IMF: Hy Lạp cần 60 tỷ euro để ổn định tài chính

Thứ Bảy, 04/07/2015, 11:51
Trong lúc Hy Lạp còn đang loay hoay với việc trả nợ và cuộc trưng cầu dân ý về cắt giảm chi tiêu thì Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lại làm nóng các cuộc “đàm phán nợ” của nước này bằng tuyên bố rằng, Athens cần tới 60 tỷ euro để ổn định tài chính và 20 năm ân hạn về trả nợ.

Hai thập kỷ ân hạn trả nợ

Báo cáo mới nhất về nhu cầu tài chính của Hy Lạp được IMF đưa ra hôm 2/7 khẳng định rằng, Athens cần ít nhất 60 tỷ euro nữa, trong đó có 36 tỷ euro từ các đối tác cho vay ở châu Âu (EU) để ổn định tình hình tài chính nước này. Đồng thời, IMF cũng khẳng định, các khoản nợ của Hy Lạp là không bền vững và dự báo tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm từ mức 2,5% (trong dự báo trước) xuống còn 0%. Chưa hết, IMF còn cảnh báo rằng, Hy Lạp sẽ cần gia hạn các khoản vay từ EU của nước này và xóa một khoản nợ lớn nếu kinh tế Hy Lạp tăng trưởng chậm hơn dự kiến và các chương trình cải cách kinh tế không được thực hiện. 

Các chuyên gia của IMF khẳng định, tình hình tài chính của Hy Lạp thậm chí còn tệ hơn so với mức đánh giá ban đầu của họ khi nước này đang chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 về việc có chấp nhận đòi hỏi của những chủ nợ thực hiện thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đổi lấy các khoản vay cứu nguy mới hay không. Đồng thời, giới chức IMF cũng nhấn mạnh rằng, họ không được chuẩn bị để đưa một đề nghị cho một gói cứu trợ thứ 3 dành cho Hy Lạp. 

Những người ủng hộ nói “không” với cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp đang thể hiện quan điểm của mình bằng cách xé và đốt cờ EU. Ảnh: EPA.

Theo IMF, Hy Lạp cần phải có một thời gian ân hạn 20 năm trước khi thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nợ và thanh toán cuối cùng diễn ra vào năm 2035. Nghĩa là, trong vài tháng tới, Athens cần ngay  10 tỷ euro và 50 tỷ euro có thể được cấp trong thời gian sau đó.

Được biết, báo cáo mà IMF công bố chỉ một ngày sau khi Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde khẳng định, Hy Lạp cần cải tổ trước khi muốn các chủ nợ châu Âu cứu trợ bởi lẽ IMF từng bị chỉ trích vì phá vỡ quy định khi cho Athens vay tiền và đồng tình với các biện pháp khắc khổ mà Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) áp đặt với nước này. 

Bà Christine Lagarde còn cho rằng, chính phủ Hy Lạp đã quá chậm chạp trong việc bán những tài sản của nhà nước và sẽ cần thêm những khoản vay cứu nguy tài chính mới từ nay cho đến năm 2018. Tổng Giám đốc IMF nói: “4 năm trước, chúng tôi đã dự đoán Hy Lạp sẽ huy động 58 tỷ euro và tư nhân hóa tài sản của chính phủ nhưng đến giờ, nước này mới thu được 3,5 tỷ euro. Đó là lỗi do cơ chế quản lý và sự phản ứng chậm chạp”.

Và những kịch bản sau ngày 5/7

Trên thực tế, từ vài tháng trước, Chính phủ Hy Lạp đã cấp tập thương thuyết với các chủ nợ châu Âu và IMF nhằm nới thời hạn thanh toán các khoản vay. Tuy nhiên, những quyết định cứng rắn của Thủ tướng Alexis Tsipras đã khiến các cuộc đàm phán bị đổ bể. Kết quả là Hy Lạp không trả được khoản vay 1,6 tỷ Euro từ IMF hôm 30/6 bởi các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) từ chối gia hạn chương trình cứu trợ cho nước này. Tiếp đó, ECB cũng đã đóng băng mức trần hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng của Hy Lạp, đẩy nước này vào tình thế tuyệt vọng vì không thể có thêm khoản cứu trợ nào nữa. 

Theo nhiều nhà phân tích, nếu Hy Lạp không thể trả nợ cho ECB vào ngày 20/7, đây sẽ là dấu chấm hết cho quốc gia này. Và cuộc trưng cầu dân ý về việc có chấp nhận đòi hỏi của những chủ nợ thực hiện thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đổi lấy các khoản vay cứu nguy mới hay không vào ngày 5/7 coi như là một cách để đánh giá tương lai của nước này.

Hiện nay, các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và chủ nợ vẫn đang diễn ra cầm chừng. Trong trường hợp các cuộc đàm phán thất bại, Hy Lạp bị đẩy đến chỗ phải tuyên bố không có khả năng trả nợ và có nguy cơ ra khỏi khu vực đồng euro. Nếu Hy Lạp ra khỏi Eurozone, lạm phát của nước này sẽ gia tăng khi phải quay trở lại với đồng tiền cũ là đồng drachme, kéo theo đó là những hậu quả tệ hại về mặt xã hội. Còn GDP của toàn khu vực đồng Euro sẽ giảm 2%, các nước EU cũng chịu thiệt hại lớn và đồng euro sẽ rơi vào một chu kỳ đầy bất trắc, gây ra nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế độc lập tại Hy Lạp Petros Diplas, không ai, kể cả chủ nợ của Hy Lạp muốn điều này xảy ra. Hơn thế nữa, Đức, nền kinh tế mạnh nhất châu Âu vẫn ủng hộ việc giữ nước này trong Eurozone. Trong trường hợp đàm phán thành công, có nghĩa là Hy Lạp sẽ nhận được viện trợ tài chính để trả nợ, thì điều đáng được quan tâm là Hy Lạp phải trả giá như thế nào.

Phan Hiển
.
.
.