Đề xuất quân hàm cấp tướng đối với Giám đốc Công an địa phương để phù hợp thực tiễn

Thứ Năm, 24/05/2018, 19:50
Chiều 24-5, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 9 để thẩm tra Luật CAND (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dự và chỉ đạo phiên họp.

Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày Báo cáo tóm tắt Tờ trình dự án Luật CAND (sửa đổi). 

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá XIII, Luật CAND năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2015. Thực hiện quy định của luật này, tổ chức, hoạt động của lực lượng CAND đã từng bước đi vào ổn định, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng CAND trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh trật tự, trong đó việc sửa đổi, bổ sung Luật CAND năm 2014 là cấp thiết. Luật CAND (sửa đổi) gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật năm 2014 bổ sung 4 điều; sửa đổi, bổ sung 31 điều; bỏ 1 điều…

Được giao thẩm tra dự án luật này, UBQPAN cơ bản tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi luật CAND, nhằm hướng tới xây dựng Bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Song vẫn còn 7 vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nên  Thường trực UBQPAN đề nghị các đại biểu tiếp tục thảo luận, góp ý trước khi trình ra Quốc hội xem xét, có ý kiến (dự kiến vào ngày 7-6 tới).

Báo cáo ý kiến của Thường trực UBQPAN về dự án Luật này, Phó Chủ nhiệm UBQPAN Lê Đình Nhường cho biết: Thường trực UBQPAN tán thành với dự thảo Luật quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với các đơn vị thuộc Bộ, vì cho rằng cơ cấu tổ chức của Bộ Công an được điều chỉnh theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, không tổ chức cấp tổng cục. 

Theo đó, cấp cục là cấp nghiên cứu, tham mưu chiến lược; có vai trò chỉ đạo, hướng dẫn toàn lực lượng; là đơn vị đầu ngành, trực tiếp chiến đấu trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo lĩnh vực được phân công; các đơn vị trực thuộc Bộ được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ nhiều đơn vị cấp cục hiện nay, do đó chức năng nhiệm vụ cũng được bổ sung, quy mô tổ chức được tăng lên nên việc nâng trần cấp bậc hàm đối với vị trí lãnh đạo ở một số đơn vị cấp cục là phù hợp. Tuy nhiên một số ý kiến băn khoăn với quy định này vì theo Thông báo số 147 của Bộ Chính trị thì không xác định lĩnh vực công tác đặc biệt để phong hàm cấp tướng.

Về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh (đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I), Thường trực UBQPAN nhận thấy, đây là vấn đề hệ trọng, khi xây dựng Luật CAND năm 2014 đã được Bộ Chính trị chỉ đạo cụ thể tại Thông báo số 147 ngày 21-10-2013. Tuy nhiên, thời điểm sửa Luật CAND năm 2014 được nghiên cứu sửa đổi cùng Luật Sỹ quan QĐND Việt Nam theo mô hình tổ chức cũ. 

Đại biểu thảo luận tại phiên họp

Nay mô hình tổ chức của Bộ Công an đã thay đổi căn bản, từ 6 Tổng cục và 126 đơn vị cấp cục và tương đương chỉ còn gần 60 đầu mối cấp Cục và tương đương, không có cấp trung gian (cấp tổng cục). Do vậy, để phù hợp với tình hình, Thường trực UBQPAN đề nghị đại biểu nghiên cứu, thảo luận, đánh giá tác động mọi mặt và cần báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc bố trí cấp tướng hiện nay tồn tại rất nhiều bất cập: “Theo luật cũ, cấp tổng cục cấp hàm thấp hơn cấp cục trưởng. Có tình trạng nhiều anh em Tổng cục phó xin xuống làm Cục trưởng. Thứ hai, một số cục chiến đấu, cục thực sự bản chất của Công an, anh em lăn lộn, ưu tiên cho chiến đấu như hình sự, ma tuý, chống gián điệp, chống phản động, Cảnh sát kinh tế, Cục phòng chống tham nhũng… thì cấp bậc hàm cao nhất chỉ Thiếu tướng, không bằng Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục Xây dựng phong trào là Trung tướng”. 

