Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019”

Thứ Sáu, 12/04/2019, 15:52

Ngày 12-4, tại TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trường Đại học Hoa Sen tổ chức Diễn đàn “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.


Tham dự diễn đàn còn có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng hơn 300 đại biểu, chuyên gia đầu ngành thuộc các Bộ, ban ngành liên quan; các Sở Du lịch trong cả nước; các đơn vị, doanh nghiệp đào tạo ngành du lịch trong nước và quốc tế…

Với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế trọng điểm”, các đại biểu cùng nhìn lại, đánh giá khách quan thực trạng và nhu cầu đối với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhận định, thời gian qua, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu, chất lượng. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn còn những bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Quy mô đào tạo tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Các đại biểu dự diễn đàn.

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.  Hiện tại, cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch các cấp từ sơ cấp đến đại học, riêng TP Hồ Chí Minh có 63 cơ sở đào tạo du lịch, nguồn nhân lực chỉ mới đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Trong đó,  có 18 trường đại học đào tạo ngành du lịch chưa được đánh giá và công nhận tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng... nhưng khi được tuyển dụng làm việc, hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung về kỹ năng, ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Đức, Hàn Quốc, Thái Lan…  Hệ thống giáo trình chưa thực sự phù hợp, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao. Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp và giữa các chủ thể chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Trong khi đó, tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong ba năm qua đạt tốc độ nhanh từ 10 triệu lượt năm 2016 lên 15,5 triệu lượt năm 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo.

Để khắc phục những bất cập trên, diễn đàn là cơ hội để cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo về du lịch gặp gỡ trao đổi tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều đại biểu cho rằng cần phát huy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo du lịch; sự tham gia của doanh nghiệp vào việc xây dựng nội dung học thuật và hỗ trợ thực tập cho cơ sở đào tạo; ứng dụng hiệu quả công nghệ mới trong đào tạo nhân lực ngành du lịch như công nghệ di động, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn…

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định để du lịch phát triển vượt bậc, thực sự phát huy hết tiềm năng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và phát triển bền vững với dự kiến năm 2025 tổng thu đóng góp 10% GDP cả nước, thì nguồn nhân lực chất lượng cao đóng một vai trò tối quan trọng. 

“Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ luôn đồng hành và ủng hộ, sẽ luôn lắng nghe và kịp thời phê duyệt các đề xuất, kiến nghị về đào tạo du lịch và giữ nhân tài cho các địa phương, các Sở, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Về phần mình, các Sở Du lịch địa phương, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trong ngành du lịch phải quyết tâm, nỗ lực đề ra sáng kiến, đề xuất giải pháp cho việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao như: 

Hoạch định và triển khai chiến lược đào tạo và phát triển nhân lực du lịch dài hạn đến năm 2030 đáp ứng về số lượng và chất lượng cho thị trường du lịch; Tăng cường xã hội hoá giáo dục nghề du lịch để đáp ứng trong ngắn hạn và dài hạn; Có cơ chế thoáng hơn cho việc mở ngành đào tạo; Chú trọng đặc biệt vấn đề đào tạo ngoại ngữ; Nghiên cứu áp dụng chế độ đãi ngộ và lương thưởng tương xứng để thu hút nhân lực du lịch…” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp tại diễn đàn.

Cũng tại diễn đàn, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu, 9 trường đại học tại TP Hồ Chí Minh đã ký liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước nhằm phát triển chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian tới.


Quỳnh Nga
.
.
.