Tình hình Biển Đông gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế

Thứ Sáu, 12/06/2015, 01:29
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam diễn ra vào chiều 11/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, tình hình hiện nay ở Biển Đông đã gây lo ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế và không có lợi cho việc duy trì ổn định, hòa bình ở khu vực.

Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ mọi đóng góp mang tính xây dựng, tích cực, có trách nhiệm của các quốc gia trong cũng như ngoài khu vực giúp duy trì ổn định ở khu vực Biển Đông”.

Trước câu hỏi liên quan tới hoạt động của tàu thăm dò dầu khí mang tên Tân Hải (Bin Hai) 517 của tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển Bình Thuận của Việt Nam vào ngày 6/6 vừa qua, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho hay, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã luôn theo dõi sát các hoạt động của tàu Tân Hải 517: “Như các bạn cũng đã biết các lực lượng chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các hoạt động của tàu Tân Hải 517. Sau khi các lực lượng chức năng của Việt Nam tiến hành các biện pháp cần thiết thì tàu Tân Hải 517 đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam từ ngày 8/6”.

Trước đó, vào khoảng 7h15 ngày 6/6, sau khi xâm nhập vào vùng biển cách đảo Phú Quý 20 hải lý về phía Tây Nam và cách bờ biển Bình Thuận khoảng 40 hải lý, tàu Tân Hải 517 di chuyển chậm về phía vịnh Thái Lan.

Ngay sau khi phát hiện tàu Tân Hải 517 trên vùng biển Bình Thuận, đã có 5 tàu kiểm ngư và 1 tàu Cảnh sát biển của Việt Nam được cử ra theo sát, buộc tàu Tân Hải 517 phải rút ra xa vùng biển này. Tới chiều 6/6, các tàu kiểm ngư sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã rút về đảo Phú Quý. Riêng tàu Cảnh sát biển vẫn theo sát tàu Tân Hải 517 để theo dõi. Tuy nhiên tốc độ di chuyển của tàu Tân Hải 517 rất chậm, chỉ khoảng 3-4 hải lý/h. Vùng biển tàu Tân Hải 517 đang di chuyển cũng là vùng biển có các lô dầu khí của Việt Nam với một số giàn khoan dầu khí của Việt Nam đang hoạt động.

Tàu thăm dò dầu khí Tân Hải 517 của Trung Quốc.

Theo thông tin từ Tổng công ty Dầu khí Trung Quốc (CNOOC), Tân Hải 517 là tàu chuyên khảo sát địa chất dưới biển, phục vụ cho công tác thăm dò dầu khí của CNOOC. CNOOC chỉ thông tin tàu Tân Hải 517 đang di chuyển trên vùng biển “cực Nam Hải” (cách gọi của Trung Quốc về vùng biển phía Nam biển Đông) mà không nói rõ con tàu này sẽ đi đâu.

Trong khi đó toàn bộ khu vực Nam biển Đông là vùng biển Trung Quốc không có quyền thăm dò, khai thác dầu khí, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Thực tế hải trình những ngày qua cho thấy tàu Tân Hải 517 đã đi xuyên qua vùng biển DK2, tiếp tục đi xuống vùng biển DK1, vịnh Thái Lan, nơi có nhiều giàn khoan của Việt Nam đang hoạt động. Thông tin từ Cục Hải dương Trung Quốc cho thấy tàu Tân Hải 517 xuất phát từ đảo Hải Nam ngày 2/6 và dự kiến đến vịnh Songkhla của Thái Lan ngày 10/6.

Cũng tại cuộc họp báo, khi được hỏi bình luận về phản ứng của Trung Quốc trước tuyên bố chung của Nhóm bảy nền công nghiệp phát triển (G7) phản đối Bắc Kinh cải tạo đảo tại Biển Đông, ông Lê Hải Bình bày tỏ quan ngại sâu sắc: “Chúng ta đều thấy rõ tình hình hiện nay tại Biển Đông đã gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế và rõ ràng không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như Biển Đông. Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ mọi đóng góp mang tính xây dựng, tích cực và có trách nhiệm của các quốc gia trong và ngoài khu vực vì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Trước đó, ngày 8/6, Hội nghị thượng đỉnh G7 đã bế mạc sau hai ngày làm việc tại lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, với Tuyên bố chung đề cập tới nhiều vấn đề khu vực và thế giới.

Trong Tuyên bố chung, G7 nhấn mạnh cần duy trì trật tự hàng hải theo luật pháp quốc tế cũng như bảo đảm an ninh hàng hải quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột một cách hòa bình cũng như bảo đảm tự do hàng hải và khai thác kinh tế biển một cách hợp pháp.

G7 cũng cương quyết phản đối việc sử dụng các biện pháp đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng biển, như việc mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn thời gian gần đây ở Biển Đông. Cũng theo tuyên bố, ngoại trưởng các nước G7 phản đối bất cứ nỗ lực khẳng định chủ quyền lãnh thổ hoặc hàng hải thông qua các hình thức đe dọa, ép buộc hoặc vũ lực.

Phản ứng trước Tuyên bố chung của G7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, G7 đã “phát biểu vô trách nhiệm” khi lên án các hoạt động cải tạo đảo trái phép nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông của Trung Quốc. 

Ông Hồng còn biện bạch rằng, các hoạt động xây đắp trái phép của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích dân sự. Dù vậy, ông này cũng hăm dọa rằng, Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Việt Nam và Philippines sẽ chịu tác động môi trường vì Trung Quốc

Đó là nhận định của cựu Bộ trưởng Môi trường Philippines Angel Alcala về các hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo ông, Việt Nam và Philippines sẽ là những quốc gia đầu tiên chịu tác động môi trường do các hoạt động này.

Ông Alcala đặt câu hỏi “Không hiểu tại sao các nhà khoa học Trung Quốc không hề đề cập vấn đề này?”. Rồi ông giải thích: “Các đảo san hô vòng rất quan trọng ở biển Đông. Tại trung tâm của các đảo san hô vòng là những vụng biển, ở đó có nhiều loài cá và ấu trùng. Ấu trùng di chuyển đến các quốc gia khác nhau nhờ vào những dòng hải lưu. Nếu bao quanh vụng biển là đường giao thông hoặc máy bay, xác suất ấu trùng thoát ra ngoài sẽ sụt giảm”.

Theo đó, các hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá vì ấu trùng không thể phát triển thành cá trưởng thành. Dần dần, sẽ phá hủy cuộc sống của các khu dân cư ven biển. Theo đó, ông Alcala cho rằng, thế giới nên “ép” Trung Quốc ngừng hành vi bồi đắp đảo phi pháp.

Khổng Hà
.
.
.