Hoặc như ở cấp tỉnh, hiện nay theo luật cũ, ở Giám đốc Công an TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là Trung tướng, 3 Phó Giám đốc đều Thiếu tướng nhưng 3 đồng chí này không hề tham gia cấp uỷ. Trong khi một số Giám đốc các tỉnh khác công việc rất vất vả, quản lý địa bàn rộng, là Thường vụ Tỉnh uỷ, là ĐBQH thì chỉ Đại tá.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong cơ cấu để bố trí cán bộ thì đồng chí Cục trưởng, Cục phó có thể đi luân chuyển, tăng cường làm Giám đốc Công an địa phương. Nhưng nếu là cấp tướng thì không thể đi địa phương được. “Đối với bộ máy mới, chúng tôi chưa bao giờ đặt vấn đề tương ứng với Quân đội. Vì bố trí lực lượng trong Quân đội khác Công an. Trong Bộ Công an chủ yếu lực lượng là ở địa phương. Cấp Trung ương chủ yếu là tham mưu, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc còn tác chiến chính là ở địa phương, bố trí quân số cũng cơ bản ở địa phương. Hiện chúng tôi bố trí ở Bộ 21% nhưng tới đây là 15%; 85% quân số còn lại ở địa phương, vì những vấn đề ở cơ sở rất quan trọng” – Bộ trưởng phân tích.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, những đề xuất sửa đổi đều xuất phát từ thực tiễn công việc và điều hành thực tế của các cán bộ ở địa phương. “Bây giờ không còn cấp trung gian, khi quy hoạch Thứ trưởng gồm có Giám đốc Công an địa phương và lãnh đạo các cục. Thứ trưởng quân hàm Thượng tướng, Giám đốc Công an là Đại tá. Giả sử đồng chí Giám đốc được đề bạt Thứ trưởng thì có lẽ không đủ thời gian để lên Thượng tướng. Nếu cơ cấu cán bộ trước khi lên Thứ trưởng phải làm Giám đốc địa phương thì cũng không thể được, vì Cục trưởng ở Bộ có khi tướng rồi. Nếu chúng tôi vẫn đưa xuống địa phương, lại có người cho rằng chúng tôi lách luật…”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Cần quy định trần cấp bậc hàm cấp tướng dựa trên chức năng, nhiệm vụ

Thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến không đồng ý quy định cấp bậc hàm cấp tướng đối với Giám đốc Công an các địa phương vì cho rằng không tương ứng với Chỉ huy trưởng Chỉ huy Quân sự tỉnh trần cấp bậc hàm chỉ là Đại tá. Góp ý thêm về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Minh Đức, Uỷ viên Thường trực UBQPAN cho rằng, lực lượng CAND từ tỉnh xuống huyện, xã đều thực hiện 3 chức năng: Chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự; chức năng tư pháp và chức năng vũ trang. So với cấp chỉ huy bên Quân đội, đồng chí Chỉ huy trưởng của Quân đội chủ yếu thực hiện chức năng của lực lượng vũ trang chứ không phải thực hiện hai chức năng còn lại. Bên cạnh đó, ĐBQH Hầu A Lý (Hà Giang) cũng nêu quan điểm, cần quy định trần cấp bậc hàm cấp tướng của Giám đốc Công an địa phương dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ. “Thứ nhất, một số địa phương địa bàn đông dân, phức tạp nên việc quản lý rất vất vả. Chẳng hạn tỉnh Hà Giang nơi tôi công tác chỉ quản lý khoảng 1 triệu nhân khẩu, tính thêm khách du lịch là thành 1,2 triệu nhân khẩu/năm. Trong khi Quảng Ninh dân cư quản lý chỉ 1,5 triệu người nhưng khách du lịch hàng năm 5 triệu người, rất phức tạp” – đại biểu dẫn chứng, đồng thời theo ông nếu không quy định trần cấp tướng cho Giám đốc Công an địa phương cũng sẽ gây vướng mắc trong quy hoạch.




An Quỳnh
.
.
.