"Bà nội" nhân hậu và đàn cháu tật nguyền

Thứ Sáu, 05/12/2014, 08:06
Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc, trò chuyện với bà là sự nhân hậu toát lên từ vẻ mặt hiền từ, nụ cười ấm áp. Ở cái tuổi 83, đáng ra bà đã an vui tuổi già cùng con cháu, gia đình, nhưng bà vẫn hằng ngày đều đặn dành phần lớn thời gian ra vào Làng Hòa Bình (nằm trong khuôn viên Bệnh viện Từ Dũ) chăm lo cho gần 60 cháu nhỏ khuyết tật bị nghi ảnh hưởng từ chất độc da cam đang được nuôi dưỡng và chăm sóc tại đây.

Lòng nhân của nữ bác sĩ 83 tuổi

Bà là bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung (tên thường gọi là Hai Chung) - nguyên là Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Đón tôi ngay ngoài cửa phòng làm việc ở tầng trệt của Làng Hòa Bình (bà hiện là Phó Giám đốc Làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ), với dáng người nhỏ nhanh nhẹn, mái tóc gần như đã bạc trắng, bà đưa tôi lên lầu 2, nơi đang nuôi dưỡng gần 60 trẻ khuyết tật nghi bị ảnh hưởng từ chất độc da cam.

Vừa bước ra khỏi thang máy, đi đến trước cửa phòng hành lang là giọng điệu vui mừng hớn hở lao xao của các cháu nhỏ. "Con chào bà nội", "Bà nội lên kìa"… Đáp lại sự chào đón đầy nồng ấm đó là nụ cười tươi và thân thiện của bà với các cháu nhỏ: "Nội đây, tụi con ăn cơm chưa?"…

"Các cháu ở đây thiếu thốn tình cảm của cha mẹ từ nhỏ nên nếu ai đối đãi tình cảm và thân thiết với chúng thì chúng sẽ rất nhớ và trân trọng. Lâu nay tôi luôn tâm niệm điều này để đối xử và chăm lo cho các cháu", bà cười chia sẻ.

Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung.

Một cháu trai bỗng từ đâu chạy lại ôm chầm lấy bà, chào hỏi rất thân thiết: "Nội có khỏe không nội?", bất giác nụ cười của bà bật lên đầy tươi vui: "Nội khỏe con ơi"… Tình cảm bắt nguồn từ cảm xúc chân thành và tự đáy lòng nên các cháu nhỏ cứ quấn lấy bà như muốn bà ở lại cùng chúng. Cứ hết cháu này hỏi lại đến cháu kia ra bắt chuyện. Bà trả lời rồi nhìn tôi bảo: "Đấy chú xem, chúng đáng yêu và dễ thương như vậy, ai có thể hắt hủi hay ghét bỏ được chứ".

Đã nghỉ hưu 16 năm nay nhưng bà vẫn hàng ngày chăm sóc bọn trẻ. Chăm sóc một đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc một đứa trẻ hay đau ốm, bị tật nguyền, thần kinh không như những đứa trẻ bình thường còn khó hơn rất nhiều lần.

Tình cảm chân chất, đáng yêu của các cháu bị nhiễm chất độc da cam với "bà nội" Hai Chung.

Một ngày có đến cả mấy trăm đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, thế nhưng không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng lành lặn, đầy đủ hình hài. Và còn đau đớn hơn khi có những đứa trẻ chưa một lần được biết đến vòng tay cha mẹ. Trước thực trạng đáng buồn đó, bà đã bàn với bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, lúc đó là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ thành lập Làng Hòa Bình. Được sự tài trợ của một tổ chức Thụy Điển, Làng Hòa Bình đã được xây dựng ngay trong khuôn viên Bệnh viện Từ Dũ. Và từ đó hơn 40 năm qua, Làng Hòa Bình là mái nhà của những đứa trẻ bất hạnh và đó cũng chính là mái nhà thứ hai của bà. Bà nhớ rõ tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh của từng đứa trẻ ở đây. Gương mặt bà rạng rỡ, tươi vui khi kể về thành tích của mỗi cháu…

Vừa lục tìm rồi khoe từng tấm ảnh của những đứa cháu mà bà lưu giữ một cách trân trọng, bà vừa chỉ vào những hình ảnh nói: "Đây là cháu Duy Phương - một người tu hành với dáng hình nhỏ xíu vì lúc sinh ra chỉ nặng có 400gr thôi đó, nhưng giờ là một thầy tu có tài viết thư pháp rất đẹp. Hay đây là cháu Minh Anh vừa đậu đại học ngành công nghệ thông tin, mới đây tôi xin được một cái máy tính xách tay cho cháu để tiện trong việc học tập. Đây là cháu Trần Minh An bị khuyết tật ở miệng và thực quản nhỏ, cháu bị bố mẹ bỏ rơi ngay khi sinh ra, nhưng năm nay cháu cũng đã vào đại học rồi đó…". Theo bà, trước giờ có cháu đi học đại học xong rồi quay về phụ giúp cho Làng Hòa Bình, có cháu được đi nước ngoài để công tác và học tập, còn các cháu không được minh mẫn lại rất ngoan ngoãn...

