Công bằng, minh bạch hơn trong dịch vụ công

Thứ Sáu, 31/05/2019, 09:05
Là cánh cửa mở rộng cho các thành phần kinh tế tham gia vào dich vụ công, Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên được kỳ vọng sẽ giúp công bằng, minh bạch hơn trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công. 

Đây là thông tin được đại diện Bộ Tài chính đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề chiều 29-5.

Theo ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, việc xây dựng và ban hành Nghị định 32/2019/NĐ-CP nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

Giáo dục mầm non thuộc nhóm dịch vụ giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.

Đặc biệt, Nghị định quy định một cách toàn diện, thống nhất về các vấn đề liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công, tạo công bằng, minh bạch trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN). Mục tiêu của Nghị định 32 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của Nhà nước.

Đáng lưu ý, Nghị định 32 quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu; trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập và nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công khác; trách nhiệm của cơ quan theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả.

Theo phụ lục kèm Nghị định, ngoài các nhóm dịch vụ được quy định rõ hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu, có 78 nhóm dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN theo ngành, lĩnh vực được lựa chọn hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.

Trước ý kiến nghi ngại liệu việc đấu thầu có hiện tượng “quân xanh quân đỏ”, gây đội chi phí NSNN, hay có áp “khung” ngân sách để chỉ định hình thức thực hiện, ông Trường cho biết, những quy định về đấu thầu đều đã được cụ thể hóa trong Luật Đấu thầu. Những quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP sẽ giúp cơ quan thực hiện dễ dàng áp dụng cũng như cơ quan giám sát có cơ sở đánh giá rõ ràng hơn.

Từ đó nâng cao tính hiệu quả của việc sử dụng dịch vụ công và hiệu quả của việc sử dụng NSNN. Theo ông Trường, bước đầu thực hiện Nghị định 32 có thể sẽ còn khó khăn vướng mắc nhất định do các bộ, ngành sẽ phải thực hiện đánh giá, sắp xếp lại. Nhưng khi việc thực hiện đi vào nền nếp thì sẽ có nhiều thuận lợi, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN cho các dịch vụ công.

Tại một cuộc hội thảo với nội dung Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công vừa được tổ chức vào trung tuần tháng 5, giới chuyên gia cũng cho rằng huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ công sẽ mang đến nhiều lợi ích.

Đặc biệt, lợi ích quan trọng nhất là “thoái sức” Nhà nước ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công không cần thiết, thu gọn bộ máy quản lý nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi.

Hà An
.
.
.