‘Bà tiên’ giữa đời thường

Thứ Năm, 24/09/2015, 08:00
Hôm nay bà Mười mặc áo dài màu xanh nõn chuối, trông bà trẻ hơn tuổi 80 rất nhiều. Có lẽ bà là người vui nhất, vì UBND phường Tân Thuận Tây (quận 7, TP Hồ Chí Minh) đã cho mượn một phòng học kiên cố ở Trung tâm học tập cộng đồng, từ nay xấp nhỏ không phải lột dép, cởi quần vắt lên vai lội qua kênh rạch đến lớp học nằm dưới gầm cầu nữa. Còn một niềm vui khác đến với bà, là năm học vừa rồi có một em vượt qua bậc tiểu học, ba em lên thẳng lớp 5.
Trăm số phận gửi một con người

Tên đầy đủ của bà là Lữ Thị Lệ Nương, nhưng đám học sinh nghèo vẫn thường hay gọi thân thương bằng bà Mười. Bà Mười là người duy nhất ở cái thành phố ồn ào, giàu có này nắm chặt tay bọn trẻ, cười với chúng và cho chúng ăn no. Chúng xem bà Mười như bà tiên, ông bụt và yêu thương bà Mười còn hơn cả cha mẹ của mình.

Những đứa trẻ đen đúa, đói bẩn, ngỗ ngược, chỉ có trời dạy thì nay, chúng răm rắp nghe lời bà, làm theo những gì bà dạy bảo. Tình thương của bà Mười đã cảm hóa hàng trăm đứa trẻ bụi đời, mồ côi, lang thang. Bà đã gieo vào đầu chúng những con chữ đầu đời tròn trịa, lấp lánh tương lai. 

 Võ Hồng Vũ (14 tuổi, quê Tiền Giang). Vũ mồ côi cha, sống với mẹ và hai người anh ở xóm lao động nghèo trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Mẹ Vũ không nuôi nổi ba đứa con, để mặc hai đứa đầu ra đời kiếm sống khi mới 10 tuổi. Vũ là con út, vì còn quá nhỏ nên mẹ cho ở nhà tự chơi. Lớn hơn một chút, Vũ được mẹ dắt đi bán vé số, em bán chính cái thân thể gầy rộc, đói rốc của mình để người ta động lòng thương hại mà mua vé số.

Mẹ con Vũ gặp được bà Mười trong một buổi chiều nhập nhoạng tối, giữa cơn mưa tầm tã. Bà Mười lụ khụ đến, nhỏ nhẹ hỏi thăm và mon men ngỏ lời với người mẹ cho con đến trường. Bà hứa sẽ cho Vũ ăn no và dạy Vũ học chữ. Vũ học một mạch trong lớp học tình thương của bà Mười và bây giờ đã lên được lớp 4 rồi.

Bà Mười hạnh phúc trong ngày khai giảng.

Còn em Lê (12 tuổi, quê Kiên Giang) mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải theo người dì lên thành phố kiếm sống. Gia cảnh người thân nghèo khó, bần hàn, Lê sớm phải ra đời cùng với những tháng ngày lang bạt khắp các ngõ nhỏ để kiếm tiền. Tâm hồn thơ dại tuổi 12 của em đã trở nên chai sạn với bụi đường. Em chưa bao giờ biết mặt con chữ, đến tập sách vở và ước mơ đến trường cũng vì thế mà chẳng bao giờ hình thành nổi trong em. Trong một lần chào bánh cam ở một quán phở, Lê được bà Mười hỏi thăm về hoàn cảnh. Sau đó, bà Mười đến gặp người dì của Lê để xin phép cho em được đi học chữ.

Khánh, mới 7 tuổi đã phải thức khuya dậy sớm đi đánh giày cùng người anh họ. Khánh đen đúa, gầy guộc, ngày ngày xách hộp vuông đồ nghề quẹo cả bên sườn đi đánh giày trông đến tội nghiệp. Bà Mười dõi theo dáng người nhỏ bé của Khánh lọt thỏm dưới chân người lớn, bà chủ động hỏi thăm.