Có lẽ chính tình cảm chân thành với những đứa trẻ tật nguyền mà lúc nào chúng cũng luôn gọi bà với cái tên thật thân thương "nội" và trên hết là những hành động thân thiện, kính trọng xuất phát từ tình cảm thực sự của chúng với bà.

Niềm vui khôn tả

Nhắc đến ca phẫu thuật cặp song sinh Việt - Đức dính liền nhau do ảnh hưởng chất độc da cam không thể không nhắc đến công lao của bà Chung cùng các y, bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ đã làm nên điều kỳ diệu. Ca mổ thành công đã được Tổ chức kỷ lục Guiness thế giới ghi nhận. Theo bà Chung thì ca mổ không chỉ thành công về mặt khoa học, đánh dấu bước phát triển của y học Việt Nam, mà còn là câu chuyện đầy cảm động về tình người. Việt do thể trạng yếu, sống thực vật nhưng vẫn được chăm sóc rất chu đáo gần 20 năm cho đến ngày ra đi (năm 1997). Còn với Đức, bà Chung góp phần lo cho đến khi đám cưới, lo chỗ ở cho đôi trẻ... Hiện Đức đã trở thành một nhân viên hành chính của Bệnh viện Từ Dũ.


Ngoài Làng Hòa Bình thì công sức của bà Chung đối với việc thành lập nhà tạm lánh cho các chị em phụ nữ lỡ lầm, bất hạnh mang thai ngoài ý muốn cũng rất đáng nói. "Tôi luôn có mối thương cảm sâu sắc với từng hoàn cảnh của nữ bệnh nhân. Vì thế, khi biết được có số chị em vì lầm lỡ mang thai ngoài ý muốn, bị người yêu trốn chạy, gia đình ruồng bỏ, bơ vơ không biết về đâu, sau khi về hưu, tôi đã cùng với Soeur Liễu - phụ trách công tác từ thiện xã hội cố gắng tìm kiếm được một chỗ cho chị em nương thân rồi cùng ra sức vận động tiền để nuôi ăn và hướng dẫn, giúp đỡ khi sinh đẻ tại bệnh viện, an ủi khuyên giải cho chị em có nghị lực phấn đấu nuôi con, chờ cơ hội hòa hợp lại với gia đình…", bà hồi tưởng.
"Bà nội" Hai Chung với Nguyễn Đức trong cặp song sinh Việt - Đức.

Nhắc lại quãng đời đã qua, điều lạ là ở cái tuổi của bà (83 tuổi) ít ai có thể minh mẫn và nhớ gần như tất cả mọi chuyện trong cuộc đời mình. Bà tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, từ phụ trách thiếu nhi, công tác phụ nữ đến làm cứu thương, học lên y sĩ, bác sĩ… rồi gắn bó với công tác Đảng từ những năm làm Bí thư chi bộ Bệnh viện Hoàng Lệ Kha (chiến khu miền Đông Nam bộ), rồi Bí thư kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Liên Cơ của Trung ương Cục… Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, bà được phân công tiếp quản Bảo sanh viện Từ Dũ (sau này là Bệnh viện Từ Dũ) làm Bí thư Đảng ủy kiêm Phó giám đốc suốt 24 năm ròng (1975-1998)…

"Nụ cười, sự vui tươi, ngây thơ của các cháu bé tật nguyền ở đây là niềm vui khôn tả đối với tôi", bà cười rất tươi chia sẻ.

Nụ cười nhân hậu luôn nở trên môi bà khi ở cùng các cháu nhỏ.

"Không có chị Hai Chung, chúng tôi sẽ không làm được nhiều thứ như vậy, Bệnh viện Từ Dũ cũng sẽ không được như bây giờ...", bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói vậy. Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên trong ngành Y tế hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985 và 2002).

Bác sĩ Tạ Thị Chung (83 tuổi, quê Bến Tre), tên thường gọi là Hai Chung. Bà xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bà giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc BV Từ Dũ từ năm 1975 đến 1998. Bà đã được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng II.
Phú Lữ
.
.
.