Nợ công có biểu hiện không an toàn trong dài hạn

Thứ Tư, 26/10/2016, 10:20
Thẩm tra về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội bày tỏ lo ngại việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay hiện nay còn nổi lên nhiều hạn chế, có khả năng sẽ ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia trong trung và dài hạn.

Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) nhận định: Báo cáo gửi Quốc hội của Chính phủ mới chỉ nêu khái quát một số hạn chế, chưa cung cấp đủ số liệu, chưa phân tích nguyên nhân, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, các chỉ số, nguy cơ tiềm ẩn có thể làm gia tăng nợ công; chưa đánh giá, so sánh với các mục tiêu đề ra trong Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020; 

chưa nêu được những yếu kém trong quản lý, điều hành; chưa nêu rõ tình trạng tham nhũng, lãng phí trong sử dụng nguồn vốn đầu tư; các giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý nợ công chưa cụ thể, tính khả thi chưa cao, dẫn đến chưa cung cấp đủ thông tin phục vụ quá trình xem xét, đánh giá.

Ủy ban TCNS cho rằng, giai đoạn vừa qua, do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, chính sách tài khóa chưa tích cực cùng với sự mất cân đối trong thu, chi NSNN, dẫn đến bội chi tăng cao trong nhiều năm, không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Cũng bởi lý do này, nợ công tăng nhanh, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép, nhưng bắt đầu có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn và có biểu hiện không an toàn trong dài hạn. 

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị Quốc hội điểm danh vì đội vốn và chậm tiến độ.

Nợ công tính đến năm 2015 là 2.608 nghìn tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Tốc độ tăng bình quân 18,4% của cả giai đoạn được nhận định là khá cao, gấp hơn 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP; tỷ lệ nợ chính phủ/GDP tăng từ 39,3% năm 2011 lên 50,3% năm 2015. Đặc biệt, chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP năm 2015 là 50,3% đã vượt giới hạn trần cho phép (50%).

Các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép nếu tính cả các khoản nợ khác của NSNN, các khoản nợ có khả năng chuyển đổi thành nợ công. Ủy ban TCNS nhấn mạnh mức dư nợ công được tính theo báo cáo chưa bao gồm các khoản nợ “có tính chất nợ công”, nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho 2 ngân hàng chính sách, nợ xây dựng cơ bản,... Nếu tính đủ các khoản này thì thực chất dư nợ công sẽ tiệm cận hoặc vượt giới hạn cho phép. 

Ngoài ra, các khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN về nguyên tắc thuộc nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của DN, song trong trường hợp DN không có khả năng trả nợ rất có thể sẽ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ chuyển thành nợ chính thức của Chính phủ, tạo thêm áp lực cho NSNN.

Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá rõ hơn về mức dư nợ công sau khi tính cả các khoản nợ có tính chất nợ công, cung cấp số liệu liên quan đến nợ của DNNN, đánh giá sâu hơn về khả năng nợ xấu của DNNN có nguy cơ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ; số đã chuyển từ nợ dự phòng thành nợ chính thức của Chính phủ.

Số liệu tổng hợp cũng cho thấy, vốn vay trong nước ngắn hạn chiếm tỷ lệ cao, lãi suất cao, thời gian trả nợ ngắn nhưng lại được sử dụng cho các công trình, dự án có đầu tư và thu hồi vốn dài. Tỷ lệ nghĩa vụ nợ gồm cả đảo nợ đã vượt giới hạn cho phép. 

Theo đó, nếu tính cả nghĩa vụ trả nợ phải đảo nợ thì tổng nghĩa vụ nợ đã ở mức 27,4% tổng thu NSNN vào năm 2015. Nếu tính cả các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh và các khoản vay về cho vay lại đang tiềm ẩn nguy cơ không có khả năng trả nợ, chuyển thành nợ trực tiếp của Chính phủ thì tỷ lệ nghĩa vụ nợ tiếp tục tăng. Đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá, báo cáo cụ thể hơn về cơ cấu nợ, số liệu nghĩa vụ trả nợ bao gồm cả nợ gốc và lãi, số vay đảo nợ hằng năm và cả giai đoạn 2011-2015.

Khả năng cân đối nguồn để trả nợ gặp nhiều khó khăn, bố trí chi trả nợ hàng năm chưa tương xứng với nghĩa vụ trả nợ đến hạn, vay đảo nợ tăng nhanh, với khối lượng lớn trong nhiều năm, năm sau cao hơn năm trước (năm 2013 vay đảo nợ 47.000 tỷ đồng, năm 2014 106.000 tỷ đồng và năm 2015 là 125.000 tỷ đồng) được đánh giá là thể hiện cơ cấu, kỳ hạn vay bất hợp lý, hiệu quả sử dụng vốn vay thấp, không thu hồi được nguồn để trả nợ. 

Đặc biệt, cần chú ý đến chỉ số rất quan trọng, là một trong những thước đo để đánh giá mức độ an toàn nợ công là tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại) trên tổng thu ngân sách Nhà nước khi chỉ số này đang có xu hướng tăng nhanh (từ 21,7% năm 2013 lên 29,2% năm 2015), vượt mức trần 25%, ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia.

Hiệu quả sử dụng vốn vay được đánh giá là chưa cao. Một số dự án vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, dự án được Chính phủ bảo lãnh khó khăn trong trả nợ; một số dự án sử dụng vốn vay điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn, kéo dài thời gian thi công, chưa đưa vào khai thác, vận hành như Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông,... 

Vì vậy, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn về hiệu quả sử dụng vốn vay, cung cấp số liệu các dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn, dự án Chính phủ vay về cho vay lại không hiệu quả, khó khăn trong trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ, phải cơ cấu lại nợ, số tiền phải trả nợ thay; các dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, thi công kéo dài và nguyên nhân của các tồn tại này.

Nam Phương
.
.
.