Lúc đầu, Khánh rụt rè lạ lẫm khi có người đến nắm tay, cười với em và nói những điều dịu nhẹ nhất mà chưa bao giờ em được nghe kể từ ngày bước chân lên thành phố. Khánh sinh ra đã không biết mặt cha. Mẹ em ốm đau vật vã ở quê, em phải gồng gánh chuyện gia đình. Bà Mười động viên Khánh đi học để biết cái chữ, sau này trưởng thành con đường tương lai của em sẽ rộng mở hơn. Khánh ngập ngừng hỏi lại: "Đi học có được ăn cơm không bà"? Bà Mười gật đầu, thế là Khánh theo học.

Đối tượng thứ hai bà Mười nhắm tới là những đứa trẻ sống trên những chiếc ghe theo cha mẹ đi buôn bán hoặc con em vạn chài không nhà cửa. Ở đối tượng này, vì chúng còn cha mẹ nên khi bà Mười ngỏ ý dạy học miễn phí thì họ vui vẻ đồng ý.

Lớp học bắt đầu bằng những học trò như thế. Tất cả các em đều xuất thân từ nghèo khó, cuộc sống tăm tối bần hàn, không một ngày được cắp sách tới trường. Lúc đầu chỉ có vài em, bà Mười tận tình đứng lớp, bà đã vận dụng hết những gì mình có được và cả sự minh mẫn còn lại của tuổi già dạy chữ cho trẻ.

Căn nhà nhỏ của bà ngày ngày âm vang tiếng đánh vần A, B, C, tiếng đếm số từ 1 đến 10 lanh lảnh của học trò. Những ngày đầu, do lớp học quá ít học sinh nên xong mỗi giờ học, bà Mười lại dò dẫm trên những con đường, men theo bờ kênh tìm trẻ lang thang. Có những đứa vui thích đồng ý nhưng cũng có em im lặng lắc đầu vì phải mưu sinh để duy trì sự sống.

Lớp học tình thương của bà Mười sẽ có 80 em

Lớp học của bà Mười với những học sinh ở đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần. Đứa lớn nhất 20 tuổi và đứa nhỏ nhất 5 tuổi, tất cả đều ở điểm xuất phát là mù chữ. Có thời điểm, trẻ lang thang khác nghe tin đã tìm đến xin học rất nhiều. Một mình không thể kham nổi với số lượng học trò lên tới hàng trăm và căn nhà nhỏ cũng không thể đủ chỗ ngồi cho các em, bà Mười đi vận động các hội cùng với sự giúp sức của sinh viên và giáo viên trường sư phạm, lớp học chuyển về tá túc tại một nhà kho bỏ hoang của một công ty dưới chân cầu Tân Thuận.

Năm học này, lớp học tình thương của bà Mười sẽ có 80 em.

Mùa mưa, các em phải lột dép, sắn quần lội bì bõm qua mương nước. Phòng học ẩm thấp, dột nát và ruồi muỗi bu bám lấy bọn nhỏ. Vì là con nhà nghèo, quen với cảnh đầu đường xó chợ nên chẳng đứa nào ca thán, chúng hồn nhiên học và hồn nhiên chơi.

Bà Mười chia sẻ: "Học chữ không dễ chút nào, đặc biệt với những đứa trẻ đã quá tuổi đến trường lại sống trong môi trường chợ búa. Đối với những người dạy tình nguyện thì ngoài sự kiên trì, bền bỉ ra con phải có một tấm lòng cao thượng, yêu thương và thấu hiểu được bọn trẻ thì mới bám trụ được với chúng".

Bà Mười chẳng khá giả gì khi đang sống bằng đồng lương hưu trí ít ỏi, những lúc lớp học đông, bà tự bỏ tiền túi ra thuê cô giáo trẻ, có kiến thức về dạy mong có con chữ ngày càng nhiều. Vậy mà có những em, vừa học được một tuần thì bỏ ngang, bà Mười tìm tới động viên thì em nói: "Em cũng muốn học lắm nhưng học mãi không hiểu gì cả, em muốn về đi đánh giày thôi".

