"Bà tiên" trong lớp học võ đặc biệt

Thứ Bảy, 07/01/2017, 20:52
Dù đã bước sang tuổi "thất thập" nhưng bà vẫn "tung hoành" trên khắp các võ đường lớn nhỏ ở TP Hồ Chí Minh. Vừa để thỏa mãn đam mê, vừa truyền lửa cho giới trẻ về khát vọng vươn xa của võ học.


Tình yêu "kiếm hiệp"

Nếu như những người đồng nghiệp cùng trang lứa đã vui thú điền viên thì võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan vẫn ngày mỗi ngày miệt mài rong ruổi khắp các võ đường lớn ở TP Hồ Chí Minh. Nhiều người thắc mắc, tại sao người phụ nữ 70 tuổi lại đam mê dạy võ đến thế?

Bởi ở độ tuổi này, một bà lão đi đứng nhanh nhẹn được đã là quý, nói gì tới việc luyện võ. Nhưng chẳng có nguyên nhân gì cao siêu cả, chỉ vì tình yêu vô cùng đối với môn võ Akido đã tiếp sức mạnh cho bà. Khi đi quyền, không ai nghĩ bà đã có tuổi, bởi từng đường múa vẫn nhanh nhẹn và mềm mại đến mức khó tin. Những cú bẻ tay, xoạc chân của bà còn đầy sức mạnh, có thể vật ngã một môn sinh lực lưỡng.

Võ sư Thanh Loan cho biết, bà đã sống chung với môn võ Akido được nửa thế kỷ. Từ ngày tóc còn để chỏm, bà được tiếp xúc với các thể loại võ và được học bài bản. Lớn hơn chút nữa, bà chọn môn Akido để chung thủy trọn đời. Ngoài Akido, võ sư Thanh Loan còn biết nhiều thứ võ khác như Taekwondo, Judo, thiếu lâm tự. Riêng với Akido, bà đạt đến đẳng huyền đai quốc tế, được xem như bậc thầy trong giới võ thuật.

Sống bằng niềm đam mê, lại có cơ hội luyện tập hằng ngày nên võ sư Thanh Loan có thể trạng tốt hơn những người cùng tuổi. Bà chia sẻ: "Môn võ Akido khác với các môn phái khác ở chỗ, nó nhẹ nhàng hơn và thiên về sự dẻo dai. Vì thế, trên sàn đấu Akido không phải cứ thao tác nhanh, mạnh là thắng".

Akido giúp Thanh Loan mạnh mẽ từ nhỏ, nhiều lần bà đã dùng Akido để tự vệ và "dạy" cho nhiều tên côn đồ một bài học. Bà nhớ lại: "Lần gần đây nhất khi đi chợ, tôi đã phải dùng đến Akido. Hôm đó tôi bắt gặp một tên trộm đang dùng thủ đoạn để móc cái ví tiền của một bà già. Tôi lao tới, túm tay sau đó dùng chân gạt hắn ngã sóng soài xuống đất. Ngã rồi mà hắn còn ngơ ngác không hiểu tại sao, khi nhìn thấy tôi là một bà già, hắn há hốc mồm. Cũng nhờ Akido mà nhiều lần trượt chân ngã hoặc té xe chảy máu, sưng vù tay chân, nhưng xương cốt thì không hề hấn gì".

Bà là võ sư cao tuổi nhất Việt Nam hiện còn tham gia dạy võ.

Trong cuộc đời của mình, ngoài môn võ bà yêu như máu thịt, còn có một tình yêu trên cả "máu thịt" nữa là người bạn đời, võ sư Đặng Văn Phát. 

Tình yêu của hai con người học võ cứ tưởng khô khan, như các thế võ, nhưng lại hoàn toàn trái ngược. Chúng tôi đứng nhìn họ múa quyền với nhau, sự hài hòa ăn ý gần như tuyệt hảo. Ông rắn rỏi, tung những cú đá dứt khoát, quyết liệt, bà uyển chuyển, khéo léo né tránh và đỡ đòn.

Mỗi thế tấn công chỉ vừa chạm vào nhau, đủ thấy ông nâng niu bà đến nhường nào. Xong mỗi buổi tập, ông nhanh chân chạy đi lấy nước đưa cho vợ. Còn bà lau xong mồ hôi, đưa chiếc khăn cho ông. Mỉm cười ý nhị, võ sư Thanh Loan chia sẻ rằng, cũng chính từ niềm say mê võ học, mến mộ người tài, nên bà đã phải lòng thầy giáo dạy võ của mình.

Đó là những ngày tháng của tuổi 20 thật đẹp. Cô võ sinh Thanh Loan mềm mại, thanh thoát trong những đường quyền. Người thầy dành sự ưu ái đặc biệt cho võ sinh, hướng dẫn bằng tất cả những gì mình có và một trái tim rực lửa tình yêu. 

Nghiệp võ và duyên võ cùng đưa họ xích lại gần nhau để một ngày họ trở thành cặp đôi "hoàn hảo" trên sân tập lẫn ngoài đời thường. Đồng môn nói đùa gán cho vợ chồng bà biệt danh "cặp đôi giang hồ".

