Dân chấm điểm dịch vụ hành chính công

Thứ Ba, 29/08/2017, 14:20

Không chỉ đề nghị xem xét vấn đề con người, lựa chọn cán bộ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng còn yêu cầu các địa phương, ban, ngành phải đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và giám sát thủ tục hành chính.


Chuyển từ chính phủ quản lý sang chính phủ phục vụ

Sáng 29-8, phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính do Văn phòng Chính phủ phối hợp với tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, chính phủ kiến tạo cần tập trung xây dựng thể chế, cải cách, thủ tục hành chính, thay dần tư duy quản lý sang một nhà nước lấy người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ, nỗ lực tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn.

Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP

Lấy ví dụ từ việc Thủ tướng cho mở trang web kết nối Chính phủ với doanh nghiệp, Chính phủ với người dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ do người đứng đầu Văn phòng Chính phủ chủ trì để tiếp nhận mọi vấn đề liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp, người dân rồi sàng lọc và chuyển ý kiến đến các đơn vị, địa phương để giải quyết, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng nghị định không chỉ dừng ở nâng cấp, hoàn thiện các quy định mà còn đảm bảo tính hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương.

Hiện số lượng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành là 3.194/6.384, chiếm 50% số lượng thủ tục hành chính đang có hiệu lực. Tuy nhiên, đến nay, việc giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành vẫn chỉ được giám sát trên cơ sở báo cáo, rất ít bộ, ngành có một hệ thống chung theo dõi việc giải quyết. Đồng thời, việc nhập thông tin vào từng quy trình giải quyết tại hệ thống phụ thuộc nhiều vào ý thức của công chức thực hiện nên hiệu quả theo dõi cũng không cao.

Nhiều đại biểu, đại diện các địa phương, ban, ngành đã tới tham dự hội thảo sáng 29-8 tại Hà Nội. ảnh: T.Phương

Vì thế, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại hội thảo lần này, các đại biểu, đại diện các Bộ, ban, ngành và địa phương phải lưu ý tới 5 tồn tại lớn cần khắc phục nhằm triển khai tốt hơn cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đó là: làm rõ nguyên tắc lấy cá nhân, tổ chức làm trung tâm phục vụ tức là tạo phương thực hiện thủ tục hành chính đa dạng cho cá nhân, tổ chức lựa chọn, công khai minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính; mở rộng phạm vi thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cấp, hoàn thiện các quy định về tổ chức, cơ chế vận hành của bộ phận Một cửa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và quy phạm hóa công tác đánh giá chất lượng.

Cần tiêu chí để người dân giám sát

Một số ý kiến từ ban soạn thảo dự thảo nghị định cũng cho rằng nên áp dụng kinh nghiệm thực hiện "Sáng kiến Dân chấm điểm dịch vụ công" (Sáng kiến M-Score) mà Oxfam cùng với Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã triển khai hiệu quả trong 2 năm qua.

Một bộ phận một cửa ở Quảng Ninh. ảnh: Quang Minh
Các kênh phản hồi về chất lượng dịch vụ gồm đường dây nóng, gọi điện phỏng vấn người dân, người dân chấm điểm dịch vụ công qua máy tính bảng đặt tại các văn phòng một cửa cấp huyện... Nếu người dân chấm điểm càng cao về mức độ hài lòng, tỷ lệ hồ sở được giải quyết đúng hẹn tăng, giảm số ngày hoàn thành thủ tục và giảm cả các trường hợp người dân phải trả các chi phí ngoài quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình Quản trị của Oxfam tại Việt Nam cho rằng, việc người dân được phản hồi về chất lượng dịch vụ hành chính công sẽ trở thành động lực mạnh mẽ giúp thay đổi thái độ, hành vi của cán bộ hành chính và chất lượng dịch vụ. Điều này cũng tạo ra thay đổi theo hướng là đơn vị cung cấp dịch vụ thì phải làm hài lòng khách hàng, thay vì là đơn vị áp đặt quyền lực như trước đây.

Bà Nguyễn Thu Hương kiến nghị, Nghị định cần quy định các cơ chế khách quan, độc lập với các phương pháp và tiêu chỉ để người dân và doanh nghiệp tham gia giám sát dịch vụ hành chính công; trong đó có tính đến các điều kiện phù hợp để các nhóm yếu thế như người dân tộc thiểu số và người khuyết tật tham gia phản hồi và giám sát.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ có Trung tâm hành chính công theo khu vực

Theo dự thảo nghị định, đối với cấp tỉnh, bộ phận một cửa được tổ chức tập trung và lấy tên gọi là trung tâm hành chính công cấp tỉnh. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức các điều kiện vật chất để đại diện của các cơ quan hành chính nhà nước đến tập trung thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả và kiểm soát quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Trung tâm này trực thuộc hệ thống văn phòng, do lãnh đạo văn phòng đứng đầu thực hiện kiêm nhiệm và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Riêng đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, để phù hợp với nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, tại dự thảo đã giao cho chủ tịch UBND thành phố quy định tổ chức từ 1-3 trung tâm hành chính công theo khu vực. Lý do được đưa ra là vì hai thành phố lớn này với những đặc thù riêng như mật độ dân số lớn, số lượng giao dịch thủ tục hành chính lớn, hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập, số lượng biên chế công chức nhiều so với các tỉnh khác và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính còn chưa bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất, tương thích... thì việc tổ chức trung tâm hành chính công cấp tỉnh là chưa phù hợp. Thay vào đó, hai thànhphố này nên tiếp tục việc thực hiện phân tán như hiện nay và đẩy mạnh việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến.

Huyền Chi
.
.
.