Sau khi thuyết phục và hứa mỗi buổi em đi học thì bà sẽ cho em số tiền bằng với số tiền một ngày em đánh giày. Em lại đồng ý tiếp tục học. Nhưng chỉ một tuần sau, em vừa nói vừa khóc xin được nghỉ học. Em thật thà cho biết: "Khi tới lớp, bên cạnh cuốn vở là hộp đánh giày. Trong lớp học em chỉ nghĩ tới hôm nay sẽ kiếm được bao nhiêu tiền và sẽ ăn cơm với gì nên không thể hiểu được những con chữ trong sách". 

Lại có em sau khi học được một thời gian thì tìm tới bà Mười thỏ thẻ trong nghẹn ngào: "Con không muốn nghỉ học chút nào cả nhưng ngày mai ba mẹ con phải rời ghe tới chỗ khác. Con đã học thuộc bảng chữ cái và đếm được từ 1 đến 10 rồi". Bà Mười đau đáu nhìn học trò lũ lượt rời bỏ lớp học trong sự thương xót đến nghẹn ngào.

Bà kể: "Tôi thương lũ học trò nhỏ vô cùng, có nhiều em ham học nhưng phải đứt gánh giữa chừng. Bây giờ những đứa trẻ tôi đưa về dạy chữ không còn nhiều nữa. Qua thời gian lớp học cứ vơi dần đi, tôi đau lòng phải chứng kiến cảnh các em rời xa con chữ lao ra ngoài xã hội kiếm sống. Rồi đây, những đứa trẻ không biết chữ này sẽ đi đâu về đâu hay vẫn mãi sống đời phiêu bạt". Mỗi năm bà Mười đều tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp tiểu học cho các em. Sau đó, em nào muốn học tiếp thì sẽ được chuyển lên các trường cấp 2, còn em nào không học nữa thì quay về với công việc của mình.

Học sinh tặng bà Mười bức tranh thay lời cảm ơn.

Chính quyền phường Tân Thuận Tây ghi nhận tấm lòng của bà giáo, đã tạo điều kiện cho lớp học chuyển về dạy tại địa điểm sinh hoạt cộng đồng của phường. Từ ngày có phòng học kiên cố, học sinh theo học cả ngày cho kịp chương trình sách giáo khoa phổ thông.

Buổi trưa các em ở lại trường, có cơm từ thiện ăn no. Vì thế mà số học sinh nghỉ học giảm đáng kể. Nhiều năm ròng rã "đấu vật" với con chữ, với miếng cơm manh áo cho học sinh, năm nay, lớp học tình thương của bà Mười tổ chức được một buổi Lễ khai giảng hoành tráng, náo nức nhất trong suốt 15 năm qua. Tay bà Mười run run cầm dùi trống, mắt rưng rưng đánh những tiếng trống trường đầu tiên sau bao nhiêu năm dạy chữ cho trẻ em nghèo.

Bọn trẻ chồm tay ra kéo bà Mười lại rồi chun mũi cười khanh khách. Ngày đầu tiên chúng được mặc áo trắng, quần xanh, cài hoa hồng đỏ trước ngực. Chúng cười vui như tết, vui như hội và hạnh phúc như được ai đó cho một chiếc bánh mì giữa lúc đón lả.

Khi tôi đang ngồi viết những dòng này, thì nhận được cuộc điện thoại của bác sĩ Trương Thế Dũng - Trưởng đoàn y, bác sĩ tình nguyện Niềm Tin, tổ chức thiện nguyện chuyên giúp đỡ bệnh nhân AIDS, bệnh nhân ung thư và trẻ em cơ nhỡ. Bác sĩ Dũng hứa sẽ tổ chức khám bệnh tầm soát, phát thuốc, tặng quà cho các em tại lớp học tình thương của bà Mười trong một ngày gần nhất.

Tôi nghe mà thầm mừng cho tụi nhỏ, có lẽ chưa bao giờ chúng được cộng đồng quan tâm nhiều đến thế.  

Ngọc Thiện
.
.
.