Liên tục xảy ra các vụ cảnh sát Mỹ bị sát hại: Gia tăng mâu thuẫn sắc tộc

Thứ Tư, 24/12/2014, 10:09
Ngày 21/12, tờ Tampa Ray dẫn thông báo từ Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Pinellas cho biết, một sĩ quan cảnh sát khác đã bị bắn chết tại bang khu Tarpon Springs, cách thành phố Tampa (Florida) khoảng 45km về phía Tây Bắc. Nạn nhân là Charles Kondek, 45 tuổi, thuộc Sở Cảnh sát Tarpon Springs. Ông là người gốc New York, đã có hơn 22 năm công tác, trong đó có hơn 5 năm công tác tại Sở Cảnh sát thành phố New York. Nghi phạm được xác định là Marco Antonio Parilla Jr., 23 tuổi, đã bị bắt giữ với cáo buộc giết người cấp độ 1.

Trước đó không lâu, theo tin từ tờ New York Daily News, hai cảnh sát thành phố New York đã bị một kẻ có vũ trang bắn chết giữa ban ngày tại khu vực Brooklyn. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh dư luận Mỹ đang bất bình trước các vụ cảnh sát da trắng làm thiệt mạng một số người da màu nhưng vẫn không bị xét xử, được cho là khoét sâu thêm vết thương trong lòng nước Mỹ, làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa cộng đồng dân cư da màu thiểu số trong xã hội Mỹ xưa nay vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Theo hãng tin Reuters, trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mạnh mẽ lên án vụ sát hại trên đồng thời kêu gọi toàn thể người dân bình tĩnh, đoàn kết và không nên có những hành động bạo lực gây tổn hại tới cộng đồng, xã hội. Tổng thống Obama cũng khẳng định, hai cảnh sát bị sát hại là những nhân viên thực thi pháp luật “đáng được khâm phục và biết ơn”. Tổng chưởng lý New York Eric Schneiderman thì gọi đây là một “hành động bạo lực đáng kinh tởm”.

Hai sĩ quan cảnh sát xấu số Wenjian Liu (trái) và Rafael Ramos. Ảnh: Reuters.

Ông chia sẻ: “Tất cả chúng ta đều đau buồn trước thảm kịch này. Mọi suy nghĩ của tôi giờ dành cho thân nhân hai cảnh sát bị sát hại khi đang làm nhiệm vụ”. Trong khi đó, Thị trưởng New York, ông Bill de Blasio cũng đã lên án vụ tấn công và kêu gọi tất cả mọi người hãy thông báo cho nhà chức trách nếu phát hiện bất kỳ thông điệp được đăng tải trên mạng Internet có nội dung đe dọa lực lượng cảnh sát.

Ông Bill de Blasio khẳng định “đây là một vụ ám sát”, và hành động tấn công vào các nhân viên thực thi pháp luật của hung thủ là “hành động đê hèn”, “gây ra cảm giác là mỗi người dân New York đều cảm thấy họ bị tấn công”. Vị Thị trưởng nhấn mạnh: “Khi một cảnh sát bị sát hại, nền tảng xã hội của chúng ta bị phá vỡ. Đây là đòn tấn công vào tất cả chúng ta, vào cả thành phố”. Tuy nhiên, các đại diện công đoàn cảnh sát đã chỉ trích ông De Blasio dữ dội vì lên tiếng ủng hộ những cuộc biểu tình sắc tộc. Chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát New York, ông Ed Mullins nói: “Thị trưởng De Blasio, máu của hai sĩ quan dính trên tay ông”. Còn Chủ tịch Công đoàn Cảnh sát tuần tra Patrick Lynch thì phê phán: “Trách nhiệm còn thuộc về những kẻ kích động bạo lực trên đường phố dưới chiêu bài biểu tình nhằm phá bỏ tất cả những gì cảnh sát New York đã làm”.

Nhiều quan chức cảnh sát cũng lên án nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Al Sharpton và tổ chức Mạng lưới hành động quốc gia (NAN) vì đã nhiều lần lớn tiếng đòi lực lượng cảnh sát phải cải tổ sau các vụ giết hại người da đen. Đáp lại, thông qua mạng xã hội Twitter, ông Sharpton khẳng định, NAN luôn tuân thủ nguyên tắc phi bạo lực: “Mắt đổi mắt chỉ khiến thế giới mù lòa”.

Hung thủ Ismaaiyl Brinsley. Ảnh: AP.

Trưởng nhóm điều tra Sở Cảnh sát New York Robert Boyce cho biết, hai cảnh sát xấu số là Wenjian Liu, 32 tuổi, đã có 7 năm kinh nghiệm trong ngành và mới lập gia đình được 2 tháng, và Rafael Ramos, 40 tuổi, cha của một bé trai 13 tuổi. Cả hai đều bị bắn vào đầu khi họ đang ngồi trên hàng ghế trước của xe tuần tra thuộc lực lượng cảnh sát New York. Trước đó, đại diện cảnh sát New York, ông William Bratton cho rằng, hai cảnh sát này trở thành mục tiêu của tay súng vì họ mặc đồng phục cảnh sát.

Ông Bratton khẳng định: “Họ bị giết, không cảnh báo, không khiêu khích, họ đơn giản là bị ám sát”. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy vụ giết hại liên quan đến khủng bố. Trong khi đó, theo tờ New York Post, các nhà điều tra tin rằng đây là vụ ám sát nhằm trả thù cái chết gần đây của những người da màu được cho là do cảnh sát da trắng gây ra. Còn hãng NBC thì dẫn một nguồn tin hành pháp cho biết, hung thủ đã tìm cách trả thù cảnh sát sau vụ hai người da màu là Eric Gardner và Mike Brown bị cảnh sát da trắng bắn chết.

Kẻ gây ra vụ tấn công trên được xác định là Ismaaiyl Brinsley, 28 tuổi, người da màu, đã tự sát sau khi trốn chạy tại một nhà ga xe điện ngầm gần hiện trường. Cảnh sát Mỹ chẳng lạ gì Brinsley, tên này từng bị bắt giữ ít nhất 19 lần trong thời gian sinh sống ở bang Georgia do các cáo buộc gây rối trật tự, cản trở người thi hành công vụ và đe dọa khủng bố. Ngoài ra, Brinsley cũng từng có thời gian phải điều trị tâm lý. Cũng theo tờ NYDN, Brinsly là thành viên của một tổ chức xã hội đen ở Baltimore, bang Maryland. Trước khi tiến hành vụ tấn công, Brinsley đã sát hại bạn gái cũ ở Baltimore và đăng tải trên mạng xã hội Instagram nhiều thông điệp dọa tấn công cảnh sát.

Vụ hai cảnh sát New York bị sát hại đã làm gia tăng mối quan hệ căng thẳng xưa nay trong xã hội Mỹ giữa các cộng đồng dân cư thiểu số với lực lượng cảnh sát chủ yếu gồm những người da trắng.

Tổng thống Obama thừa nhận rằng, vẫn tồn tại khoảng cách giữa người da trắng và người da màu: “Giống như phần còn lại của Mỹ, người Mỹ da màu nhìn chung đã có cuộc sống tốt hơn hồi tôi bước vào văn phòng Tổng thống. Tuy nhiên, khoảng cách về thu nhập và giàu nghèo giữa người da trắng và người da màu tại Mỹ vẫn tồn tại và chúng ta còn nhiều việc phải làm để giải quyết điều này”.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.