Phát huy vai trò người có uy tín trong tuyên truyền bầu cử

Thứ Tư, 28/04/2021, 09:24
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, vì thế, tại Tây Nguyên, công tác tuyên truyền để người dân hiểu và phát huy quyền, nghĩa vụ của mình trong quá trình tham gia bầu cử đại biểu càng được đẩy mạnh.

Tại tỉnh Gia Lai, công tác tuyên truyền đã được triển khai tới từng thôn, bản, xã, huyện và được thực hiện dưới nhiều hình thức, qua đó nêu bật vai trò, vị trí của Quốc hội, HĐND các cấp; nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn đại biểu, quyền bầu cử và ứng cử của công dân; số lượng, cơ cấu đại biểu; quyền lợi và trách nhiệm của cử tri; công tác chuẩn bị, quá trình thực hiện các bước trong quy trình bầu cử…

Đáng chú ý là không chỉ chính quyền địa phương mà lực lượng công an huyện, xã; lực lượng biên phòng; đoàn thanh niên; hội phụ nữ... cũng được huy động tham gia "chiến dịch tuyên truyền" về Ngày hội bầu cử.
Mục sư Puih Blik, vẫn lồng ghép việc tuyên truyền về bầu cử trong các buổi giảng đạo cho giáo dân ở nhà thờ Tin lành Plei Mơ Nú.

Từ đây, nhiều cách làm hay, sáng tạo được thực hiện. Như ở huyện Chư Sê, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Gia Lai, Đoàn Thanh niên Công an huyện, Phòng Tư pháp, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện đã tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tại xã Ia Ko, có lồng ghép thông báo, tuyên truyền về bầu cử.

Còn ở huyện Đak Đoa, tranh thủ thời gian bà con chờ đợi tại các điểm làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, Công an huyện đã tổ chức các buổi tuyên truyền về pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử; về những thông tin, quy trình thực hiện của Ngày bầu cử...

Tại một số huyện khác, trên cơ sở những tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền bầu cử, các cán bộ chiến sĩ Công an xã còn tiến hành biên soạn lại cho dễ hiểu, dễ nhớ hơn bằng các thứ tiếng dân tộc để bà con dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ.

Hay như tại huyện Đức Cơ, lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt biên phòng thuộc Đồn Biên phòng xã Ia Nan, đều đặn mỗi ngày hai lượt rong ruổi khắp các đường làng, ngõ xóm để phát loa tuyên truyền về bầu cử...

Việc vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền là để đưa các thông tin về Ngày hội bầu cử đến được từng thôn, bản, xã như thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “mưa dầm thấm lâu”...

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Gia Lai tặng quà các gia đình chính sách và đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: Anh Quân.

Đặc biệt, với địa bàn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, đồng bào theo 5 tôn giáo khác nhau gồm Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài và Bahai, trong đó đạo Tin Lành có số lượng tín đồ đông nhất, công tác tuyên truyền về ngày bầu cử còn được Ban tôn giáo tỉnh Gia Lai chú trọng "nhờ cậy" các mục sư.

Ông Nguyễn Văn Nô, Phó Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai cho biết: “Về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chúng tôi đã truyền tải các nội dung bầu cử tới các chức sắc. Thông qua các chức sắc chuyển tải tới tín đồ tôn giáo ở các địa phương để làm sao vào ngày bầu cử 23/5, tất cả các tín đồ các tôn giáo nói chung trong đó có tín đồ theo đạo Tin lành nghiêm túc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia bầu cử đúng theo quy định pháp luật".

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương trong tỉnh Gia Lai cũng tranh thủ đội ngũ người có uy tín để tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng sự kiện chính trị quan trọng này.

Ông Ksor Hyao, người có nhiều năm được bầu chọn là người có uy tín ở làng Breng 3, Ia Der, huyện Ia Grai cho biết, không chỉ dặn dò bà con có trách nhiệm với lá phiếu của mình, lựa chọn kỹ ứng viên có đức có tài, những người có uy tín trong các thôn, làng, xã ở Gia Lai còn phải thường xuyên nhắc nhở bà con không tin và nghe theo những thông tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Ông H Nem, sinh năm 1956, ở làng Mơ Nú, xã La Kênh, TP Pleik và hiện đang là đại diện chấp sự ở nhà thờ Tin lành Plei Mơ Nú thì chia sẻ, khu vực ông sinh sống, người dân chấp hành nghiêm pháp luật và chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bản thân ông khi có thông tin gì mới, bổ ích về Ngày bầu cử đều dành thời gian đến từng gia đình trong thôn, làng để nói chuyện, trình bày sao cho mọi người hiểu cặn kẽ ý nghĩa của việc bầu cử và trách nhiệm công dân của mình.

Nói thêm về việc này, Mục sư Puih Blik, quản nhiệm Chi hội Plei Mơ Nú, nơi có hơn 500 giáo dân tham gia sinh hoạt tôn giáo hàng tuần cho biết, trong các buổi giảng đạo tại nhà thờ Tin lành Plei Mơ Nú, ông vẫn lồng ghép việc giải thích các điều răn trong Kinh Thánh với giáo dân và cách áp dụng trong cuộc sống hàng ngày để giáo dân luôn thực hiện, hướng tới "tốt đời, đẹp đạo".

Ông H Nem cho biết, là đại diện chấp sự ở nhà thờ Tin lành Plei Mơ Nú nên khi có thông tin gì mới, bổ ích về Ngày bầu cử, ông đều nói chuyện, trình bày với người dân trong làng để mọi người hiểu cặn kẽ ý nghĩa của việc bầu cử và trách nhiệm công dân của mình. 

Được biết, hồi giữa tháng 4, nhiều địa phương thuộc tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để thảo luận, lựa chọn lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Kết quả, tỉnh Gia Lai đã thống nhất lập danh sách 14 người (trong đó 4 người do Trung ương giới thiệu) đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV để bầu 8 đại biểu; 119 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 để bầu 71 đại biểu.

Hiện tỉnh Gia Lai đã thành lập 3 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV theo 3 đơn vị bầu cử do Hội đồng bầu cử Quốc gia ấn định; thành lập 21 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII; 176 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 1.367 Ban bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã.

Sông Thương
.
.
.