Anh Liệt - tác giả cải lương "bất đắc dĩ"!

Thứ Ba, 02/07/2013, 15:03

Tưởng rằng những cơn đau, những mặc cảm và sự chán nản sẽ quật ngã anh, vậy nhưng chẳng ai dám nghĩ rằng anh có ngày hôm nay: trở thành một tác giả của gần 100 bài ca vọng cổ và bài bản tài tử cải lương, cùng một tinh thần tươi vui yêu đời, đam mê vô hạn với công việc sáng tác, vì anh sợ rằng thời gian ở trên cõi đời này của mình chẳng còn bao lâu nữa!

Vừa bước vào tuổi đôi mươi, không may bị một tai nạn bất ngờ, từ một chàng trai khỏe mạnh, anh bị liệt nửa người và trở thành một người tật nguyền, phải ngồi trên xe lăn suốt phần đời còn lại… Tưởng rằng những cơn đau, những mặc cảm và sự chán nản sẽ quật ngã anh, vậy nhưng chẳng ai dám nghĩ rằng anh có ngày hôm nay: trở thành một tác giả của gần 100 bài ca vọng cổ và bài bản tài tử cải lương, cùng một tinh thần tươi vui yêu đời, đam mê vô hạn với công việc sáng tác, vì anh sợ rằng thời gian ở trên cõi đời này của mình chẳng còn bao lâu nữa!

"Anh Liệt là vì tôi bị liệt, vậy thôi"!

Anh khiến tôi ngạc nhiên ngay từ lúc ban đầu với cái tên Anh Liệt. Anh giải thích đơn giản: "Tôi lấy tên đó chỉ vì tôi bị liệt, vậy thôi". Đúng ra anh sáng tác cải lương cũng chỉ mới bắt đầu từ năm 2009, trong vòng 3 năm (do có khoảng thời gian anh bệnh nên bị gián đoạn) anh đã là tác giả của gần 100 bài ca vọng cổ, bài bản tài tử, dù anh không hề biết gì về nhạc lý hay niêm luật, bài bản của loại hình nghệ thuật này; chưa kể trước đó anh còn viết nhiều truyện ngắn, truyện dài... Điều gì đã khiến một người bao nhiêu năm phải ngồi trên xe lăn dành cho người khuyết tật như anh làm nên kỳ tích như vậy?

Anh Liệt tên thật là Nguyễn Tấn Tài (59 tuổi), ngụ đội 9, khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Thời gian sau giải phóng (năm 1977), khi đang ở độ tuổi ngoài 20 sung sức, anh lên đường tham gia những đoàn người đi khai hoang ở Nông trường Sông Ray (Đồng Nai). Trong một lần theo bạn bè vào khu Bàu Đế khiêng cây, anh bị một cây gỗ lớn đổ đè vào người… Sau đó dù được cứu sống nhưng anh bị "bẹp đốt xương N1 nên liệt hạ chi", từ đó cuộc đời anh gắn liền với chiếc xe lăn… Thời gian đầu những suy nghĩ buồn chán, tiêu cực, đã khiến anh chìm đắm trong men say, xa lánh người thân, bạn bè, nhưng sau những đêm dằn vặt, thức trắng suy nghĩ về cuộc đời, về sự chịu đựng, về nỗi khổ của bản thân cũng như của những người thân yêu, anh dần thay đổi suy nghĩ, cách sống của mình theo hướng tích cực hơn, lạc quan yêu đời hơn…

Trong một lần người anh họ là nhà văn Thái Nguyên (nhà thơ, nhạc sĩ Ngọc Thùy Giang) sang nhà chơi, nghe người này khoe có thiệp mời đi dự trại sáng tác viết văn ở Đà Lạt, anh vô tư thốt lên 'biết chừng nào em mới được đi như anh', nghe thế người anh họ cũng vui miệng bảo rằng, 'vậy thì em viết đi, chắc chắn sẽ có ngày được đi như anh'. Tưởng chỉ là chuyện đùa, vậy mà với sự động viên và hướng dẫn của người anh họ, anh cầm bút bắt tay vào viết truyện…

Truyện ngắn đầu tiên mang tên Mùi đu đủ xanh được đăng trên Tạp chí Sông Phố (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai bây giờ) số 10/1993 ký tên Anh Liệt. Trong vòng một năm sau đó, 10 truyện ngắn tiếp theo ra đời (như Đồng Minh mới, Phiên chợ cuối năm, Ước mơ của đất, Trăng lên…) và tập truyện thiếu nhi Hoa mặt trời được Nhà xuất bản Đồng Nai phát hành. Chính nhờ những tác phẩm này mà anh đã thỏa ước mong "không tưởng" là được mời đi dự trại sáng tác ở Đà Lạt như đã nói với người anh của mình!