Cùng niềm đam mê võ thuật, trong nhà của võ sư Thanh Loan trưng bày và chứa toàn những dụng cụ dạy võ. Người ngoại đạo sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi những thanh kiếm, thanh long đao lấp lánh, sáng choang được trưng trong tủ. Đó là bảo vật vô giá của cả một đời dạy võ của hai vợ chồng bà.

Võ sư Thanh Loan chuyên về dạy võ Akido. Còn võ sư Đặng Văn Phát thường đi khắp nơi để duy trì, phát triển bộ môn Akido. Thế nên, tuy sống chung trong một mái nhà, chung niềm đam mê nhưng họ lại rất ít gặp nhau và bữa cơm gia đình cũng hiếm khi đông đủ.

Võ sư Thanh Loan tâm sự: "Mặc dù ít gặp nhau, nhưng bất cứ khi nào ở bên nhau là chúng tôi đều gạt sang một bên những suy nghĩ về võ thuật để dành cho nhau giây phút thật sự êm đềm và ngọt ngào. Những khoảng thời gian rỗi rãi, chúng thường cùng nhau xem một bộ phim rồi bình luận, thảo luận. Nếu nhớ nghề quá thì cả hai vác kiếm ra "đấu". Tình yêu võ thuật chính là sợi dây vô hình giữ trái tim con người luôn hướng về nhau".

Cặp đôi võ sư nổi tiếng Thanh Loan - Đặng Văn Phát.

Môn võ hàn gắn yêu thương

Thấm nhuần triết lý võ đạo trong Akido, hơn 10 năm nay, vợ chồng võ sư Thanh Loan như "ông tiên bà bụt" của trẻ em khuyết tật. Bà dành hết thời gian dạy Akido miễn phí cho những đứa trẻ bị khiếm khuyết, bị down và thiểu năng. Tiếng lành đồn xa, lớp Akido của võ sư U70 mỗi ngày lại tiếp nhận nhiều hơn trẻ khiếm khuyết tới nhập học.

Bằng sự cảm thông và tình yêu thương dành cho trẻ, võ sư Thanh Loan đã biến mình thành một "bảo mẫu", không chỉ dạy võ mà còn dạy những môn sinh đặc biệt cung cách ứng xử, giao tiếp với bên ngoài. Sự mặc cảm, e sợ của những đứa trẻ lần đầu bước ra xã hội đã dần tan đi.Đến nay, nhiều em thiểu năng đã nhanh nhẹn hơn, em bị down cũng năng động, trí tuệ phát triển… 

Những đôi chân khều khào, đứng không vững trên sân tập ngày nào, nay chạy nhảy vững chắc, nói cười vui vẻ với bạn bè và những người xung quanh.Điều này là tác dụng huyền diệu của Akido không chỉ đối với sức khỏe mà còn giúp tinh thần, tâm hồn con người linh hoạt, minh mẫn. 

Những võ sinh đặc biệt dưới bàn tay huấn luyện của võ sư Thanh Loan đã nhanh nhẹn và trưởng thành lên rất nhiều.

Võ sư Thanh Loan giải thích: "Ai trong Akido có nghĩa là yêu thương. Người Nhật đã vận dụng tình yêu thương vào môn võ để hóa giải mọi điều trong cuôc sống".

Tuy nhiên, để có được thành quả tuyệt vời ấy, võ sư Thanh Loan đã phải dạy dỗ bằng tất cả sức lực và sự kiên nhẫn của mình. Có em đến lớp cả tháng trời vẫn không chịu nói, không chịu học và chỉ có khóc. Rồi có em chỉ cười…

Những câu hỏi dồn dập ẩn hiện trong suy nghĩ của bà: "Trẻ khiếm thị, down, thiểu năng có học võ được không? Bà đã từng hỏi một số đồng nghiệp, chuyên gia tâm lý và họ đều trả lời là "không thể". Nhưng bà vẫn quyết tâm thực hiện, chỉ với một suy nghĩ duy nhất: "Các em đều là con người, có tâm hồn, có khát vọng. Chỉ là đang nằm ở một góc sâu thẳm nào đó thôi. Điều này thuộc về người lớn chúng ta". Vậy là, mỗi ngày, các em tiến bộ một chút, thấy nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc của cha mẹ chúng. Người võ sư như được tiếp thêm lửa, chẳng còn gì vui sướng hơn".

Sau mỗi khóa học, võ sư Thanh Loan lại tổ chức cho các em học hát, học vẽ rồi đi dã ngoại để chúng mở mang tầm hiểu biết, có kiến thức thực tế.

Bà cho biết: "Trong Akido vừa có luyện tập thể chất vừa luyện tập tinh thần. Mục đích của việc tập luyện Akido là điều hòa nhịp vận động, linh hoạt và sự bền bỉ, không chú trọng đến sức mang vác, nên chỉ cần khéo léo là học thành công".

Lớp học Akido đặc biệt của võ sư Thanh Loan lúc nào cũng âm vàng tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên của trẻ thơ. Nó như liều thuốc thần kỳ xoa dịu mọi cơn đau mà các em khuyết tật đang phải gánh chịu, như phép nhiệm mầu khơi dậy niềm hạnh phúc bình dị trong mỗi gia đình con em mắc bệnh down, thiểu năng.

Ngọc Thiện
.
.
.