Nhật Bản thông qua Dự luật an ninh mới: Bước ngoặt về chính sách

Chủ Nhật, 20/09/2015, 08:31
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía các nghị sĩ đối lập và cử tri, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh mới nhằm mở rộng vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) ở nước ngoài. 

Như vậy, với sự đồng ý của cả Thượng viện và Hạ viện, dự luật an ninh mới sẽ chính thức trở thành Luật. Đây được coi là một trong những thắng lợi vô cùng quan trọng của Thủ tướng Shinzo Abe và liên minh cầm quyền trong bối cảnh uy tín của ông đang bị sụt giảm nghiêm trọng do những thay đổi về Hiến pháp.
Theo tin từ hãng Reuters, các Thượng nghị sĩ Nhật Bản đã đưa ra quyết định này sau cuộc họp xuyên đêm hôm 18/9. Dự luật an ninh mới cho phép Nhật Bản thực thi một cách hạn chế quyền phòng thủ tập thể hoặc hỗ trợ Mỹ và các nước đồng minh khác bị tấn công vũ trang, ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công. Một điểm then chốt của dự luật là bỏ lệnh cấm thực hiện quyền phòng thủ chung, hay bảo vệ Mỹ hoặc một nước thân thiện khác khi họ bị tấn công, trong trường hợp Nhật đối mặt với "mối đe dọa đến sự tồn tại của mình".
Với 148 phiếu thuận, 90 phiếu chống, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua Dự luật an ninh mới. Ảnh: AP.

Nghĩa là, nó sẽ cho phép liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ trong trường hợp chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, hay tuyến đường biển bị chặn, đe dọa an ninh của Nhật Bản. Động thái này đã đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới lần II. Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Masaaki Yamazaki cho biết, dự luật được thông qua với 148 phiếu thuận, 90 phiếu chống. Thủ tướng Shinzo Abe đã rất “kiên trì” thuyết phục các Thượng nghị sĩ và đưa ra những giải thích cụ thể về các thắc mắc mà các đảng đối lập đưa ra.

Trước đó, vào hôm 17/9, Ủy ban đặc biệt về an ninh thuộc Thượng viện Nhật Bản cũng đã thông qua dự luật, mở đường cho việc ban hành các dự luật này tại phiên họp toàn thể của Thượng viện. Ông Masaaki Yamazaki cũng cho biết, cuộc bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể được tiến hành sau khi đảng đối lập đồng ý không phản đối gay gắt nữa. Tuy nhiên, dù nhận được sự ủng hộ của cả Thượng viện và Hạ viện, song liên minh cầm quyền vẫn đang phải đối mặt với một lượng không nhỏ các cử tri phản đối việc này. Ngay trong ngày 19/9, bên ngoài tòa nhà Quốc hội, đám đông gồm hơn 11.000 người cũng đã tiến hành biểu tình và hô to khẩu hiệu “Hãy bảo vệ hiến pháp”.

Theo các nhà phân tích, việc dự luật an ninh mới được thông qua tại lưỡng viện là một thành công lớn của Thủ tướng Shinzo Abe trong quá trình thực hiện kế hoạch bài bản nhằm tăng cường sức mạnh quân sự Nhật Bản trong suốt hơn 10 năm qua. Nhưng dự luật này cũng gây nên sự chia rẽ lớn trong nội bộ chính giới Nhật Bản mà bằng chứng là tại cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện hồi tháng 7 chỉ có sự tham gia của liên minh cầm quyền còn các đảng đối lập chính đều rời phòng họp để thể hiện sự phản đối. Những người chỉ trích dự luật này cho rằng việc thay đổi chính sách an ninh sẽ vi phạm Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản và khiến nước này sa lầy vào các cuộc chiến tranh do Mỹ cầm đầu.

Còn người đứng đầu chính phủ lại giải thích rằng, điều Nhật Bản cần làm là để đối phó với môi trường an ninh khắc nghiệt như hiện nay. Và nếu tại đất nước mặt trời mọc, có hai luồng quan điểm khác nhau thì cộng đồng quốc tế cũng có nhiều phản ứng trái ngược xung quanh sự kiện này.

Trong khi Mỹ, Anh hoan nghênh dự luật an ninh mới thì Trung Quốc và Hàn Quốc lại bày tỏ thái độ thận trọng về sự thay đổi quan trọng này trong chính sách thời hậu chiến của Tokyo. Trong tuyên bố được đưa ra ngày 19/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh, đạo luật này là "một động thái chưa từng có của Nhật Bản kể từ thời hậu chiến trong lĩnh vực an ninh và quân sự”. Ông Hồng Lỗi nêu rõ: "Gần đây, việc tăng cường sức mạnh quân sự cùng sự thay đổi lớn về các chính sách quân sự và an ninh của Nhật Bản đã khiến cộng đồng quốc tế hoài nghi rằng Tokyo sẽ từ bỏ chính sách phòng thủ và đi chệch hướng khỏi lộ trình hòa bình mà nước này theo đuổi sau Chiến tranh Thế giới lần II”. Còn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thì hối thúc Nhật Bản duy trì tinh thần của bản Hiến pháp chủ trương hòa bình khi Tokyo thực thi các chính sách quốc phòng mới.

Sông Thương
.
.
.