Nhưng chẳng ai biết trước được số phận tương lai của mình, đầu năm 1995, khi đang hăng say viết tập truyện dài Bên bóng cuộc đời mà nhân vật chính là hình ảnh của tác giả, Anh Liệt bị một cơn sốt bất ngờ quật ngã, anh bị liệt thêm nửa người bên phải. Thêm một lần nữa, sự cố gắng tột cùng và bản lĩnh vươn lên nghịch cảnh đã giúp anh lấy lại tinh thần để cố gắng tập viết tay trái. Nhiều đêm vừa chịu đựng những cơn đau tê buốt nửa phần cơ thể bên phải, anh vừa ngồi tập viết từng con chữ… Một tháng sau, khi những con chữ đã "vâng lời" thẳng hàng lối, anh tiếp tục viết tập truyện dang dở của mình. Thế nhưng một cơn tai biến não lại tiếp tục ập đến khiến trí nhớ của anh bị giảm sút…

Phải mất ba năm sau anh mới phục hồi trí nhớ để tiếp tục sống và làm việc, dù trước đó việc viết văn của anh coi như đã bị gián đoạn... Trong một lần ngồi nghe cô em gái là nghệ sĩ Linh Phụng hát bài vọng cổ Điệu buồn phương Nam (tác giả Anh Kiệt) ở trước nhà, anh tỏ ra vô cùng thích thú. Thấy thái độ của anh trai, cô em gái mới nửa đùa nửa thật "Hay anh cứ viết thử đi!". Lại một lần nữa anh bắt tay vào viết bài ca vọng cổ, một loại hình nghệ thuật mà anh cũng chưa hề thử qua hay biết gì trước đó.

"Nghe em gái tôi nói thế là tôi để tâm tìm hiểu, suy nghĩ và ấp ủ ý tứ, sau mấy ngày tôi viết xong bài vọng cổ Tình nghệ sĩ đưa tặng cho em gái tôi. Đây là bài đầu tiên nên có lẽ không được hay lắm…", Anh Liệt nhẹ nhàng chia sẻ.

Nghe anh trai kể lại, nghệ sĩ Linh Phụng (trước đây chị từng tham gia CLB đờn ca tài tử thị trấn Long Thành. Hiện tại chị đang quản lý một nhóm đờn ca tài tử gồm 14 người bao gồm cả nhạc công… - PV) vui vẻ tiếp lời: "Khi Anh Liệt đưa ra bài ca đó, tôi vô cùng bất ngờ bởi trước đó anh không hề có chút kiến thức cơ bản nào về loại hình nghệ thuật này mà lại cảm tác viết được một bài ca với những ca từ dễ thương, văn chương giản dị, nhẹ nhàng mà sâu lắng như vậy. Do tôi rất yêu thích và có một chút vốn liếng kiến thức về loại hình nghệ thuật này, nên tôi đã khuyến khích và chỉ dẫn (về mặt kỹ thuật, nhạc lý) Anh Liệt hướng vào việc sáng tác vọng cổ lúc đó và sau này là bài bản đờn ca tài tử".

Chính nhờ sự động viên, khuyến khích và đương nhiên cả sự hướng dẫn chi tiết tỉ mỉ của em gái, Anh Liệt như có sẵn niềm đam mê từ trước đã lao vào công việc sáng tác. "Tự dưng tôi có niềm đam mê mới nên rất hăng say, gần như cả ngày cả đêm đầu óc tôi lúc nào cũng suy nghĩ về lời ca tiếng hát, thường thì ban đêm ngủ không được tôi nằm suy nghĩ đặt lời ca sẵn mà người ta hay dùng từ 'đặt tuồng bụng', hôm nào đặt xong thì buổi sáng sớm dậy tôi thấy hồ hởi lắm…", Anh Liệt dí dỏm tâm sự.

Tuyển tập ca cổ của Anh Liệt.

Cứ thế cho đến nay Anh Liệt đã viết được gần 100 bài vọng cổ và bài bản tài tử, trong đó chủ đề chính được tác giả lột tả là tình yêu quê hương, đất nước, con người, với các bài như Chinh phụ, Hào khí Thăng Long, Nửa mảnh trăng thề, Hận thâm cung, Dòng sông ly hận, Tâm sự Kiều Nương, Đồng Nai tài tử tâm giao, Chúng ta trên đường Hồ Chí Minh… Với những tác phẩm này, nghệ sĩ Linh Phụng và nhiều nghệ sĩ khác đã giới thiệu trong nhiều show hát và biểu diễn ở nhiều chương trình cải lương, đờn ca tài tử khác trong và ngoài tỉnh.

