Xung đột biển Đông từ góc nhìn ASEAN

Chủ Nhật, 28/06/2015, 09:05
Với nhiều luận điểm và góc nhìn đa chiều về tình hình thực tế, các diễn giả tham gia hội thảo quốc tế về biển Đông do Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) tổ chức tại thủ đô Jakarta của Indonesia hôm 26/6 đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm giải quyết những xung đột trong khu vực.

Đúng như nhiều nhà phân tích và giới chức các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản… đã nhấn mạnh, ASEAN phải thực sự đóng vai trò trung tâm trong việc chống lại những hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng biển Đông, gây mất an ninh trong khu vực. 

Giải pháp lâu dài COC

Diễn ra trong bối cảnh tình hình biển Đông ngày càng phức tạp, đặc biệt là những hành động đơn phương bồi đắp bãi đá, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, hội thảo quốc tế mang tên “Quản lý xung đột biển Đông từ góc nhìn ASEAN” do CSEAS tổ chức đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia quốc tế về biển Đông, các nhà hoạch định chính sách, nhà ngoại giao, các học giả và giới nghiên cứu về biển Đông cùng các quan chức trong ASEAN. 

Tại 3 phiên làm việc với các nội dung: thực trạng hiện tại của sự phát triển khu vực biển Đông; vấn đề ASEAN và biển Đông; quản lý xung đột và tương lai của biển Đông, các diễn giả không những đưa ra nhiều luận điểm và góc nhìn đa chiều về tình hình thực tế cũng như kêu gọi các bên liên quan tích cực và thiện chí, không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông mà còn thảo luận về các giải pháp tốt nhất trong quản lý và làm giảm sự căng thẳng giữa các bên, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.

Cách đây vài ngày, Đài Truyền hình Trung Quốc đưa tin là nước này đã hoàn tất việc xây dựng đảo nhân tạo và tiến tới giai đoạn thiết lập hạ tầng cơ sở. Ảnh: Sina.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh, hòa bình và ổn định, dù trên đất liền hay trên biển sẽ là nền tảng vững chắc cho một Cộng đồng ASEAN phát triển và thịnh vượng. Việc quản lý có hiệu quả các điểm nóng trong khu vực, đặc biệt là các tranh chấp ở biển Đông, là một khía cạnh quan trọng của ASEAN. 

Hiện nay, vai trò quản lý của ASEAN trong vấn đề này mới chỉ dừng lại ở việc thành lập đường dây nóng phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, đường dây nóng về các trường hợp khẩn cấp trên biển. Vì vậy, có thể coi vấn đề biển Đông như là một phép thử của vai trò trung tâm ASEAN và là cốt lõi của kiến trúc an ninh khu vực. 

Theo Tổng thư ký ASEAN, sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN sẽ góp phần đưa những thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc đi vào thực chất và duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông... Việc giải quyết vấn đề này nhất thiết phải dựa trên các giải pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và nguyên tắc 6 điểm về biển Đông của ASEAN. 

Riêng về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), ông Lê Lương Minh cũng cho biết, các đại biểu tham dự hội thảo, đại diện các quốc gia và tổ chức trên thế giới đều muốn ASEAN và Trung Quốc sớm đi đến thỏa thuận cuối cùng và đây là một giải pháp lâu dài, hỏi đòi sự nỗ lực của các bên liên quan.

Chống lại hành động đơn phương

Đồng quan điểm này với Tổng thư ký ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi khẳng định, các quốc gia có tranh chấp trên biển Đông cần cùng nhau tìm kiếm các giải pháp giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế và vì môi trường hòa bình chung trong khu vực. 

Và vấn đề này chỉ có thể được giải quyết dựa trên nhận thức đầy đủ, hiểu biết sâu sắc về các thách thức cũng như cơ hội đặt ra hiện nay và với sự chủ động, tích cực dựa trên tinh thần hợp tác của tất cả các bên liên quan. Điều đó cũng có nghĩa là những hành động đơn phương một cách cố tình không chỉ làm xói mòn lòng tin giữa các bên mà còn càng làm gây “sóng gió” trong khu vực.

Đề cập đến những diễn biến phức tạp, gần đây trên biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia thành viên ASEAN, nhiều đại biểu nhấn mạnh, đây là vấn đề cần phải giải quyết sớm bởi biển Đông là khu vực có tầm quan trọng như là một ngư trường sản xuất giàu tiềm năng và là tuyến giao thông huyết mạch trên biển (SLOC) liên kết với Ấn Độ Dương và Đông Á. Chiếu theo luật pháp quốc tế và UNCLOS, những hành động đơn phương trên các vùng biển tranh chấp là không thể chấp nhận. 

Có đại biểu dẫn lại lời của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken, gọi hành động bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông là “mối đe dọa cho hòa bình và ổn định”. Đồng thời, các đại biểu cũng kêu gọi Trung Quốc sớm chấm dứt các hành động nói trên và giải quyết các bất đồng phù hợp với luật pháp.

Tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 26/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Quốc hội trước sự việc Trung Quốc tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, đe dọa cuộc sống yên bình của người dân và hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có báo cáo trước Quốc hội về nội dung này. Ngoài ra, tại nhiều cuộc họp báo quốc tế, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã trả lời báo chí, khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề này. Theo đó, những hoạt động xây dựng và mở rộng đảo đá quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp và cũng không thay đổi thực tế là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Liên quan đến vấn đề này, Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và sẽ có những tuyên bố chính thức khi cần thiết.
Huyền Chi
.
.
.