Abdul Qadir: Cậu bé "vàng" của thể thao Ấn Độ

Thứ Ba, 17/12/2019, 15:45
Sinh ra là cậu bé con dễ thương và lành lặn nhưng một tai nạn năm lên 7 đã khiến cậu bé người Ấn Độ Abdul Qadir Indori mất đi cả 2 cánh tay. Song với nghị lực và sự quyết tâm, em đã vượt lên trên tất cả để làm được những điều khiến nhiều người phải ngưỡng mộ và thán phục.


Tháng 5-2014, Abdul Qadir Indori đến Mulla Colony, Berasia Bhopal để tận hưởng kỳ nghỉ hè ở nhà người thân. Thời gian ở đây, trong một lần lên sân thượng, cậu bé vô tình chạm vào đường dây điện cao thế và bị thương nặng ở 2 tay. Mặc dù gia đình đã đưa em lên bệnh viện ở Mumbai để điều trị trong mấy tháng trời, nhưng vì vết thương bị nhiễm trùng nặng nên các bác sĩ đã quyết định cắt bỏ cả hai tay để cứu sống em.

Việc đứa con bé bỏng bị mất cả 2 tay cùng một lúc là một cú sốc lớn đối với cha mẹ Abdul Qadir. Họ bị suy sụp vì lo lắng cho tương lai của em, làm sao để em có thể học được cùng với các bạn, em có thể làm được gì khi thiếu mất cả 2 tay? Cha mẹ Abdul Qadir cũng từng nghĩ đến việc lắp cánh tay giả cho con...

Abdul Qadir và những hoạt động thường ngày của mình.

Ông Hussain Indori, cha của Abdul Qadir chia sẻ: “Năm năm trước thằng bé mất đi cả 2 cánh tay khiến chúng tôi lo lắng vô cùng, nhưng mọi người bảo thằng bé sẽ làm được điều gì đó cho tương lai của mình... Nhờ những lời động viên này mà chúng tôi bình tĩnh lại và có suy nghĩ tích cực hơn. Chúng tôi không bao giờ coi cháu là người khuyết tật cũng như để cháu nghĩ mình là đứa trẻ tật nguyền”.

Lúc biết mình bị mất 2 tay Abdul Qadir mới chỉ 7 tuổi nên có lẽ những cảm nhận về nỗi đau, sự mất mát cũng nhanh chóng qua đi, mặc dù em cho biết mình cũng có đôi chút lo lắng. Nhưng nhờ sự yêu thương, chăm sóc của gia đình và sự động viên của cha là động lực giúp em vượt qua tất cả. Em nói: “Thời gian đó em trở nên lo lắng. Nhưng bố đã nói với em rằng nếu con không có tay, con vẫn có thể làm mọi thứ bằng chân”.

Nghe lời cha, kể từ đó Abdul Qadir bắt đầu biến đôi chân chỉ biết đi, biết chạy nhảy của mình thành đôi tay khéo léo, từ đó em sử dụng chúng để làm hết thảy mọi việc như một người bình thường từ việc học những kỹ năng trong cuộc sống hàng ngày như mở cửa nhà, hay sử dụng điện thoại, laptop đến việc đạp xe, chơi bóng đá, viết chữ và bơi lội...

Với những đứa trẻ bình thường, việc học bơi thật đơn giản và dễ dàng. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô chỉ dạy, chỉ cần vài buổi là chúng có thể bơi được. Nhưng với Abdul Qadir thì không phải vậy. Đến với môn bơi lội, em gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, mỗi khi được xuống nước, cậu bé luôn tỏ ra thoải mái, phấn chấn và thích thú. 

Với bơi lội, em có một niềm đam mê mãnh liệt và chính niềm đam mê này đã giúp em vượt qua những trở ngại ban đầu khi học bơi vì thiếu cả 2 tay. Và giờ đây, Abdul Qadir không chỉ biết bơi mà còn bơi nhanh không thua gì các bạn bình thường, thậm chí còn giỏi hơn là đằng khác.  Không những thế em còn được đi thi đấu ở các quốc gia.

Abdul Qadir và cha.

Bằng đam mê và sự cố gắng cùng với sự hỗ trợ của cha mẹ, Abdul Qadir đã giành được nhiều huy chương vàng và bạc cấp quốc gia ở môn bơi lội. Cụ thể cậu bé Abdul Qadir Indori đến từ Ratlam, Ấn Độ đã giành được một huy chương vàng, một huy chương bạc quốc gia về bơi lội vào năm 2015 và 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc bơi lội trong Thế vận hội Paralympic quốc gia 2017. Hiện em đang nỗ lực tập luyện để chuẩn bị tham gia Thế vận hội mùa hè 2024 dành cho người khuyết tật tại Paris với quyết tâm giành huy chương vàng cho Ấn Độ.

Trong một sự kiện của Ủy ban Bảo vệ Quyền Trẻ em và Tầm nhìn Thế giới của Ấn Độ tổ chức, Abdul Qadir đã được mời làm khách mời, Bộ trưởng Bộ Quản lý Nhà nước Ấn Độ, ông Singh Singh Arya, phát biểu: "Thật tốt khi thấy những người khuyết tật có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Ở mỗi cuộc thi, bất kỳ người nào chiến thắng cũng mang lại vinh quang cho đất nước và bất cứ khi nào anh ta khoác trên mình lá cờ của đất nước, anh ta sẽ làm cho quốc gia tự hào".

Rõ ràng để có được cuộc sống bình thường khi cơ thể khiếm khuyết, cậu bé Abdul Qadir đã phải nỗ lực không ngừng. Việc không ngừng rèn luyện bản thân cho em sức mạnh vô song để tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc cũng như sự thành công khiến người khác phải trầm trồ, ngưỡng mộ.

Abdul Qadir chính là một tấm gương về nghị lực, là nguồn cảm hứng và sức mạnh cho không chỉ những người khuyết tật nói riêng mà cho tất cả mọi người nói chung. Dù em không có tay để chạm vào người khác nhưng nghị lực vươn lên và thái độ sống tích cực của em đã chạm vào làm rung động trái tim của hết thảy mọi người.

Hà Hương
.
.
.