Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bị nợ, trục lợi

Thứ Ba, 07/11/2017, 15:50
Sáng 7-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2017; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.


Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội nhiều nhưng khó xử lí

ĐB Bùi Văn Cường (Gia Lai) phát biểu làm rõ những vướng mắc, bất cập trong vấn đề công đoàn khởi kiện, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. ĐB viện dẫn các quy định của pháp luật về việc tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích chính đáng của người lao động bị xâm phạm.

Hiện nay, các doanh nghiệp nợ bảo hiểm của công nhân khá phổ biến, sau gần 2 năm thực hiện các cấp công đoàn đã tiếp nhận 2.705 bộ hồ sơ do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển sang, 20 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã gửi đơn khởi kiện đến các cấp Tòa án, 187 vụ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, số còn lại không gửi nữa do không được thụ lý giải quyết.

Trong 187 vụ do công đoàn khởi kiện, Tòa án nhân dân các cấp đã hòa giải thành công 18 vụ. Tòa án cấp huyện ở một tỉnh thụ lý 2 vụ án, 48 vụ trả lại hồ sơ, số còn lại Tòa án không thụ lý giải quyết với 3 vì không có giấy ủy quyền của những người lao động hoặc công đoàn cơ sở cho công đoàn cấp trên khởi kiện; không thuộc thẩm quyền giải quyết và tranh chấp chưa được Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết.

“Việc công đoàn cơ sở uỷ quyền là rất khó bởi lẽ công đoàn cơ sở, người lao động tại chính doanh nghiệp không thể và không dám ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện chính doanh nghiệp của mình. Nếu làm điều này đồng nghĩa với nguy cơ cao sẽ mất việc làm” – ĐB nêu rõ.

ĐB cũng nhấn mạnh đến số liệu các doanh nghiệp trốn đóng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hiện nay ước khoảng gần 12.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hiện nay có khoảng hơn 2.000 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, tồn tại cầm chừng hoặc doanh nghiệp bỏ trốn, không thể thu hồi, nghĩa là quyền lợi của 193 nghìn người lao động ở các doanh nghiệp này cũng bị treo chưa có hướng giải quyết.

Việc doanh nghiệp trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội trong đó không ít doanh nghiệp hàng tháng vẫn trừ một phần tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội.

ĐB đưa ra các giải pháp đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết tình trạng các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động, tránh thiệt thòi cho công nhân.

Cần tăng cường thanh, kiểm tra tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đắk Lắk  góp ý về phương hướng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng năm 2018,  đề nghị bổ sung thêm phần phải thanh, kiểm tra tính minh bạch, ngăn chặn hành vi trục lợi bảo hiểm y tế.

ĐB nêu rõ qua các phương tiện thông tin thấy Quỹ bảo hiểm y tế đang bị trục lợi một cách nghiêm trọng.

“Tôi cho rằng tham nhũng lĩnh vực bảo hiểm y tế rất nguy cấp. Từ vụ Công ty VN Pharma buôn bán hàng giả là thuốc ung thư mới lộ ra câu chuyện đấu thầu thuốc chữa bệnh. Dư luận, cử tri thật sự đau lòng và bất bình, khi chi phí cho thuốc chui được vào đến các cơ sở khám, chữa bệnh thì lại đội giá cao gấp 3 lần giá thuốc. Tham nhũng chính là ở đây, chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2017 bảo hiểm xã hội đã từ chối thanh toán tới 3.000 tỷ đồng. Tôi xin nhấn mạnh đây là con số 3 nghìn tỷ đồng, do việc đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ các cơ sở khám, chữa bệnh không hợp lệ. Câu hỏi đặt ra là trong số hàng nghìn tỷ đồng này có bao nhiêu trăm tỷ bị vẽ ra để thanh toán tiền khám, chữa bệnh từ Quỹ bảo hiểm y tế” - ĐB Nguyễn Thị Xuân trăn trở.

ĐB cũng nêu dẫn chứng đánh giá của các chuyên gia thì giá thuốc và vật tư thiết bị y tế chiếm tỷ lệ 65% chi phí khám, chữa bệnh, do đó thất thoát do tham nhũng, trục lợi trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế chỉ cần lợi dụng một ít thôi thì thiệt hại đã vô cùng nghiêm trọng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin thì khả năng năm 2017 sẽ bội chi Quỹ bảo hiểm y tế khoảng 10 nghìn tỷ đồng, chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân sẽ bị kém đi, nguyên nhân một phần cũng từ thất thoát, trục lợi từ Quỹ bảo hiểm y tế.

ĐB cũng đặt vấn đề bất cập trong việc lãng phí, thất thoát, trục lợi BHYT nhiều, trong khi BHYT chưa chi trả cho việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư dẫn đến không được phòng ngừa kịp thời dẫn đến người bệnh nhiều, cơ hội chữa bệnh giảm, tốn kém tiền bạc, đồng thời đề nghị năm 2018 cần phải có thanh tra làm rõ, lập lại tính minh bạch, công khai trong lĩnh vực khám chữa bệnh để bảo đảm an sinh xã hội, mọi người dân được khám chữa bệnh, chăm sóc tốt hơn.

Thu Thuỷ
.
.
.