Cho phép cơ sở cai nghiện ma tuý tư nhân được cai nghiện tự nguyện

Thứ Sáu, 11/09/2020, 16:39
Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 điều, so với Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều mới.

Chiều 11/9, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 48, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi).

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật cho biết việc sửa đổi Luật phòng chống ma tuý nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về "tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy và thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết về công tác phòng chống ma tuý.

Cần thiết phải sửa Luật Phòng chống ma tuý

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn như chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Còn một số bất cập trong quy định về công tác cai nghiện.

Thứ trưởng Lê Quý Vương trình bày Tờ trình Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi)

“Số người nghiện gia tăng, năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12/2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 60%), xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp. 

Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp khó khăn, người nghiện ở ngoài xã hội nhiều, tác động rất lớn đến tình hình trật tự, an toàn, xã hội; đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu, hiệu quả không cao, nhiều địa phương làm mang tính hình thức; công tác quản lý sau cai tại nơi cư trú và tại cơ sở quản lý sau cai không còn phù hợp; chưa có quy định về cai nghiện ma túy với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy.

Công tác xã hội hóa cai nghiện còn nhiều khó khăn, hiện nay các cơ sở cai nghiện do các tổ chức, cá nhân thành lập chưa được quan tâm và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, trong khi đây là lĩnh vực lợi nhuận không cao nên không thu hút được các nhà đầu tư. Cơ sở vật chất ở một số cơ sở cai nghiện còn thiếu, xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng, dẫn đến khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, dễ gây bức xúc cho học viên. Các học viên sau khi cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về cộng đồng khó kiếm việc làm để ổn định cuộc sống” – Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.

Ngoài ra, Tờ trình của Chính phủ còn nêu các khó khăn trong việc chưa thống  nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về phòng chống ma tuý và  một số vấn đề của thực tiễn đang đặt ra, nhưng luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 chưa đáp ứng được.

“Phòng, chống ma túy là lĩnh vực đặc thù, có nhiều hiểm nguy, trung bình trong 5 năm gần đây, cả nước phát hiện khoảng 20.000 vụ với trên 30.000 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy, khối lượng chất ma túy thu giữ tính bằng tấn. Tội phạm ma túy trong nước tổ chức, câu kết với các đối tượng người nước ngoài ngày càng chặt chẽ, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia phần lớn sinh sống ở nước ngoài. Cán bộ trong lĩnh vực phòng, chống ma túy luôn đứng trước các hiểm nguy, hy sinh, nguy cơ lây nhiễm HIV... 

Nhưng Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho cơ chế phối hợp điều tra của lực lượng điều tra trong nước với các nước, các tổ chức phòng, chống ma túy quốc tế; chưa có chính sách ưu đãi đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế” – Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết.

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 điều, so với Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều mới.

Kiểm soát tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma tuý

Đặc biệt, theo dự Luật, đã bổ sung khái niệm thuốc tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Đây là loại thuốc cần đưa vào hoạt động kiểm soát liên quan đến ma túy, không để tội phạm lợi dụng sản xuất ma túy từ các loại thuốc này và bổ sung nhiều quy định trong chính sách phòng, chống ma tuý; quy định cụ thể trách nhiệm phòng chống ma tuý cho cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức, các cơ quan chuyên trách.

Lần đầu sử dụng ma tuý cũng sẽ bị quản lý

Theo dự án Luật, việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy, mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy, điều này có tác dụng rất tốt ngay chính với người sử dụng trái phép chất ma túy, gia đình của họ và xã hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi)

Người sử dụng trái phép chất ma tuý đủ 18 tuổi sẽ bị quản lý từ 1 năm trở lên;  người dưới 18 tuổi bị quản lý 6 tháng kể từ ngày xác định được hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gần nhất của người đó.

Cơ sở cai nghiện ma tuý tư nhân được cai nghiện tự nguyện

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, chính sách cai nghiện theo hướng tạo điều kiện cho người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; nếu người nghiện vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy hoặc vi phạm bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc lợi dụng việc cai nghiện tự nguyện để không bị áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc thì sẽ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác cai nghiện bắt buộc, xây dựng các cơ sở công lập; hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác cai nghiện tự nguyện. 

Có chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác cai nghiện. Khuyến khích thành lập các cơ sở cai nghiện tư nhân. Cán bộ làm việc tại cơ sở cai nghiện công lập được sử dụng trang phục thống nhất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để góp phần bảo vệ cho cán bộ, đồng thời có cơ sở để xử lý các hành vi chống đối người thi hành công vụ trong các cơ sở cai nghiện công lập, góp phần không để xảy ra tình trạng gây rối, bỏ trốn tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đối với người nghiện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân được tổ chức hoạt động cai nghiện tự nguyện. Chỉ có cơ sở cai nghiện ma túy công lập mới tiếp nhận người nghiện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tại các cơ sở có bố trí các khu riêng phù hợp với từng đối tượng và để đảm bảo quyền lợi cho người cai nghiện.

Việc tiến hành cai nghiện tại gia đình, cộng đồng do cơ quan chuyên môn thực hiện. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân và các cơ sở y tế, xã hội khác có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ được phép cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Tạo điều kiện cho người nước ngoài cai nghiện

Luật cũng bổ sung quy định về cai nghiện ma túy cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy. Theo đó tạo điều kiện cho người nước ngoài cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện, nếu không đăng ký cai nghiện tự nguyện thì trục xuất về nước. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài bị trục xuất về nước do nghiện ma túy thì phải đến cơ quan chuyên môn xác định tình trạng nghiện, nếu có kết quả xác định là nghiện thì thực hiện theo các quy định về cai nghiện.

 

 

 

 

 


Phương Thuỷ
.
.
.