, khó diễn đạt bằng lời.

Hành trình đến với Trường Sa (Bài 1) -0
Đoàn công tác số 8 đến với đảo Trường Sa.

Hành trình yêu thương

Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, tôi may mắn được theo Đoàn công tác của Bộ Công an gồm gần 200 CBCS thuộc các Cục nghiệp vụ và Công an các đơn vị, địa phương đến thăm 6 đảo và một nhà giàn trên quần đảo Trường Sa. Trong hải trình ấy, tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt, niềm hạnh phúc và cả sự xúc động, xen lẫn niềm tự hào của các thành viên Đoàn công tác, khi lần đầu đến với Trường Sa.

Viết trong cuốn lưu bút trước khi rời đảo Sinh Tồn, điểm đầu tiên của hải trình, Trưởng Đoàn công tác của Bộ Công an, Trung tướng Phan Xuân Tuy ghi lại: Đoàn công tác và mỗi cá nhân rất tự hào về các đồng chí - những người đã và đang ngày đêm đứng vững nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam, đóng góp quan trọng cho độc lập, hoà bình của đất nước; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chứng kiến sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và cả nước vì Trường Sa, chúng tôi vô cùng xúc động, tự hào…

Trong hải trình đầy ý nghĩa đó, tôi và các thành viên của đoàn đã được nghe câu chuyện đầy xúc động của Trung tướng Phan Xuân Tuy, khi lần đầu đặt chân đến Trường Sa; gặp gỡ những người lính và quân dân trên các đảo và nhà giàn. “Trước đó, tôi rất day dứt vì đã trở thành sĩ quan cấp tướng của lực lượng CAND, kinh qua nhiều lĩnh vực công tác và đi đến mọi nẻo đường của đất nước nhưng vẫn chưa được đặt chân đến Trường Sa, nơi bố vợ tôi nguyên là Chủ tịch huyện đảo Trường Sa; đại biểu Quốc hội khoá VII gắn bó gần như trọn một đời công tác. Khi ông mất, một phần tro cốt của ông đã hoà với sóng biển. Tôi tin rằng ông vẫn đang ở Trường Sa, sát cánh với những người đồng đội của mình” - Trung tướng Phan Xuân Tuy xúc động kể lại.

Chia sẻ cảm xúc, Thiếu tướng Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Công an cho biết: “Trước khi tham gia Đoàn công tác, tôi chỉ biết đến Trường Sa qua những bài hát và các phương tiện thông tin đại chúng. Khi được tham gia Đoàn công tác của Bộ Công an thăm quân và dân quần đảo Trường Sa, cảm nhận thực tiễn khó khăn và khắc nghiệt của quân và dân đang ngày đêm bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, tôi thấy rằng mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để làm tốt hơn công việc và chức trách nhiệm vụ được giao, góp phần vào công cuộc chung là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Vang mãi khúc quân hành

Trong hành trình đến với các đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Đá Tây A, Tốc Tan, Trường Sa và nhà giàn DK-1/2, tôi và các thành viên của Đoàn công tác số 8 năm 2024 ra thăm và làm việc tại Trường Sa đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khi tận mắt chứng kiến những hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ và người dân đang sinh sống trên các đảo và nhà giàn…

Giữa muôn trùng sóng bể, đảo chìm Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan sừng sững khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Dù điều kiện còn vất vả nhưng ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp nụ cười toả nắng của các chiến sĩ trẻ. Dù còn gian khổ, khó khăn nhưng họ vẫn vững tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trên các đảo, đều có các công trình văn hoá đa năng là không gian rèn luyện thể dục thể thao và tham gia các hoạt động khác của cán bộ, chiến sĩ. Trong một khuôn viên dù không lớn nhưng trên các đảo đều có các vườn rau xanh mướt… Ở nơi thiên nhiên khắc nghiệt nhất ấy, màu xanh đó như sức sống mãnh liệt của cán bộ, chiến sĩ và người dân giữa biển đảo.

Đặt chân lên đảo Đá Tây A vào một buổi sớm mai, tôi cùng các thành viên của đoàn công tác không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của các bãi san hô, am thờ Lý Thường Kiệt và chùa Đá Tây… Bao bọc xung quanh hòn đảo là xanh mướt các loài cây có thể sống được trong những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết biển đảo như cây bàng vuông, cây phong ba, cây bão táp, cây muống biển và cây phi lao. Trong sự khắc nghiệt của thời tiết và thiên nhiên, các thế hệ CBCS của đảo Đá Tây A đã bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa được phân công. Cùng với đó, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống cháy nổ, giúp đỡ nhân dân vươn khơi, bám biển. Được trò chuyện và gặp gỡ các cặp vợ chồng đang sinh sống trên đảo, chúng tôi cảm nhận sâu thẳm bên trong mỗi người dân đang sinh sống trên đảo và cả những ngư dân ngày đêm bám biển là lòng yêu nước nồng nàn; mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước.