"Nốt lặng đằng sau cuộc đời"

Qua nghệ sĩ Linh Phụng và con gái của chị, tôi được biết Anh Liệt đã từng có một mối tình sâu đậm với một người phụ nữ ở gần nhà. Nghe tôi nhắc đến người phụ nữ ấy, Anh Liệt tỏ vẻ rụt rè khi chia sẻ về mối tình buồn của mình: "Cô ấy là một người con gái cao thượng vì gặp và yêu tôi khi tôi đã là một người tàn tật… Thời gian quen biết nhau cũng khá dài, khi yêu nhau mới hơn 20 tuổi nhưng đến lúc chia tay cô ấy cũng đã trên bốn mươi tuổi… Thời gian còn yêu nhau, trong những lúc tâm sự tôi biết cô ấy luôn mơ về một mái ấm gia đình, với những đứa con mũm mĩm, nên tự bản thân tôi nhiều lần nghĩ rằng mình bị tàn tật không lẽ lại để người yêu suốt đời chịu đựng như thế. Vì vậy, tôi đã chủ động nói lời chia tay nhưng cô ấy vẫn lui tới chăm lo cho tôi”…

Theo nghệ sĩ Linh Phụng kể lại, ngày đám cưới "chị dâu", chị thay mặt gia đình đi dự và mang phần quà của Anh Liệt tới tặng. Do từ lâu đã coi người phụ nữ ấy là chị dâu của mình nên chị đã không kìm nén được sự xúc động khi chứng kiến lễ cưới mà chú rể không phải là anh mình. "Vừa ra khỏi đám cưới, tôi bật khóc nức nở cho tới khi về tới nhà, vừa tới cổng đã thấy anh ngồi trên xe lăn trước thềm. Quả thật lúc đó tôi thấy thương anh mình vô cùng, vậy mà khi nhìn đôi mắt đỏ hoe của tôi, anh ấy đã kêu lên "Ngộ à, người yêu tao đi lấy chồng tao không khóc mà con Phụng lại khóc", rồi cười lớn nhưng ngay lập tức anh ấy đã lăn xe quay vào buồng đóng cửa lại. Ba ngày ba đêm anh ấy tự giam mình trong phòng và gần như chẳng nói lời nào, và sau đó là những ngày tháng anh ấy sống âm thầm lặng lẽ. Nhưng may mắn là không lâu sau đó với bản lĩnh của mình, anh ấy đã vượt qua và bình thường trở lại"…

Mới đây nhất, trong cuộc thi sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật báo chí với chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2012 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức, Anh Liệt đã được trao giải nhì (không có giải nhất) cho tác phẩm vọng cổ "Bác ơi". Dù mừng cho khả năng sáng tác của anh nhưng người thân vẫn å lo lắng cho sức khỏe anh sau nhiều lần bệnh tật vùi dập. Còn Anh Liệt thì cười bảo, "vì thế tôi mới viết hối hả, say mê vì sợ rằng sẽ không còn nhiều thời gian cho mình nữa rồi"!

Nhạc sư Tấn Nhì - nhà nghiên cứu âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ:

"Một người muốn viết bài bản đờn ca tài tử thì họ phải rành các làn điệu "Bắc, Hạ, Nam, Oán" và phải viết trọn bài, hơn nữa bài ca phải viết có tính văn học chứ không thể nào đem tự nhiên chủ nghĩa vào… Với Anh Liệt, anh đã đáp ứng được rất nhiều, thứ nhất văn chương của Anh Liệt rất truyền cảm, rất có tính văn học, nghe mà cứ như đọc một lời thơ đầy súc tích, xúc cảm… Ngoài ra, bài ca tài tử nếu viết về nhân vật thời xa xưa sẽ dễ hơn viết những vấn đề thời cuộc, thời sự hiện nay, nhiều tác giả đã thất bại khi viết vấn đề thời sự lại đưa vào những khẩu hiệu chính trị làm cho người nghe nhàm chán, nhưng Anh Liệt khắc phục được điều này…".

Nhạc sĩ Phạm Ngọc Phú, UVBCH Hội Sân khấu Việt Nam:

Đối với những người làm công việc sáng tác đờn ca tài tử để những tác phẩm của họ được chấp nhận thì không dễ dàng gì đâu… Tôi theo dõi và biết được nhiều tác phẩm của Anh Liệt đã theo các nghệ sĩ vào trong các liên hoan, các buổi biểu diễn, sinh hoạt đờn ca tài tử ở nhiều nơi như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Như vậy có thể nói tác phẩm của Anh Liệt đã được mọi người chấp nhận thì nó mới đến được các tỉnh, thành khác như vậy.

Phú Lữ
.
.
.