Bà Liên cứu hộ

Thứ Năm, 12/07/2018, 08:17
Không một đồng tiền công, một đồng tiền thuốc, không quản ngày nắng hay mưa, nóng hay lạnh, hơn 40 năm qua bà vẫn làm công việc cứu hộ miệt mài trên ngã tư tử thần. Nhiều người thoát khỏi cái chết trong gang tấc nhờ vào sự nhanh nhạy, cứu chữa kịp thời của người phụ nữ đã ngoài 70 tuổi có tấm lòng nhân hậu ấy.


Nhiều người sống ở khu vực Quốc lộ 5A, đoạn qua xã Phúc Thành (Kim Thành, Hải Dương) vẫn quen gọi bà Đào Thị Liên (y tá đã nghỉ hưu) bằng cái tên gọi trìu mến "Bà Liên cứu hộ" hay "Y sĩ đường 5" bởi ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi khi thấy tai nạn giao thông hay nhận được tin báo, bà Liên lập tức đem thuốc, bông, băng, nẹp, cáng ra sơ cứu, băng bó vết thương cho nạn nhân trước khi chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện.

Bà Liên chuẩn bị phương tiện để sẵn sàng sơ cứu người bị nạn bất cứ lúc nào.

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ nằm gần ngã tư tử thần, bà Liên sắm đầy đủ mọi thứ để phục vụ cho công việc cấp cứu của mình, từ tủ thuốc với đầy đủ các loại thuốc, đến dụng cụ y tế, giường bệnh. Chẳng thế mà từ lâu, căn nhà nhỏ của bà trở thành "chốt cứu hộ" đặc biệt, giúp nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Trên tường của gian phòng khách và gian bên cạnh cho anh con trai làm chỗ bán hàng, bà Liên treo rất nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu, kỷ niệm chương... do các cấp, bộ, ngành trao tặng. Trong đó có Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải; Kỷ niệm chương của Bộ Giao thông - Vận tải; danh hiệu “Hiệp sĩ Giao thông” do chương trình Total Hiệp sĩ Giao thông trao tặng cho bà Liên... vì những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển giao thông vận tải Việt Nam.

Thế nhưng nhắc đến công việc thầm lặng, cao cả ấy, bà Liên chỉ cười hiền từ và bảo đó là trách nhiệm, là công việc bình thường của những người làm nghề y như bà. Sinh ra trong thời khói lửa chiến tranh nên bà chỉ mơ ước được trở thành bác sĩ để cứu người. 

Từ năm 1965, khi còn đi học, bà Liên đã tham gia Hội Mẹ chiến sĩ đi phục vụ hoả tuyến, ra tận trận địa khu Lai Vu cứu thương cho bộ đội. Trong khi bạn bè đều theo học những nghề thương nghiệp, bưu điện thì bà chỉ mơ ước được đi học ngành y.

Căn nhà đơn sơ treo rất nhiều bằng khen về hành động nghĩa hiệp của bà Liên.

Khi đất nước thống nhất, tâm nguyện giản dị ấy mới được hoàn thành. Bà Liên được cử đi học ở Trường trung cấp Y tế tại tỉnh Hà Bắc (cũ) rồi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành đến lúc nghỉ hưu. 

Ngày ấy, lẽ ra học y xong, bà cùng bạn bè, đồng nghiệp ra chiến trường làm nhiệm vụ cứu thương nhưng khi đó vì hoàn cảnh gia đình, chồng đang chiến đấu ở chiến trường Campuchia, Lào, nhà còn bố mẹ già nên bà được phân công về Hà Nội làm việc. 

Thế nhưng, bà lại xin về công tác tại tỉnh Hải Dương, rồi về bệnh viện huyện. Lúc đó bà chỉ nghĩ trở về quê hương, giúp đỡ bà con, cứu người bị nạn. Khi còn đang công tác, bà Liên cũng đã giúp nhiều trường hợp bị tai nạn tại khu vực ngã tư gần nhà. Ai đi đường ngã, hay bị xe đâm phải là bà chạy ra giúp. Ai bị thương nhẹ, bà lau rửa băng bó vết thương. Những trường hợp nặng hơn, bà sơ cứu, băng bó rồi đưa đi bệnh viện. 

Từ đó, bà Liên bắt đầu cuộc hành trình của người “hiệp sĩ” cứu giúp người bị tai nạn giao thông ở Quốc lộ 5. Sau khi nghỉ hưu, bà dồn toàn tâm, toàn sức cho công việc cứu hộ này.

Sống ngay khu vực ngã tư “tử thần”, hơn ai hết, bà hiểu rằng, Phúc Thành là “điểm nóng” lâu năm về tai nạn giao thông bởi cấu trúc giao thông phức tạp do có tuyến đường sắt vắt ngang đường bộ và nhiều trường học nằm rải rác trên địa bàn. 

Bà tự sắm một số dụng cụ y tế cơ bản để trang bị cho “chốt cấp cứu” - ngôi nhà cấp bốn nhỏ bé của mình. Thời gian đầu mới mở “chốt”, mọi người bàn tán về bà nhiều lắm. Người ủng hộ thì ít, kẻ chê bai, cho rằng bà lợi dụng để kiếm tiền thì nhiều nhưng bà mặc kệ. Bà bảo, mình tự làm bằng cái tâm của mình là chính, còn lại mọi điều tiếng, bà chẳng quan tâm. 

