Hội đàm giữa Chủ tịch Cuba và Tổng thống Mỹ: Bước ngoặt lịch sử

Thứ Hai, 13/04/2015, 08:09
Trong cuộc hội đàm bên lề phiên họp chính thức của Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) lần thứ 7 tại Panama, Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có sự trao đổi về các vấn đề giữa hai nước trong bầu không khí nhẹ nhàng.
Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy việc cải thiện quan hệ sau hàng thập kỷ thù địch, đồng thời nhấn mạnh, vẫn còn rất nhiều khác biệt giữa 2 nước để bình thường hóa quan hệ, nhưng 2 nước có thể hợp tác với nhau.

Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Obama cảm ơn Chủ tịch Raul Castro về tinh thần “cởi mở và lịch thiệp”. Tổng thống Obama cho rằng, hai nước có thể chấm dứt sự đối đầu của thời kỳ chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đồng thời tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục gây áp lực đối với Cuba về vấn đề dân chủ và nhân quyền. Về phần mình, Chủ tịch Raul Castro cho rằng Tổng thống Obama là một người khá thân thiện.

Theo Chủ tịch Cuba, nhiều tổng thống Mỹ đã mắc sai lầm trong lịch sử, nhưng ông Obama không phải một trong số đó. Chủ tịch Raul nêu rõ Tổng thống Obama không có trách nhiệm gì về những việc đã diễn ra trong lịch sử vì khi Mỹ bắt đầu trừng phạt Cuba, vị tổng thống 53 tuổi của Mỹ vẫn chưa ra đời.

Chủ tịch Cuba cũng khẳng định đã sẵn sàng thảo luận về các vấn đề nhạy cảm và gây tranh cãi, bao gồm cả vấn đề nhân quyền và tự do báo chí. Chủ tịch Cuba đã hoan nghênh thông báo của Tổng thống Mỹ về việc xem xét có nên đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố hay không là “một bước tích cực” trong việc hòa giải giữa hai nước...

Buổi gặp mặt hòa giải này được Tổng thống Obama miêu tả là bước ngoặt lịch sử, đã được các nhà lãnh đạo khu vực Mỹ Latinh và Caribe vô cùng hoan nghênh. Tổng thống Brasil Dilma Rousseff đã ca ngợi cuộc gặp là sự nỗ lực đầy can đảm giữa lãnh đạo 2 nước nhằm xóa bỏ vết tích cuối cùng của chiến tranh lạnh để lại, đồng thời khẳng định quan điểm của Brasil là ủng hộ hoàn toàn tiến trình bình thường hóa quan hệ Cuba - Mỹ, cho rằng sự kiện này sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực, trong đó có cả các doanh nghiệp Brasil.

Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner thì ca ngợi hết lời đất nước Cuba, rằng đây là đất nước đã chiến đấu kiên cường để chống lại sự phong tỏa, cấm vận của Mỹ. Còn Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto nhiệt liệt hoan nghênh cuộc gặp gỡ lịch sử Cuba - Mỹ và đặc biệt là quyết tâm của cả 2 bên tiếp tục đối thoại tiến tới bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ giữa 2 người bạn lớn của Mexico.

Nhiều người Cuba đã dừng mọi công việc để chứng kiến khoảnh khắc 2 nhà lãnh đạo bắt tay nhau, tất cả hy vọng những gì diễn ra trong ngày 11/4 sẽ không đi vào quên lãng và phải biến thành kết quả, được thể hiện trong đời sống của nhân dân Cuba.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.