Đến với đảo Trường Sa là cảm giác ngỡ ngàng trước sự bề thế của đảo lớn. Đảo có âu tàu, làng chài để ngư dân vào phòng, chống bão và hạ tầng giao thông thuận tiện cho việc đưa đón các đoàn công tác và thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển… Trong những năm qua, quân và dân thị trấn Trường Sa đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước của chính quyền địa phương, đồng bào và chiến sĩ cả nước cũng như kiều bào của Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài cả về vật chất và tinh thần. Đó là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân trên đảo hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian không dài lưu lại nơi đây, chúng tôi đã được tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa như tham dự lễ chào cờ cùng với quân và nhân dân trên đảo, lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ; thắp hương tại chùa Trường Sa… Được tham gia các hoạt động trên đảo, tôi cùng các thành viên của Đoàn công tác thêm cảm phục ý chí của quân, dân trên đảo Trường Sa. Trong điều kiện đóng quân xa đất liền, thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, biển động kết hợp với thuỷ triều kéo dài do muối mặn đặc biệt là vào thời điểm cuối năm nhưng CBCS và nhân dân vẫn tăng gia sản xuất và trồng cây xanh; bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo khu vực phân công, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra và là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển…

Ấn tượng nhất với tôi và các đại biểu có lẽ là được tham dự lễ chào cờ trên đảo Trường Sa. Trong lễ chào cờ trên đảo, nhiều đại biểu không giấu nổi cảm xúc: “Dù tham gia rất nhiều lễ chào cờ nhưng lần này là đặc biệt nhất. Giữa muôn trùng sóng vỗ, một lễ chào cờ đầy cảm xúc và ý nghĩa đã mang lại trong lòng mỗi đại biểu niềm tự hào rất riêng... Khi những lời thề danh dự vang lên, chúng tôi đều tự hứa phải làm thêm nhiều điều hơn nữa để cùng sát cánh với Trường Sa” - một thành viên của Đoàn công tác chia sẻ.

Khi màn đêm buông xuống là buổi giao lưu văn hoá giữa các thành viên của Đoàn công tác với nhân dân trên đảo với nhiều tiết mục ca, múa, nhạc, kịch đặc sắc, sôi động, tình cảm, thu hút đông đảo CBCS và nhân dân trên đảo tham gia… Giữa không gian sôi động của đêm giao lưu, chúng tôi lặng đi khi nghe những chia sẻ của cháu Trương Nguyễn Tiểu Vi về ước muốn được trở thành một đầu bếp để có thể nấu những món ăn ngon cho các chú, các bác trên đảo có sức khỏe để chiến đấu bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Xúc động trước ước mơ của cháu, Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị trại giam số 3, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an đã sáng tác bài thơ “Con muốn làm đầu bếp”. Thông qua giấc mơ của mình, Tiểu Vi đã có ý thức từ rất sớm về sự đóng góp công sức của mình trong công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc, điều đó đã làm lay động tình cảm của các thành viên trong Đoàn công tác. “Vào buổi tối nay, sẽ có một buổi lễ đặc biệt, bạn sẽ khóc đấy” - Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn 146 Trường Sa, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa nói với chúng tôi, trước lúc đặt chân vào Trường Sa. Với các cán bộ của Đoàn công tác, có lẽ đây cũng là buổi chia tay nhiều cảm xúc. Trong giây phút chia tay Trường Sa, ai cũng rưng rưng cảm xúc. Tất cả đều hướng về phía cầu tàu, nơi các cán bộ hải quân, người dân và các em nhỏ đứng thành một hàng dài. Những bài hát thay lời tạm biệt, tất cả đều bịn rịn. Trong lòng chúng tôi đều cảm thấy cần phải sống tốt đẹp hơn công hiến nhiều hơn nữa cho quê hương và Tổ quốc.

Xuyên suốt trong hải trình ấy, ấn tượng với chúng tôi còn là tình cảm của cán bộ thuộc các cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân; chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh vùng 2, vùng 3, vùng 4 và CBCS ở các đảo và nhà giàn mà Đoàn công tác được đặt chân đến - những người được ví như cầu nối liền giữa đất liền và Trường Sa. Chuyến đi của chúng tôi được đánh giá thuận lợi, không có sóng lớn nhưng để đưa Đoàn công tác vào các đảo đảm bảo an toàn không dễ dàng, đặc biệt là khi đến với nhà giàn DK1/2. Để có một hải trình an toàn, đó là sự vất vả của các thuyền viên và tổ phục vụ… Trong hải trình đó, Đoàn công tác luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan Bộ Tư lệnh Hải quân.

“Tổ quốc gọi ta đi/ vinh quang người chiến sĩ/ ta đi giữ mãi niềm tin sắc son của người lính/ dòng máu nghìn năm xưa, thiêng liêng hồn sông núi/ trong tim ấm mãi tình thương, biển cả là quê hương” - chia tay Trường Sa, lời bài hát “Hành khúc chiến sĩ Trường Sa” của Trần Xuân Tiến vang mãi trong tôi và các thành viên đoàn công tác. Được đến với Trường Sa, chúng tôi càng thêm cảm phục những CBCS và người dân đang lặng lẽ làm nhiệm vụ ở nơi thiêng liêng và khắc nghiệt nhất để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, hải đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Dẫu còn vất vả, gian khó nhưng họ vẫn luôn đoàn kết, thống nhất; vững vàng về tư tưởng chính trị, kiên định về ý chí, xây dựng quyết tâm và tinh thần trách nhiệm; nhận thức rõ vinh dự và tự hào..., quyết tâm bảo vệ quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Đồng thời, cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đối với Trường Sa…

Xuân Mai
.
.
.