Đến bây giờ bà Liên cũng chẳng nhớ mình đã giúp đỡ được biết bao nhiêu trường hợp nhưng có nhiều trường hợp vẫn ám ảnh bà đến tận bây giờ. Đó là buổi sáng định mệnh, khi ấy, chị Nguyễn Thị Thúy, 35 tuổi, người ở xóm 1, thôn Thái Dương Nam, chở con gái là cháu Đỗ Thị Ngọc Ánh đi học. 

Khi qua đường, xe của mẹ con chị Thúy bị một ô tô khách đi ngang qua đâm phải. Xe máy bị kéo đi một đoạn xa rồi văng ra, chị Thúy nằm ngất lịm, còn cháu Ánh nằm trên xe máy cũng trong tình trạng bất tỉnh. Nghe tiếng kêu, bà chạy ra thì lúc này xe máy đang bốc cháy. Chẳng kịp nghĩ ngợi gì, bà nhúng nước lao vào lôi con bé ra.

Bà Liên “cứu hộ”.

Sau khi băng bó vết thương cho hai mẹ con, bà lại cùng một số người dân đưa họ vào bệnh viện chữa trị. May mắn là hai mẹ con chị chị Thúy đều bình phục. Hay như trường hợp anh Hùng ở thị trấn bị ô tô đâm gãy chân tay, được bà băng bó và kịp thời đưa vào viện. 

Lúc vào viện anh mới phát hiện mình bị nhiễm HIV. Thế nhưng sau khi ra viện, bà Liên vẫn không quản ngại, không sợ bệnh tình của anh mà đến tận nhà để thay bông băng, thuốc thang. Cảm động về tấm lòng của bà, đến khi đi lại được, anh Hùng đã đến tận nhà xin được nhận bà làm mẹ nuôi.

Nhưng cũng có lúc bà Liên rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, giúp người bị nạn nhưng lại bị hiểu lầm là người gây tai nạn, lấy trộm đồ của nạn nhân. Đó là năm 2010, một thanh niên ở xã Kim Lương bị tai nạn.

Sơ cứu, băng bó vết thương xong, mẹ con bà đưa anh ấy vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi tỉnh dậy, nạn nhân bảo rằng, lúc đi có mang trong người 30 triệu đồng để lo công việc, nhưng giờ không tìm thấy. Lúc đó người nhà nạn nhân thì nằng nặc đổ tội cho hai mẹ con bà lấy tiền của con cháu họ. 

Vụ việc buộc Công an phải vào cuộc điều tra. Những người chứng kiến tai nạn đứng ra làm chứng là mẹ con bà không lấy tiền của nạn nhân. Trong đó một người thấy trước khi nạn nhân được mẹ con bà Liên sơ cứu, có một thanh niên vào “hôi của” rồi nhanh chóng bỏ đi. 

Một thời gian sau, Công an bắt được người thanh niên đó, lúc ấy mẹ con bà mới được giải oan. Lần ấy anh con trai bực lắm vì mình làm ơn, vừa mất thời gian, công sức, thậm chí là tiền bạc để cứu người mà không được lời cảm ơn lại còn gặp bao nhiêu rắc rối. 

Thế nhưng bà vẫn động viên các con rằng, mình làm việc vì cái tâm, vì cái nghĩa, giúp được người khác đâu cần đòi trả ơn. Chẳng thế mà sau này cả hai anh con trai đều nhiệt tình cùng mẹ làm công việc nghĩa hiệp này.

Năm 2006, các đoàn y tế đến khảo sát đặt điểm chốt cấp cứu. Được người dân chỉ đoạn ngã tư “tử thần”, họ rất ủng hộ và động viên xã, huyện, lập chốt cấp cứu giúp họ, mọi giấy tờ, công cụ họ sẽ cung cấp. Khi biết bà Liên là người làm công việc cứu hộ đã nhiều năm, họ đưa hai mẹ con bà đi học, tập huấn đặt chốt. 

Mọi chốt cứu hộ trên các tuyến đường đều dần bị bỏ vì không có người làm, chỉ duy nhất chốt cấp cứu tại ngã tư Phúc Thành này đến bây giờ vẫn duy trì vì sự tận tâm, nhiệt huyết của ba mẹ con bà Liên. Ngoài công việc cấp cứu người bị nạn, ai cần, bà lại đến tận nhà để cấp cứu, chữa bệnh cho nạn nhân. Cái tên thân thương bà Liên “cứu hộ” cũng từ chính những nạn nhân được bà cấp cứu đặt ra. 

Hành động nghĩa hiệp của bà Liên còn lan toả tới tất cả mọi người trong khu. Khi người dân xung quanh thấy bà cứu người vô điều kiện, không tư lợi nên từ nghi ngờ, đàm tiếu, họ chuyển sang tin tưởng, yêu mến, có vụ tai nạn nào cũng gọi bà Liên ra cứu hộ và nhiều người tham gia cùng cứu hộ với bà.

Ngọc Trâm
.
.
.