Nâng cao chất lượng, hiệu quả xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế

Thứ Tư, 18/10/2017, 17:11
Ngày 18-10, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) do Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dẫn đầu, đã công bố Kết luận kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại địa bàn 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình.


Dự buổi làm việc có đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Nam Định; đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư tỉnh uỷ Thái Bình và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đại diện lãnh đạo các cơ quan được kiểm tra của 2 tỉnh Nam Định, Thái Bình…

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi công bố Kết luận kiểm tra, giám sát tỉnh Nam Định

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Phó trưởng Đoàn công tác số 2 trình bày Dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, các vụ án tham nhũng, án kinh tế nghiêm trọng tại tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình. 

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phát biểu ý kiến về Dự thảo Kết luận kiểm tra và bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với Dự thảo Báo cáo Kết luận kiểm tra. 

Các đại biểu cũng đã thống nhất nhìn nhận tình hình tham nhũng, sai phạm về kinh tế còn phức tạp. Đoàn công tác số 2 đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu 2 tỉnh, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh Dự thảo Báo cáo để báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Đoàn Công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tại Thái Bình.

Thay mặt Đoàn công tác, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân và các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Nam Định và Thái Bình đã đạt được trong công tác PCTN, lãng phí.

Để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định và Thái Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”; 

Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá”; Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”. Đẩy mạnh công tác thanh tra đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; thường xuyên thành lập các đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề. 

“Cần chú ý thanh tra đầy đủ nội dung, theo đúng quy trình, kết luận thanh tra bảo đảm chất lượng, chỉ rõ trách nhiệm và kiến nghị xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm cả về Đảng, chính quyền; chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến Cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; không để việc khiếu kiện kéo dài, gây phức tạp về an ninh, trật tự, hình thành điểm nóng…” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đặc biệt lưu ý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tự kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng xảy ra ở cơ quan, tổ chức, đơn vị phụ trách; khắc phục những tồn tại, hạn chế, tránh thất thoát, lãng phí. 

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định và Thái Bình cũng cần tập trung chỉ đạo các cơ quan tư pháp kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế, chú trọng công tác giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. 

Thường xuyên phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, đảm bảo yêu cầu chính trị, nghiệp vụ và pháp luật. Đồng thời có giải pháp hiệu quả thu hồi tài sản thiệt hại trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, từng bước đẩy lùi tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương…

Trần Xuân
.
.
.